Việc "mạnh tay" xử lý tài xế sử dụng rượu bia đã góp phần giảm tai nạn giao thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo thống kê, từ đầu năm 2023, cả nước xảy ra 4.970 vụ tai nạn (giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước), làm chết 2.865 người (giảm 14%), bị thương 3.471 người (giảm gần 6%). Tai nạn chủ yếu xảy ra trên đường bộ, với 4.906 vụ. Có 43 tỉnh, thành phố tai nạn giảm, nhưng 17 địa phương tăng |
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, nửa đầu năm, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, người chết và người bị thương. Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc tích cực ở tất cả cấp ngành, từ trung ương tới địa phương. Trong đó, việc mạnh tay xử lý tài xế sử dụng rượu bia, xe tải cơi nới thùng hàng... đã góp phần giảm tai nạn và hình thành thói quen cho lái xe.
Siết chặt hoạt động của các cơ sở đào tại lái xe
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trong nửa đầu năm, thanh tra giao thông đã chuyển thông tin 6 trung tâm đào tạo lái xe cho cơ quan công an của 5 địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Các dấu hiệu vi phạm ở đơn vị đào tạo lái xe phát hiện qua thanh kiểm tra gồm: Số phiên học trùng xe tập lái, trùng học viên cao bất thường, nguy cơ can thiệp dữ liệu, thiết bị giám sát học thực hành để gian lận thời gian học.
Sở Giao thông vận tải các địa phương cũng thanh kiểm tra vi phạm, thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô của 1 trung tâm; xử phạt vi phạm hành chính 177 cơ sở đào tạo, trong đó đình chỉ tuyển sinh 85 đơn vị; xử phạt hành chính 19 trung tâm sát hạch lái xe, trong đó tước giấy chứng nhận hoạt động của 15 đơn vị.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023, cả nước xảy ra 4.970 vụ tai nạn (giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước), làm chết 2.865 người (giảm 14%), bị thương 3.471 người (giảm gần 6%). Tai nạn chủ yếu xảy ra trên đường bộ, với 4.906 vụ. Có 43 tỉnh, thành phố tai nạn giảm, nhưng 17 địa phương tăng.
Về xử lý vi phạm giao thông, lực lượng thanh tra giao thông thực hiện hơn 38.600 cuộc thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 149 tỷ đồng. Qua thiết bị giám sát hành trình, cả nước có 7,3 triệu lần phương tiện vi phạm tốc độ, trong đó có hơn 11.600 phương tiện bị thu hồi phù hiệu. Cảnh sát giao thông, công an các địa phương đã xử lý hơn 1,68 triệu trường hợp vi phạm (tăng 22% so với cùng kỳ năm trước), phạt tiền 3.251 tỷ đồng (tăng gần 99%); tước hơn 328.200 giấy phép lái xe, tạm giữ trên 528.400 phương tiện các loại. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn chiếm gần 23% số vụ xử lý.
Cần xác định nguyên nhân thuộc về thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân làm công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ có liên quan trong vụ tai nạn giao thông
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua có những vụ tai nạn giao thông khi xem hình ảnh thấy ớn lạnh, với lỗi không thể chấp nhận được là khi dừng đèn đỏ nhưng người lái nhầm giữa chân phanh với chân ga. Lỗi như vậy không thể chấp nhận được, tưởng như chỉ thấy trong phim. Do đó, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe phải làm chỉn chu, chuẩn chỉ, đúng quy định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dù tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn một số hạn chế như: số người thương vong do tai nạn còn ở mức cao, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người; tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, các trung tâm du lịch có xu hướng diễn biến phức tạp hơn.
Nguyên nhân tình trạng này là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, tài xế và chủ doanh nghiệp vận tải còn hạn chế; tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe diễn biến phức tạp; tình trạng vi phạm về hành lang an toàn đường bộ, đường sắt diễn ra phổ biến. Năng lực, hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT ở một số lĩnh vực, đơn vị, địa phương còn hạn chế. Chưa kịp thời nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải để kịp thời chia sẻ, liên thông trực tuyến cho các lực lượng quản lý nhà nước về trật tự ATGT. Sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.
Giải pháp để đảm bảo ATGT thời gian tới là tập trung cho hoàn thiện hạ tầng giao thông, xóa điểm đen tai nạn; đảm bảo chất lượng phương tiện giao thông, xử lý nghiêm xe chở quá tải, cơi nới thùng hàng...Ông Thắng cũng nêu thực tế, ở các đô thị lớn như Hà Nội, gần đây tình trạng xe máy vượt đèn đỏ rất phổ biến. Vấn đề này cũng cần được lập lại trật tự.
Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ triển khai lắp đặt trạm cân tự động trên các tuyến đường để giảm xe quá tải. Dự kiến, các tuyến đường giao thông đầu tư mới sẽ lắp đặt trạm cân tự động, dữ liệu được truyền tự động về cơ quan chức năng để kiểm soát, xử lý. Cùng với đó cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả những giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong quý III, phấn đấu đạt cho được mục tiêu năm 2023 kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí ít nhất 5% so với năm 2022 ở mỗi địa phương.
Đối với Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT khi cần thiết, nhất là trong dịp cao điểm du lịch Hè, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tháng ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9/2023. Tổ chức họp liên ngành và với các địa phương về những vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm về TTATGT; kiểm tra các lĩnh vực, địa bàn, địa phương có tình hình TTATGT phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng đầu năm…
Bộ GTVT cần chỉ đạo các đơn vị của Bộ, các nhà thầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn giao thông, an toàn lao động khi thi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là các dự án đường bộ cao tốc, các dự án nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đang khai thác; không để xe, máy phục vụ thi công vi phạm tải trọng lưu thông trên đường bộ công cộng; đầu tư hệ thống cân tự động kiểm soát tải trọng xe ô tô trên đường bộ, nhất là các tuyến cao tốc và quốc lộ.
Tăng cường kiểm tra an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trước và trong mưa lũ, nhất là các tuyến quốc lộ qua địa hình đèo, dốc có nguy cơ sạt lở, các vị trí cầu vượt tuyến đường thuỷ có chiều cao và khẩu độ thông thuyền hẹp…; phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT kịp thời rà soát, phát hiện, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.
Khẩn trương nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera lắp đặt trên xe ô tô kinh doanh vận tải, chia sẻ với Sở GTVT và lực lượng cảnh sát giao thông 63 tỉnh thành phố để giám sát, xử lý vi phạm.
Đối với Bộ Công an, cần duy trì tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề lái xe vi phạm tốc độ, nồng bộ cồn, ma tuý; vi phạm tải trọng và kích thước thành, thùng xe; quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe điều khiển mô tô, nhất là các trường hợp gây TNGT. Trong quá trình điều tra các vụ TNGT, ngoài xác định nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, đề nghị xác định nguyên nhân thuộc về thẩm quyền, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân làm công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ có liên quan trong vụ tai nạn giao thông.
Hà Nội: Chú trọng, triển khai phương án tiêu thoát nước trong mùa mưa |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại