Thứ ba 16/04/2024 15:38

Vi bằng là chứng cứ hay nguồn chứng cứ?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Phạm Anh Dũng, nguyên Phó Trưởng Văn phòng Thừa phát lại (TPL) Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, trong thời gian thí điểm, vi bằng của TPL được coi là chứng cứ. Tại Nghị định 08, vi bằng được coi là nguồn chứng cứ.
Ông Dũng lập vi bằng theo yêu cầu của khách hàng
Ông Dũng lập vi bằng theo yêu cầu của khách hàng

Trao đổi với PV, ông Phạm Anh Dũng, nguyên Phó Trưởng văn phòng TPL Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, ở thời kỳ thí điểm chế định TPL Chính phủ đã ban hành Nghị định 61 năm 2009 và Nghị định 135/NĐ-CP năm 2013 về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP HCM. Tại Điều 28 nêu: “Vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”.

Ở thời kỳ chấm dứt thí điểm chế định TPL và được hoạt động trên toàn quốc, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020. Tại Điều 36: “Vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”. “Như vậy, ở thời kỳ thí điểm thì quy định pháp luật coi vi bằng là chứng cứ còn thời điểm sau này thì lại coi vi bằng là nguồn chứng cứ. Theo quan điểm của tôi, nguồn chứng cứ hay chứng cứ thì yêu cầu Văn phòng TPL, TPL và thư ký nghiệp vụ phải đảm bảo các tiêu chí và điều kiện trong quá trình tác nghiệp lập vi bằng theo đúng quy định của pháp luật”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng ví dụ, hai vợ chồng anh A và chị B đã có quyết định thuận tình ly hôn, tài sản do hai bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, anh A làm ăn thua lỗ,... nên đã tự ý chuyển nhượng tài sản chung của hai người cho người khác. Trường hợp này, anh A nhờ TPL đến lập vi bằng ghi nhận sự việc anh A chuyển nhượng tài sản cho người khác. Nếu TPL đến lập vi bằng theo yêu cầu của anh A, ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên mà không có ý kiến, không có mặt, văn bản của chị B thì không đảm bảo quyền lợi cho các bên. Nếu chị B khởi kiện ra tòa vì tranh chấp tài sản sau ly hôn thì vi bằng này vi phạm pháp luật, không được coi là nguồn chứng cứ và TPL lập vi bằng như vậy gọi là TPL thương mại hóa.

Trường hợp khác, gia đình ông C và bà D có 2 người con đã trưởng thành. Ông C không may qua đời nên bà D muốn bán tài sản chung của hai vợ chồng và bà D nhờ TPL đến lập vi bằng bán tài sản trên, bà D xin chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Dũng chia sẻ, trong trường hợp này, nếu TPL lập vi bằng ghi nhận sự thỏa thuận giữa các bên sẽ không đảm bảo các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo pháp luật về thừa kế thì bà vợ sẽ được 1/2 tài sản trên và được 1/3 tài sản của người chồng để lại, 2 người con mỗi người sẽ được 1/3 tài sản của người bố để lại.

Do vậy, khi lập vi bằng cần phải có ý kiến của hai người con, hai người này đồng ý để mẹ giao tài sản này cho người khác và cam kết không có khiếu nại, đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì. Trường hợp hai người con không có mặt thì phải có ý kiến qua cuộc gọi, tin nhắn, ... hoặc văn bản khước từ được chính quyền địa phương xác nhận. Nếu lập vi bằng có đầy đủ ý kiến người con và mẹ cùng bên nhận chuyển nhượng thì được gọi là TPL xã hội hóa, tranh chấp được kết thúc, không phát sinh. Còn không có ý kiến các con thì gọi là TPL thương mại hóa...

“Theo tôi, khi lập vi bằng, TPL và thư ký phải đảm bảo đủ các tiêu chí và điều kiện lập vi bằng, tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho các bên. Không thể thương mại hóa TPL khi lập vi bằng không không đảm bảo các tiêu chí, không đảm bảo các điều kiện của pháp luật, không đúng pháp luật”, ông Dũng nhấn mạnh.

Vi bằng là nguồn chứng cứ người dân có thể sử dụng để bảo vệ mình
Vi bằng ghi nhận lời chứng của những người xung quanh
Mua bán đất lập vi bằng chỉ xác nhận có giao dịch trên thực tế
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động