Thứ sáu 22/11/2024 21:19

Trợ giúp pháp lý giúp người có công được chia kỷ phần thừa kế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tài sản của bố mẹ để lại nhưng hai em đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình trong khi chị gái đã sống ổn định, không tranh chấp trên một phần mảnh đất đấy từ năm 1999 đến nay.
Căn nhà cô Thái được chia kỷ phần
Căn nhà cô Thái được chia kỷ phần

Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Thái, SN 1956, thôn 11 xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết, năm 1970, bố mẹ bà mua một cái ao của ông Đỗ Đăng Viết. Sau đó, mẹ bà mất và bố lấy vợ hai, sinh ra 3 người con. Bà đi lấy chồng được 1 năm thì ly hôn và về sống với bố. Năm 1982, gia đình bà san lấp ao. Năm 1983, gia đình bà làm nhà trên một phần thửa đất và mọi người chuyển ra sinh sống. Năm 1999 bố bà Thái chia cho bà 3 thước với diện tích 72m2 để làm nhà. Mọi người đã giúp đỡ bà làm một nhà cấp 4 trên khoảng 30m2 để bà sinh sống từ đó đến nay. Việc bố cho bà đất chỉ bằng miệng, không lập biên bản. Năm 2013, bố không may qua đời, không để lại di chúc. Năm 2017, hai người em (con bà hai) đã làm nhà lấn chiếm lên phần đất được bố chia cho bà. Hai anh này nói toàn bộ thửa đất (san lấp ao, có diện tích bố bà Thái cho) bố đã chia cho hai anh, bà Thái không có phần.

“Tôi có nhà và đang sinh sống ổn định trên thửa đất, nhưng khi chứng thực vào hợp đồng tặng cho đất của bố tôi mà UBND xã Canh Nậu lại không thông báo cho tôi đến tham gia, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi. Đồng thời, thửa đất đó là tài sản chung của bố và mẹ tôi chứ không phải là tài sản riêng của bố tôi. Vì vậy, năm 2001 UBND huyện Thạch Thất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất đứng tên Hộ bố tôi mà không có sự thỏa thuận của chúng tôi (các con bà cả) là vi phạm quyền lợi của chị em tôi. Bởi lẽ, thời điểm này cơ quan chức năng xác định hộ bố tôi gồm bố và bà hai, hai em trong khi thửa đất này là của bố mẹ tôi mua, bà hai và hai em chỉ có công tu tạo trong quá trình sử dụng đất cùng bố tôi”, bà Thái chia sẻ.

Theo bà Thái, năm 2018, bà đã làm đơn gửi TAND TP Hà Nội đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hai em trai lên phần đất bà đang ở. Quá trình làm việc các anh đã hướng dẫn bà làm đơn bổ sung về chia thừa kế và chuyển thẩm quyền về TAND huyện Thạch Thất. Khi chuyển hồ sơ về TAND huyện Thạch Thất, cán bộ đã hướng dẫn bà đến Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội.

“Khi có trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), tôi được hướng dẫn làm nhiều giấy tờ để đảm bảo quyền và lợi ích của mình cũng như trợ giúp viên soạn giúp các giấy tờ cần thiết để tôi xin chữ ký hàng xóm, chính quyền địa phương. Chị Chu Thị Phương Thảo, TGVPL đã giúp tôi rất nhiều, hiệu quả là tôi được chia kỷ phần thừa kế là quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, tôi không mất bất kỳ khoản tiền nào”, bà Thái chia sẻ.

Trao đổi với PV, chị Chu Thị Phương Thảo, TGVPL, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội cho biết, khi tiếp nhận thông tin, TGVPL đã liên hệ với cô Thái để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu khởi kiện của cô. Sau khi được cô cung cấp những giấy tờ, hồ sơ liên quan, TGVPL đã nghiên cứu hồ sơ và hướng dẫn cô thu thập thêm lời xác nhận của những người chứng kiến. TGVPL còn làm công văn ra UBND xã Canh Nậu để đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến mảnh đất của cô như sổ mục kê, bản đồ, ... Kết quả tại phiên tòa, cô Thái được giao sở hữu, sử dụng 60m2 đất. Vị trí giao đất gồm 34,4m2 đất hiện nay bà Thái xây nhà và 25,6m2 đất tiếp giáp với phía sau ngôi nhà bà sinh sống. Ngoài ra, bà Thái còn được 2 em trai trả một số tiền vì đã xây dựng trên phần đất bà được thừa kế.

“Tôi cảm thấy rất vui vì mình đã hoàn thành tốt công việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Đây là vụ việc thành công, hiệu quả và đem đến niềm tin cho người dân, tin tưởng người nghèo, yếu thế luôn có Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội trợ giúp miễn phí”, chị Thảo nhấn mạnh.

Thừa phát lại giúp hỗ trợ thu thuế từ các doanh nghiệp, hộ cá thể nợ đọng
Tuyên truyền trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, luật cư trú cho người dân
Người dân gặp khó khi làm thủ tục tách thửa đất để phân chia thừa kế
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động