Thứ sáu 22/11/2024 09:17

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo: Vay tiền qua app

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh CA, Viện kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Bưu điện… để chiếm đoạt tài sản. Ngoài những phương thức lừa đảo “quen thuộc” trên, mới đây, nắm được sự khó khăn của nhiều người do mất việc làm, những đối tượng quay sang phương thức cho vay tiền qua app để lừa đảo.
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo: Vay tiền qua app
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua app

Liên tiếp có những nạn nhân mắc bẫy

Theo thông tin từ một số Cty tài chính, một số đối tượng đã mạo danh Cty mời khách hàng vay vốn và sử dụng ứng dụng để giải ngân khoản tiền ảo với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản và chiếm đoạt.

Đối tượng gọi điện tới khách hàng mời vay và hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng giải ngân nhanh. Sau đó, tài khoản zalo có tên “Phê duyệt” sẽ kết bạn với khách hàng để dụ dỗ, thuyết phục khách hàng vay vốn, chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng.

Sau khi cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân, như: Số điện thoại, chứng minh nhân dân... khách hàng sẽ được ứng dụng giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu giả mạo các Cty tài chính…

Để nhận được số tiền giải ngân, khách hàng phải gửi mật khẩu để xác nhận. Để có mật khẩu này, khách hàng phải tạm ứng và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc thì đối tượng lừa đảo cắt liên lạc hoàn toàn với khách hàng.

Thủ đoạn này đã được cảnh báo nhiều lần, tuy nhiên vẫn không ít người mắc vẫy. Vừa qua, Công an quận Long Biên cho biết đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 100 triệu đồng với thủ đoạn như trên.

Ngày 18/7/2022, Công an phường Thạch Bàn đã tiếp nhận đơn trình báo của anh A (SN 1980, trú tại Long Biên, Hà Nội) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online.

Anh A. cho biết, do có nhu cầu vay tiền, anh A đã lên mạng internet để tìm kiếm. Sau đó có 01 đối tượng liên hệ, hướng dẫn anh A làm thủ tục vay tiền.

Để nhận được tiền, anh A phải đóng phí mới được giải ngân. Làm theo hướng dẫn, anh A đã gửi hơn 100 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không lấy được khoản vay.

Ngày 19/6, CA phường Đức Giang, quận Long Biên đã tiếp nhận đơn trình báo của anh T (SN 1971, trú tại quận Long Biên, Hà Nội). Theo đơn trình báo, do có nhu cầu vay tiền, anh T đã lên mạng internet để tìm kiếm. Sau đó, một đối tượng liên hệ, hướng dẫn anh T chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản để đảm bảo. T nghi ngờ mình bị lừa nên tìm đến CQCA.

Trước đó, ngày 9/6/2022, CA phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị H (41 tuổi). Theo nội dung đơn, do có nhu cầu vay tiền nên chị H. đã vào mạng Internet để tìm kiếm. Sau đó có 1 đối tượng liên hệ, hướng dẫn chị làm thủ tục vay 200 triệu đồng. Để nhận được tiền, chị H. phải đóng phí mới được giải ngân. Chị H. đã gửi 117 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không rút được khoản vay. Lúc này chị H. mới biết mình bị lừa.

Vào ngày 26/4/2022, CA phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của anh Nguyễn Văn H. (SN 1997; quê Vĩnh Phúc). Do có nhu cầu vay 70 triệu đồng, anh A. đã tải ứng dụng “Vay tiền VPS CASH” nhưng không rút được tiền. Sau đó, có một người gọi điện cho anh A. giới thiệu là là nhân viên Cty cho vay tiền và yêu cầu anh đóng phí 35 triệu để kích hoạt gói vay tiền. Sau khi chuyển tiền, anh A. vẫn không rút được khoản tiền vay từ ứng dụng trên. Lúc này, anh A. mới biết mình bị lừa.

Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn có thể là “bẫy”

Không chỉ chờ đến bây giờ khi các CQ chức năng ra hàng loạt các cảnh báo người ta mới nhận diện được chiêu trò lừa đảo khi vay tiền online, mà trước đó, hàng loạt các câu chuyện về vay tiền online cũng đã được đề cập. Bởi ngoài nguy cơ bị lừa đảo, vay tiền online còn là một cạm bẫy khi người vay tiền đồng ý ký kết với những đối tượng cho vay qua mạng với một lãi suất… trời hỡi.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Liên quan đến hành vi lừa đảo này, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải quảng cáo cho vay vốn trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có người sập bẫy.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước hình thức quảng cáo vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

“Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật” - Công an TP Hà Nội thông tin.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động