Tỷ lệ khu vực được xây dựng không quá 20% diện tích bãi sông?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhu vực dân cư ngoài đê Nhật Tân, giáp bãi sông Hồng thuộc quận Tây Hồ. Ảnh: Ngọc Thành |
Ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tích cực chỉnh lý, hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Với việc sửa đổi toàn diện, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, trong đó có các quy định về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô.
Theo dự thảo Luật mới nhất, việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô. Trong đó, quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của TP Hà Nội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương trong vùng Thủ đô và cả nước.
Kiến trúc cảnh quan và xây dựng đô thị của Thủ đô được quản lý theo đồ án quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, đồ án thiết kế đô thị; bảo đảm bảo tồn các di sản kiến trúc, di sản thiên nhiên, phát huy các hình thái kiến trúc của các khu vực, công trình có giá trị văn hóa, lịch sử; phát triển không gian xanh, không gian ngầm, khu vực hai bên sông Hồng và các trục cảnh quan khác được xác định trong Quy hoạch chung Thủ đô.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm an toàn, phòng chống lũ, bảo vệ đê điều. HĐND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình ở bãi sông; đảm bảo tỷ lệ khu vực được xây dựng không quá 20% diện tích bãi sông.
Trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP Hà Nội quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của TP Hà Nội và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Cũng theo dự thảo Luật, UBND TP Hà Nội quyết định hình thức tiếp nhận tài trợ kinh phí cho việc lập quy hoạch xây dựng; hình thức lựa chọn đơn vị tư vấn trong nước hoặc nước ngoài có năng lực phù hợp để lập các quy hoạch quan trọng, phục vụ công tác quản lý, xây dựng, phát triển Thủ đô. Đồng thời, quyết định việc phê duyệt quy hoạch chi tiết có nội dung khác với quy hoạch phân khu mà không phải làm thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu trước đó trong trường hợp quy hoạch phân khu đáp ứng được điều kiện điều chỉnh cục bộ theo quy định.
Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch. Theo đó, trong khu vực nội đô lịch sử, không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử. Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.
Trong đó, thẩm quyền quyết định việc di dời như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương; HĐND TP Hà Nội quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm được sử dụng để xây dựng công trình công cộng, không bố trí chức năng ở; ưu tiên xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, công viên, vườn hoa, hạ tầng giao thông; bảo đảm đáp ứng đủ chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Khi đầu tư xây dựng mới đường giao thông hoặc mở rộng trục đường giao thông hiện có theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô thì cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch chi tiết, trong đó xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ.
Khi triển khai dự án phát triển đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội đồng thời tổ chức thu hồi đất vùng phụ cận để sử dụng theo quy hoạch. Việc thu hồi đất trong trường hợp này được áp dụng như trường hợp thu hồi đất trong cùng dự án. HĐND TP Hà Nội quyết định trục đường giao thông mới hoặc mở rộng trục đường giao thông hiện có và vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại