Vi bằng là nguồn chứng cứ người dân có thể sử dụng để bảo vệ mình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThừa phát lại hướng dẫn người dân làm thủ tục (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát) |
Vi bằng là nguồn chứng cứ
Với sự phát triển của thông tin truyền thông ngày càng nhanh chóng thì facebook nói riêng, hay các trang mạng xã hội nói chung đã không còn đơn thuần là không gian riêng tư của mỗi người. Bên cạnh những mặt tích cực, facebook hiện đã và đang trở thành "công cụ" đắc lực để một số người lợi dụng nhằm xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ uy tín của người khác...
Việc lợi dụng facebook để nói xấu, bôi nhọ, thông tin thất thiệt, sai sự thật dần trở thành nỗi bức xúc chung của nhiều người, thu hút sự quan tâm của dư luận. Các cơ quan quản lý cũng đang ra sức ngăn chặn, xử lý.
Thời gian qua, nhiều trường hợp đã đến các Văn phòng Thừa phát lại để được tư vấn và hỗ trợ khi bị người khác đăng tin nói xấu, bôi nhọ, dựng chuyện xuyên tạc làm ảnh hưởng đến danh dự cũng như công việc.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Đặng Thị Minh Hạnh, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Nam Từ Liêm cho hay: “Hiện nay, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ giúp cho người sử dụng nắm bắt các thông tin dễ dàng hơn. Nhiều người đã lợi dụng mạng xã hội bịa đặt, xuyên tạc, nói không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm uy tín, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, đời sống gia đình của nạn nhân. Tất cả những hành vi này đều được xử lý theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ nặng nhẹ”.
Theo chị Hạnh, người bị người khác bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội, các chứng cứ rất khó lưu giữ. Bởi người đã đăng tải các nội dung bài viết có thể xóa bất cứ lúc nào, gây khó khăn cho nạn nhân trong quá trình chứng minh trước các cơ quan có thẩm quyền.
Để người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước những thông tin, nội dung mình đưa ra thì mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, DN khi bị nói xấu, xúc phạm trên mạng xã hội cần chủ động tìm các phương pháp thu thập lại chứng cứ, sau đó giao nộp cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Phương pháp thu thập chứng cứ hiệu quả và chính xác nhất chính là yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng, ghi nhận lại tất cả các bài viết có nội dung bội nhọ mình để làm căn cứ khi giải quyết vụ việc tại các cơ quan có thẩm quyền.
Giá trị pháp lý của vi bằng
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo khoản 2, Điều 2 Nghị định 08/2020/CĐ-CP.
Theo cách hiểu thực tế thì vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị là nguồn chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.
Một số đặc điểm, yêu cầu nổi bật của vi bằng và việc lập vi bằng là: Vi bằng do thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật được xem là chứng cứ và có giá trị chứng minh; Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản; Hình thức của vi bằng là văn bản.
Văn bản này phải do chính Thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng; Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; đó là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản do Thừa phát lại lập; Vi bằng có thể được sao chép và được sử dụng làm chứng cứ lâu dài. Việc vào sổ theo dõi, lưu trữ vi bằng phải tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ.
Việc lập vi bằng trong các giao dịch về dân sự không những là căn cứ để các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời hạn các cam kết, thỏa thuận của các bên, mà còn là nguồn chứng cứ quan trọng để Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra.
Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại sẽ tư vấn cho các bên yêu cầu hoặc tham gia lập vi bằng sao cho việc giao dịch, các thỏa thuận, cam kết được minh bạch, chặt chẽ, đúng pháp luật. Vì vậy, vi bằng còn có tác dụng trực tiếp ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro, tranh chấp tiềm ẩn trong các giao dịch dân sự.
Về lâu dài, vi bằng chắc chắn sẽ gián tiếp góp phần giảm thiểu hồ sơ khiếu kiện và thời gian, công sức xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ của các cơ quan tố tụng.
Giá trị pháp lý của vi bằng được quy định tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2020/CĐ-CP: "Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại