Thứ hai 25/11/2024 11:11

Vĩnh Phúc: Dừng dịch vụ vận tải công cộng xe buýt, sẽ giải quyết hệ lụy thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sở GTVT Vĩnh Phúc đã đề xuất UBND tỉnh xem xét chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ công ích vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn, sau thời gian dài các cơ quan chức năng của địa phương họp bàn thảo luận mà chưa tìm được giải pháp “tháo gỡ”. Vậy “hệ lụy” của việc dừng dịch vụ công ích này như thế nào là điều dư luận rất quan tâm.
Vĩnh Phúc: Dừng dịch vụ vận tải công cộng xe buýt, sẽ giải quyết hệ lụy thế nào?
Việc xem xét dừng hoạt động dịch vụ công ích vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn đang được các cơ quan chức năng bàn thảo xem xét đánh giá các hệ lụy, nhằm có hướng giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo quyền lợi của hành khách.

Dừng dịch vụ công ích vận tải hành khách bằng xe buýt?

Tại Văn bản 3607/SGTVT-QLVT, PT&NL, Sở GTVT đã đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép đơn vị được chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt 06 tuyến VP-01, VP-03, VP-04, VP-05, VP-06, VP-08 với Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc kể từ ngày 01/12/2022.

Sở GTVT Vĩnh Phúc cho biết, dịch vụ công ích cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ tại Quyết định số 2246/QĐ-UBND ngày 28/9/2018; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 2909/QĐ-UBND ngày 21/11/2018; phê duyệt dự toán chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 3291/QĐ-UBND ngày 28/12/2018.

Thực hiện Chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định và đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tại các Quyết định số 202/QĐ-SGTVT ngày 26/4/2019, số 366/QĐ-SGTVT ngày 05/7/2019. Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc là đơn vị được lựa chọn trúng thầu và tham gia thực hiện 6/8 gói thầu cung cấp dịch vụ, cụ thể là các tuyến buýt VP-01, VP-03, VP-04, VP-05, VP-06, VP-08.

Sở GTVT cũng đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở GTVT thông báo rộng rãi về thời gian ngừng hoạt động của 6 tuyến xe buýt (VP-01, VP-03, VP-04, VP-05, VP-06, VP-08) kể từ ngày 01/12/2022 cho Nhân dân và hành khách được biết để chủ động trong việc đi lại; Thông báo đến các doanh nghiệp có năng lực vận tải quan tâm đăng ký thực hiện tiếp tục phần còn lại của hợp đồng và sẽ có cam kết ràng buộc trách nhiệm tránh tình trạng bỏ giữa chừng như hiện nay.

Trường hợp nếu không có doanh nghiệp vận tải và cá nhân nào quan tâm đăng ký thực hiện tiếp tục phần còn lại của Hợp đồng vận chuyển 06 tuyến xe buýt nêu trên, từ 01/12/2022, song song với việc thông báo tới các doanh nghiệp vận tải tham gia đăng ký khai thác 06 tuyến xe buýt, Sở GTVT đề xuất UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan phối hợp với Sở GTVT lập phương án mới đấu thầu lại 06 tuyến xe buýt này.

Đây là động thái được cho rằng rất “cứng rắn” trước thực tế Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc, đơn vị vận hành dịch vụ xe buýt công cộng trên địa bàn sau khi trải qua thời gian đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, tiếp đến khó khăn do xung đột giữa Nga – Ukraina, gồng mình cầm cự trong tình cảnh thua lỗ, đến nay đã lâm vào hoàn cảnh không thể trụ nổi: nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động 6 tháng trời.

Khó khăn do dịch bệnh Covid- 19

Những khó khăn trong thực tế ảnh hưởng đến dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt mặc dù xảy ra bất ngờ, khó lường, nhưng đến nay cũng đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận, xác định rõ nguyên nhân là do đại dịch Covid-19.

“Từ tháng 7 năm 2019 đến đầu năm 2020 hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến diễn ra thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến năm 2022, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm thay đổi thói quen đi lại của người dân - để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, người dân đã chủ động lựa chọn phương tiện cá nhân để lưu thông thay cho các phương tiện công cộng” – Sở GTVT Vĩnh Phúc nêu rõ.

Số lượng hành khách đi xe buýt giảm mạnh dẫn đến doanh nghiệp bị giảm doanh thu (doanh thu khoán) trong khi chi phí để duy trì hoạt động cơ bản vẫn phải giữ nguyên như chi phí xăng dầu, chi phí cho công tác quản lý, chi phí nhân công, bến bãi, bảo trì bảo dưỡng phương tiện... dẫn đến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, và đến nay không còn khả năng để tiếp tục duy trì hoạt động.

Vĩnh Phúc: Dừng dịch vụ vận tải công cộng xe buýt, sẽ giải quyết hệ lụy thế nào?
Ngày 24/10 vừa qua, các lái, phụ xe buýt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tập trung tại Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc đòi các quyền lợi chế độ bị chậm chi trả suốt 6 tháng. (Ảnh tư liệu)

Trước tình cảnh không thể chống chọi nổi, Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc đã có hàng loạt các văn bản “cầu cứu” cơ quan chức năng xem xét, sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ “cứu” loại hình vận tải công cộng xe buýt. Cụ thể, Văn bản số 58/VT ÔTÔVP ngày 09/8/2022 báo cáo và đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Văn bản số 70/VT ÔTÔVP ngày 20/9/2022;

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc như Sở GTVT, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở KH&ĐT cùng các đơn vị liên quan sau thời gian họp bàn thảo luận, vẫn chưa đưa ra được phương án tháo gỡ, bởi lý do đối chiếu các quy định của pháp luật chưa có cơ sở để có thể hỗ trợ Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc – đơn vị trúng thầu cung cấp dịch vụ công ích vận tải công cộng trên địa bàn tỉnh.

Đến ngày 21/10/2022, Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc tiếp tục có văn bản số 75/VTOTOVP gửi Sở GTVT, báo cáo khó khăn trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt - vì điều kiện bất khả kháng, tài chính cạn kiệt, việc tiếp tục cung cấp dịch vụ 6 tuyến xe buýt không thể thực hiện được nữa, xin dừng thực hiện cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Dừng dịch vụ xe buýt kéo theo hệ lụy như thế nào?

Thực tế, việc giải quyết các thủ tục để chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe buýt theo đề nghị của công ty Cổ phần vận tải Ô tô Vĩnh Phúc, đồng thời phải duy trì liên tục hoạt động xe buýt trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân là nhiệm vụ rất khó khăn và chưa có tiền lệ;

Việc quyết định các giải pháp thực hiện có ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an sinh xã hội, do đó cần phải được nghiên cứu trên nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau để vừa đảm bảo tính khách quan, đảm bảo các quy định của pháp luật có liên quan và phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh.

Không khó để có thể nhận thấy, trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện tại, việc cung cấp dịch vụ vận tải công ích bằng xe buýt mà nhà nước triển khai có ý nghĩa rất lớn. Ngoài việc đây là giải pháp quan trọng để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm tải cho hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, thì sử dụng xe buýt còn góp phần hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hình thành văn hóa giao thông, văn minh đô thị.

Vĩnh Phúc: Dừng dịch vụ vận tải công cộng xe buýt, sẽ giải quyết hệ lụy thế nào?
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép Sở GTVT chấm dứt hợp đồng với Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc trong việc cung cấp dịch vụ công ích vận tải hành khách bằng xe buýt.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hàng ngày có khoảng 10.000 người tham gia phương tiện công cộng. Hành khách sử dụng dịch vụ này đa phần là công nhân, học sinh sinh viên và người cao tuổi. Nếu hoạt động xe buýt dừng lại, đồng nghĩa với việc 10.000 gia đình ảnh hưởng, đảo lộn thói quen sinh hoạt, và sẽ đẩy ra khoảng 10.000 chiếc xe máy tham gia giao thông, người dân phải thêm chi phí nhiên liệu di chuyển, trong khi hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường càng thêm áp lực.

Mặt khác, Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều KCN, việc mạng lưới xe buýt công cộng hoạt động không tốt ảnh hưởng đến việc di chuyển, giờ giấc làm việc của công nhân tại các KCN, cũng khiến các DN gặp khó khăn. Công nhân di chuyển bằng xe buýt mà chậm, muộn giờ làm sẽ ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, thậm chí doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn phải mất thêm chi phí sắm phương tiện chủ động đưa đón công nhân để đảm bảo năng lực sản xuất. Việc này vô tình cũng ảnh hưởng đến uy tín của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ảnh hưởng đến chủ trương mời gọi thu hút DN đầu tư mà tỉnh đã nỗ lực thực hiện đem lại nhiều hiệu quả trong thời gian qua.

Được biết, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép chấm dứt hợp đồng với Cty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc trong việc cung cấp dịch vụ công ích vận tải hành khách bằng xe buýt. Tuy nhiên, UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức pháp luật, đánh giá kỹ hệ lụy của việc chấm dứt hợp đồng trước khi chính thức quyết định.

Vĩnh Phúc: Sáu tuyến xe buýt hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng Vĩnh Phúc: Sáu tuyến xe buýt hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng

Ngày 27/10, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc về 6 tuyến xe buýt trên địa bàn tiếp tục ...

Vĩnh Phúc: Cần nhanh chóng có cơ chế mới để kịp thời “cứu” vận tải xe buýt Vĩnh Phúc: Cần nhanh chóng có cơ chế mới để kịp thời “cứu” vận tải xe buýt

Từ sự việc lái xe, người lao động của Cty Cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc “đình công” đòi lương và chế độ ...

Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động