Truyền thông về trợ giúp pháp lý giúp người khuyết tật biết đến quyền lợi của mình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuang cảnh buổi truyền thông pháp luật cho hội viên Hội Người khuyết tật huyện Phú Xuyên. Ảnh: Công Phương |
Trao đổi với PV, bà Phạm Thanh Hường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết, năm 2024, Hội Người khuyết tật huyện phối hợp với Chi nhánh số 6, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tổ chức 2 buổi truyền thông pháp luật cho các hội viên với 200 lượt người tham dự.
Chia sẻ về người khuyết tật, bà Phạm Thanh Hường cho biết thêm, người khuyết tật từ trước tới nay luôn là đối tượng yếu thế ở trong xã hội và việc học hỏi nghề nghiệp cũng như hiểu biết xã hội luôn yếu hơn mọi người. Và chính việc thiếu hiểu biết như vậy nên người khuyết tật ngày trước cũng không biết đến quyền lợi được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Sau khi thành lập Hội Người khuyết tật huyện Phú Xuyên và được một số thành viên đề nghị được tuyên truyền về trợ giúp pháp lý cũng như sự phối hợp từ Chi nhánh số 6 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội, bà Phạm Thanh Hường rất đồng lòng phối hợp với Chi nhánh số 6 tổ chức ngay buổi truyền thông về pháp luật cho người khuyết tật của hội.
Buổi đầu tiên, đại diện Chi nhánh số 6, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã đến truyền thông về Luật Người khuyết tật và Luật Dân sự về thừa kế. Sau buổi tuyên truyền, một số người khuyết tật đã trực tiếp gặp các trợ giúp viên pháp lý để nhờ tư vấn cũng như trợ giúp pháp lý, giải đáp thắc mắc về mặt pháp luật cho mình.
Một trường hợp bà Phạm Thanh Hường nhớ nhất tại buổi đầu tiên truyền thông đó là một người khuyết tật nữ hỏi trợ giúp viên pháp lý: "Bố mẹ chị có 3 người con, một chị gái đã đi lấy chồng, chị đang ở với bố mẹ và em trai. Sau này bố mẹ mất đi, chị có được hưởng thừa kế của bố mẹ không?".
Theo bà Phạm Thanh Hường, nguyên nhân của câu chuyện trên là chị này lo lắng về việc sau khi bố mẹ mất, người thân không chăm sóc mình nên muốn hỏi để biết nếu mình được thừa kế di sản thì sẽ dùng di sản đấy cho người nào mà trực tiếp chăm sóc chị đến khi chị qua đời.
"Tôi thấy truyền thông về mặt pháp luật cho người khuyết rất ý nghĩa, thông qua buổi tuyên truyền giúp nâng cao hiểu biết pháp luật cho hội viên", bà Phạm Thanh Hường.
Theo bà Hường, từ khi thành lập hội đến nay, mỗi năm Hội Người khuyết tật huyện Phú Xuyên đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tổ chức từ 2-3 lượt truyền thông về pháp luật cho người khuyết tật.
Bà Phan Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội – Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, vào tháng 5/2024, bà làm báo cáo viên về truyền thông pháp luật cho các hội viên.
Tại buổi truyền thông, bà đã tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật Người khuyết tật; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản liên quan… Cùng với đó, bà đã hướng dẫn về thủ tục, giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; quyền của người khuyết tật…
Đối tượng được trợ giúp pháp lý; quyền của người được trợ giúp pháp lý; nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; phạm vi, hình thức trợ giúp pháp lý; yêu cầu trợ giúp pháp lý; các giấy tờ chứng minh người thuộc diện được trợ giúp pháp lý…
Tại hội nghị, người khuyết tật rất phấn khởi khi được lắng nghe báo cáo viên truyền đạt một số quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH và một số văn bản pháp luật mới liên quan đến chế độ, chính sách đối với người khuyết tật. Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động ở cơ sở.
Chia sẻ tại hội nghị, chị Vũ Thị Thu Hằng, SN 1986, ở xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết, buổi tuyên truyền rất bổ ích, giúp chị hiểu biết thêm về kiến thức pháp luật. Đồng thời, giúp chị biết pháp luật có nhiều quyền lợi cho mình cũng như mình được hưởng quyền lợi gì, pháp luật bảo vệ mình như thế nào.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại