Thứ hai 07/10/2024 08:32

Uống thuốc tránh thai suốt 10 năm, người phụ nữ nhập viện với nhiều biến chứng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, các bác sỹ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân bị khó thở, chỉ số Spo2 giảm, tăng áp lực động mạch phổi... Bệnh nhân được chẩn đoán xác định là huyết khối thuyên tắc động mạch phổi cấp tính, lạm dụng thuốc tránh thai.
Uống thuốc tránh thai suốt 10 năm, người phụ nữ nhập viện với nhiều biến chứng
Hình ảnh CT lồng ngực bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp tính (ảnh BVCC)

Cụ thể, bệnh nhân nữ 34 tuổi, bị đau tức ngực, khó thở ngày thứ 2, đã cấp cứu và điều trị tại tuyến trước nhưng tình trạng khó thở ngày càng nặng lên nên được chuyển đến khoa Cấp cứu, BV Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) trong tình trạng: Tỉnh, khó thở, thở oxy hỗ trợ 5 lít/phút, Sp02 92%, rì rào phế nang 2 phổi giảm, có tiếng thổi tâm thu tại ổ van ba lá, tĩnh mạch cổ nổi, gan to mấp mé bờ sườn.

Khi khai thác tiền sử, được biết bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai Levonorgestrel trong 10 năm nay, thường uống 12-15 viên Levonorgestrel/tháng.

Bệnh nhân đã được bác sỹ chỉ định xét nghiệm cấp cứu, siêu âm tim có hình ảnh giãn buồng tim phải, hở nặng van 3 lá, tăng áp lực động mạch phổi. Bác sỹ cấp cứu hướng chẩn đoán tới bệnh thuyên tắc động mạch phổi cấp và quyết định cho chụp CT ngực có tiêm thuốc cản quang.

Kết quả là hình ảnh huyết khối động mạch phổi 2 bên. Bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định là huyết khối thuyên tắc động mạch phổi cấp tính/Lạm dụng thuốc tránh thai Levonorgestrel.

Bệnh nhân được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tim mạch theo phác đồ chống đông, hỗ trợ hô hấp tích cực. Bệnh tiến triển tốt, sau 7 ngày, bệnh nhân đã hết khó thở, toàn trạng ổn định và được ra viện.

BS. Phạm Quang Trình, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tắc mạch phổi là một cục máu đông lọt vào mạch máu trong phổi và ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng đó. Sự tắc nghẽn này gây trở ngại cho việc trao đổi khí. Tùy thuộc vào cục máu đông nhỏ hay to và số lượng các mạch máu bị tắc nhiều hay ít mà nó sẽ có những biến đổi trên lâm sàng khác nhau, nặng nhất có thể gây tử vong.

Tắc mạch phổi xuất phát từ các huyết khối (embolus) đã bị vỡ và trôi tự do trong mạch máu. Hầu hết các huyết khối trở thành tắc mạch phổi được hình thành trong tĩnh mạch ở chân. Huyết khối này di chuyển từ các tĩnh mạch nhỏ đổ vào các tĩnh mạch lớn về tim phải. Từ tim phải đi vào động mạch phổi chính và có thể bị mắc kẹt ở đó hoặc tiếp tục di chuyển vào một trong hai phổi.

Khi huyết khối nằm trong động mạch phổi, nó sẽ chặn lưu lượng máu vốn đến phổi để nhận lấy oxy. Nếu không có đủ máu để nhận được oxy và di chuyển sang tim trái, nồng độ oxy trong cơ thể giảm xuống một cách nguy hiểm, gây tình trạng thiếu oxy mô.

Do tắc nghẽn tại phổi, áp suất dội ngược lên tim phải. Tim phải có thể bị giãn, gây hở van ba lá. Tim phải phình to chèn ép tim trái, ảnh hưởng tới khả năng co bóp của tim trái. Nếu tim trái không thể bơm đủ máu, huyết áp cũng giảm xuống làm tình trạng thiếu oxy mô tiến triển nặng lên, có thể dẫn đến suy đa tạng và tử vong nếu không được phát hiện, cấp cứu, điều trị kịp thời.

Theo nghiên cứu của Alain Weill trong tạp chí BMJ 2016, trong số 100.000 phụ nữ sử dụng viên tránh thai trong một năm, ước tính có 33 phụ nữ sẽ bị thuyên tắc phổi. Đối với thuốc tránh thai khẩn cấp, theo khuyến cáo không dùng thuốc tránh thai khẩn cấp quá 2 lần trong 1 chu kỳ kinh nguyệt.

Các yếu tố nguy cơ đối với tắc mạch phổi: Các bệnh máu di truyền (Thalassemia); Các bệnh mạch máu như suy van tĩnh mạch, xơ vữa động mạch; Một số bệnh như ung thư: ung thư vú, ung thư phổi…; Mang thai hoặc trong vòng 6 tuần sau sinh; Hút thuốc; Béo phì; Vận động muộn sau các phẫu thuật lớn, đa chấn thương; Lạm dụng thuốc tránh thai; Cao tuổi; Một số bệnh gây tăng đông máu: sau nhiễm Sars-CoV-2, sốc nhiễm khuẩn…

Các bác sỹ cảnh báo, người càng nhiều yếu tố nguy cơ, càng nhiều khả năng có cục máu đông. Điều quan trọng phải nhận biết người có nguy cơ cao để có thể có cách để ngăn chặn. Khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, không nên lạm dụng thuốc quá nhiều, chỉ nên dùng trong các trường hợp thật sự cần thiết.

Nói về những mặt trái của thuốc tránh thai, bác sỹ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cho biết: Cơ chế tránh thai của thuốc là dùng lượng nội tiết liều cao để làm rối loạn quá trình rụng trứng trong cơ thể phụ nữ để tránh thai. Hiện có nhiều cặp tình nhân tuổi teen thiếu hiểu biết còn dùng thuốc thường xuyên, thay thế… bao cao su. Đây là một xu hướng hết sức nguy hiểm.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra ngay khi dùng thuốc tránh thai như như buồn nôn, chóng mặt, xuất huyết đột ngột hoặc kéo dài dẫn tới mất máu. Ngoài ra, nếu sử dụng thuốc nhiều lần, sẽ làm cho thuốc “nhờn” mất tác dụng. Vì thế có hai hậu quả thường gặp của lạm dụng thuốc là dùng thuốc mà vẫn có thai, hoặc bị rối loạn kinh nguyệt do dùng thuốc quá nhiều. Về lâu dài, dùng thuốc tránh thai quá nhiều sẽ gây hạn chế sự rụng trứng, dùng quá liều còn khiến teo niêm mạc tử cung, trứng không làm tổ được, dẫn tới vô sinh.

Mỗi năm có khoảng 68,3 triệu ca mang thai ngoài ý muốn
Cứ 100 ca phá thai thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn
Nhiều “teen“ Hà Nội tháng 3-4 lần “săn“ thuốc tránh thai khẩn
Nhận diện thuốc tránh thai gây tử vong có mặt ở Việt Nam
Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sao cho đúng
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động