Từ liệt nửa người đến hồi phục hoàn toàn chỉ sau 2 ngày nhờ tiêu sợi huyết
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC |
Bệnh nhân T.H.V (72 tuổi), trú tại phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả đã may mắn được cứu sống nhờ sự nhanh trí của gia đình và điều trị kịp thời của đội ngũ y bác sĩ. Vào tối ngày 26/10/2024, khi đang nghỉ ngơi trên giường, ông V bất ngờ xuất hiện các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, cứng miệng, nói khó và nửa người trái khó cử động. Nhận thấy tình trạng bất thường cùng huyết áp tăng cao, gia đình đã nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện.
Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, không nói được, liệt hoàn toàn người trái với chỉ số NIHSS 10 điểm. Qua khai thác tiền sử, bác sĩ ghi nhận ông V có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nghi ngờ đột quỵ, các bác sĩ đã tiến hành chụp cắt lớp vi tính và phát hiện tắc động mạch đốt sống trái, đỉnh thân nền.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết tại phòng chụp để bệnh nhân đột quỵ được điều trị sớm nhất.
BSCKII Hà Mạnh Hùng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo chia sẻ: "Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch tuy là phương pháp điều trị nội khoa nhưng mang lại hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp. Phương pháp này giúp tan cục máu đông gây tắc mạch máu não mà không cần can thiệp phẫu thuật, giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng và giảm thiểu tối đa di chứng".
Kết quả điều trị cho thấy hiệu quả rõ rệt. Chỉ sau một giờ tiêm thuốc, bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại, tay chân bên liệt dần cử động được. Đặc biệt, sau 2 ngày điều trị, ông V đã phục hồi hoàn toàn, đi lại bình thường và nói chuyện lưu loát.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết từ năm 2013 với đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bác sĩ Hà Mạnh Hùng, đa số bệnh nhân đột quỵ thường đến viện muộn, sau thời gian vàng 4,5 giờ, khiến việc áp dụng phương pháp này trở nên khó khăn và để lại nhiều di chứng nặng nề.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu đột quỵ như méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu. Khi phát hiện các triệu chứng này, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất, tránh việc chờ đợi tự hồi phục hay sử dụng các phương pháp dân gian có thể làm mất đi cơ hội vàng cứu sống người bệnh. Với đột quỵ, thời gian chính là não, là sinh mạng của người bệnh, việc điều trị càng sớm thì cơ hội phục hồi hoàn toàn càng cao.
Hành trình "hồi sinh" trái tim cho bệnh nhi 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp | |
Đột ngột ngất xỉu tại chỗ làm, người phụ nữ bất ngờ khi biết nguyên nhân |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại