Thứ sáu 29/03/2024 18:48

Vay tiền qua app rồi quỵt nợ: Kẻ cắp gặp bà già?!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc các tổ chức tín dụng cho vay tiền qua app, web với lãi xuất cao, cộng với những hành xử của các tổ chức này khi người vay chậm trả lãi hay không còn khả năng trả là những hành vi vi phạm pháp luật. Và với người vay, nếu cố tình không trả và có những chiêu trò để nhằm "vay xong bùng" cũng là một hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong các bộ luật.
Vay tiền qua app rồi quỵt nợ: Kẻ cắp gặp bà già?!
Rất nhiều những hội nhóm chia sẻ nhau những kinh nghiệm quỵt nợ sau vay qua app

Khi “kẻ cắp gặp bà già”

Không khó để lên facebook tìm kiếm những nhóm có liên quan đến việc mách bảo, truyền kinh nghiệm cho nhau việc không trả tiền sau khi thực hiện thành công những thỏa thuận vay tiền qua app. Các nhóm với tên gọi đồng nghĩa với mục đích đại loại như “bùng app”, “cách đối phó app” “chia sẻ cách đối phó app” thu hút rất nhiều thành viên. Có nhóm nhiều nhất có tới hơn 66 nghìn thành viên tham gia với hàng trăm bài viết mỗi ngày, nội dung chủ yếu xoay quanh việc vay, đối phó hoặc làm cách nào để… xù tiền đã vay.

Để xin gia nhập một nhóm với nội dung tương tự, mỗi tài khoản facebook chỉ cần trả lời vài ba câu hỏi đơn giản liên quan đến việc vay tiền qua app là người yêu cầu tham gia sẽ được quản trị viên duyệt. Nghiễm nhiên, bạn trở thành một thành viên trong đó. Và ngay bài ghim trên đầu nhóm của quản trị viên, “thông điệp” xuyên suốt đã khẳng định hướng đi cũng như hoạt động của nhóm. Chỉ đơn giản đó là “bùng là bùng” và “Có app mới anh em săn lùng được thì quăng lên để chúng ta cùng chén… Cái cần thông tin là đường link (đối với web), còn lãi xuất bao nhiêu, thời hạn trả cóc quan tâm.” Bởi vì theo quản trị viên của nhóm này, nhóm lập ra với “chân lý” đơn giản là “ăn xong bùng” thì quan tâm gì đến những thứ khác.

Ở trong các group này, ngoài những thành viên “gạo cội” đăng đàn để chia sẻ với nhau những app, những web có thể tiếp tục vay tiền sau những “phi vụ” bùng tiền thành công, những thành viên mới gia nhập đa phần hỏi về cách xù nợ, hoặc đối phó với các cuộc điện thoại, tin nhắn đòi số tiền đã vay.

Quan trọng, các thành viên trong nhóm đều vay tương đối nhiều app, thậm chí cả ngân hàng… với số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu. Thậm chí có những thành viên liệt kê đến hàng chục cái app mà thành viên này nợ rồi không trả, nhưng lại tiếp tục tìm kiếm những app, những web và những cách lách luật mới để tiếp tục vay thêm.

Và rồi, hầu hết các thành viên có “thâm niên” trong nhóm đều rất rõ một bài học đã được một tài khoản là Quản trị viên chia sẻ, giải đáp hầu hết các phương thức để không phải trả nợ, cách đối phó cũng như việc không trả nếu là món nợ vay của các ngân hàng thì có vấn đề gì hay không. Theo tài khoản này, để chuẩn bị cho việc “vay xong bùng” thì: “Nếu là dân chuyên nghiệp bùng app thì sẽ có sim ảo, danh bạ ảo, lịch sử ảo, tất cả ảo hết nhưng lại hết sức thật (??)”. Và nếu không phải “dân chuyên nghiệp” thì nên có những tiểu xảo để giấu thông tin…

Thêm đó là các cách né các cuộc gọi, trấn an người thân khi nhận cuộc gọi, hình ảnh “khủng bố” của các app… Tài khoản này cũng hướng dẫn cho các thành viên cách xử trí khi có nhân viên thu hồi nợ của ngân hàng đến nhà tìm bằng cách nhắn tin riêng cho quản trị viên để có hướng dẫn cụ thể.

Trong các nhóm bùng tiền app, bắt gặp không ít thành viên công khai khoe mẽ “chiến tích” xù nợ của mình, để động viên những người khác "mạnh dạn lên". Việc vay tiền rồi bùng qua các app đối với nhiều người trong các nhóm này được coi như là một cách kiếm tiền.

Đáng ngại hơn, đó là trước sự “lớn mạnh” của các nhóm bùng, xù nợ trên mạng xã hội, những dịch vụ hỗ trợ trốn nợ ăn theo không ít, họ công khai quảng cáo trong các hội nhóm kín, như làm giả giấy tờ tùy thân; nhận tìm kiếm ứng dụng vay tiền online; bán tài khoản facebook ảo; bán danh bạ giả; nhận gọi điện trấn an người thân...

Cho vay và chuyện quỵt tiền vay đều là những hành vi phạm pháp

Vay tiền qua app rồi quỵt nợ: Kẻ cắp gặp bà già?!
Vay qua app hoặc qua web là các hình thức cho vay không cần tài sản thế chấp

Vay qua app hoặc qua web là các hình thức cho vay không cần tài sản thế chấp, người vay chỉ cần gửi bản chụp giấy tờ tùy thân như CMND, CCCD của mình cho bên cung cấp tín dụng. Đồng thời nếu vay qua app, bên cho vay phải được quyền truy cập về các thông tin cá nhân như danh bạ, tin nhắn, đồng bộ Google và lịch sử cuộc gọi trong vòng 6 tháng trên điện thoại của người vay. Còn vay qua website, người vay sẽ phải gửi đường dẫn tới trang cá nhân của mình như Facebook, Zalo.

Vay dễ dàng, chứng minh nhân thân đơn giản, số tiền giải ngân nhanh chóng, thế nhưng khi vay ở các app, web này, người vay thường sẽ phải chấp nhận mức lãi xuất rất cao. Thực tế có nhiều app lãi xuất có thể lên đến 500 – 700%/năm.

Việc vay mượn nhiều từ nhiều nguồn với lãi xuất cao sẽ khiến người vay đôi khi không trả được đúng hẹn hoặc không còn khả năng trả nợ. Lúc này, bên cho vay sẽ truy cập theo danh bạ, lấy số điện thoại để gọi điện quấy nhiễu bất kể ngày đêm, khủng bố tinh thần người vay cùng gia đình, bạn bè của người đó, mục đích gây sức ép để họ phải tác động buộc người vay phải trả tiền. Nhiều trường hợp còn bị đe dọa tung ảnh cá nhân, tin nhắn hội thoại lên mạng xã hội để bêu xấu, làm nhục.

Tất nhiên, theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc cho vay với lãi xuất khủng như vậy, các tổ chức tín dụng cho vay qua app, qua web đã phạm vào Điều 201, Bộ luật hình sự 2015, quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Bên cạnh đó, việc bên cho vay qua app, web đòi nợ đến hạn bằng cách quấy rối điện thoại những người không liên quan đến khoản vay, là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN, các công ty tài chính không được gọi điện cho người thân của khách hàng vay để đôn đốc, thu hồi nợ. Còn theo điểm g, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối người khác sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Đồng thời hành vi “siết nợ” bằng cách đăng tải hình ảnh người vay lên mạng xã hội cùng với những lời lẽ đe dọa, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm, cũng phạm vào Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, luật sư Tuyến cũng cho biết, không phải vì các tổ chức tín dụng vi phạm luật mà người cho vay cũng dựa vào đó để xù nợ. Hành vi sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền qua app, web rồi quỵt nợ có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Thậm chí những người có hành vi “vẽ đường chỉ lối”, khuyến khích người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên cũng có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động