Thứ bảy 14/09/2024 18:16

Tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và thực hiện kế hoạch về tuyên truyền “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” năm 2024, ngày 13/9, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” TP Hà Nội.
Tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt
Quang cảnh cuộc Tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” TP Hà Nội trên báo điện tử Kinh tế và Đô thị. Ảnh Khánh Huy

Cuộc Tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” TP Hà Nội trên báo điện tử Kinh tế và Đô thị với chủ đề “Mỗi người tốt – việc tốt là một bông hoa đẹp” nhằm biểu dương những việc làm tốt, người tốt, điển hình tiên tiến của TP Hà Nội trên các lĩnh vực đời sống, đặc biệt là những tấm gương được phát hiện qua Báo Kinh tế & Đô thị.

Đồng thời, qua đó, chia sẻ những câu chuyện, đóng góp của từng cá nhân trên thực tế, bằng những công việc làm nhỏ bé, bình dị thường ngày nhưng thiết thực, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, cống hiến vào sự phát triển, an sinh xã hội của TP; mang lại hạnh phúc cho mọi người xung quanh, hình thành lối sống đẹp. Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng lớn ra xã hội, nhân lên nguồn năng lượng tích cực, thúc đẩy phong trào thi đua trong các lĩnh vực, địa bàn dân cư, để cùng góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.

Tham dự cuộc Tọa đàm, có Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức, cán bộ Ban Thi đua Khen thưởng thành phố Hà Nội, cùng các cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên của Báo Kinh tế & Đô thị tham gia thực hiện buổi tọa đàm.

Đặc biệt, cuộc Tọa đàm, giao lưu trực tuyến hôm nay có sự tham dự của 6 vị khách mời, những bông hoa đẹp trong vườn hoa người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến của TP Hà Nội.

Tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt
Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại chương trình. Ảnh: Khánh Huy

Phát biểu khai mạc tọa đàm, thay mặt Ban tổ chức, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức chào mừng các vị khách mời đã nhận lời đến dự buổi tọa đàm. Phó Tổng biên tập Nguyễn Anh Đức cho biết, thực hiện Kế hoạch của TP Hà Nội về tổ chức các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng TP tổ chức tọa đàm giao lưu trực tuyến Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024. Đây cũng là dịp để tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến - người tốt việc tốt, đồng thời góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và cống hiến cho xã hội.

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh: “Chúng ta tự hào và biết ơn những tấm gương sáng về lòng nhân ái, sự hy sinh và tinh thần cống hiến không mệt mỏi cho cộng đồng. Đó là những nghệ nhân dân gian, công nhân lao động cần cù, sáng tạo; những thầy cô giáo miệt mài gieo mầm tri thức cho thế hệ trẻ; những cán bộ cơ sở tận tụy với công việc; người dân bình dị với những việc làm nhỏ bé nhưng lại lan tỏa sức mạnh lớn lao; chủ doanh nghiệp làm giàu thêm giá trị truyền thống của dân tộc, xây dựng xã hội nhân ái, tốt đẹp hơn.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ là dịp để chúng ta tự hào về lịch sử hào hùng của Thủ đô và đất nước mà còn là dịp để vinh danh người tốt, việc tốt, để tiếp tục lan tỏa những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam, của người Hà Nội thanh lịch văn minh và tự hào về Thủ đô ngàn năm văn hiến".

Tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, người đạt nhiều thành tích góp phần giữ gìn, phát huy nghệ thuật của làng nghề truyền thống khảm trai, sơn mài. Ảnh: Khánh Huy

Tại buổi tọa đàm, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, người đạt nhiều thành tích góp phần giữ gìn, phát huy nghệ thuật của làng nghề truyền thống khảm trai, sơn mài (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây) chia sẻ, anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và may mắn được học hỏi, giao lưu với những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề Hà Nội, cùng tâm huyết mang những sản phẩm tinh túy của làng nghề Hà Nội.

"Năm 2010, tôi quyết định về quê hương khởi nghiệp. Phát huy lợi thế sẵn có của Làng cổ Đường Lâm, tôi xây dựng mô hình Phát Studio, nơi trưng bày sản phẩm khảm trai, sơn mài trên nền gỗ thu hút đông đảo du khách tham quan. Thị xã Sơn Tây là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất 2 vua, nhằm phát huy giá trị di sản địa phương như Thành cổ Sơn Tây, chùa Mía… Bằng kiến thức học hỏi tôi khởi xướng lớp mỹ thuật truyền thống và dạy nghề miễn phí thu hút đông đảo người dân địa phương. Từ lớp học, truyền nghề cho nhiều người dân gắn bó làng nghề truyền thống và tạo sinh kế cho người dân địa phương. Cùng với đó giới thiệu văn hóa bản địa vùng đất Sơn Tây – vùng đất địa linh nhân kiệt, trở thành điểm nhấn văn hóa, không gian trải nghiệm đặc sắc tại làng cổ Đường Lâm thu hút nhiều du khách quốc tế tham gia, tạo dấu ấn trong cộng đồng”, anh Nguyễn Tấn Phát cho biết.

Anh cũng là người tổ chức thực hiện các hoạt động “Đêm Làng Cổ” - tour đêm ngoại thành đặc sắc Thủ đô vào tối thứ 7 hàng tuần,… Năm 2017, anh Nguyễn Tấn Phát đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, ngành nghề khảm trai, sơn mài.

Tại buổi tọa đàm, anh Nguyễn Tất Phát cũng giới thiệu sản phẩm cúp Golf là sản phẩm sơn mài, khảm trai kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã (1924 – 2024), 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây (3/8/1954 – 3/8/2024) và 555 năm Danh xưng Sơn Tây (1469 – 2024). Đây là sản phẩm tâm huyết và sự đồng lòng thực hiện của nghệ nhân Làng cổ Đường Lâm và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Thị xã Sơn Tây.

Tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt
Em Huỳnh Triệu Điền - tấm gương học sinh tiêu biểu dũng cảm cứu người bị đuối nước. Ảnh: Khánh Huy

Nhân vật khách mời thứ 2 là tấm gương học sinh tiêu biểu dũng cảm cứu người Huỳnh Triệu Điền, học sinh lớp 6 trường Marie Curie (từng là học sinh Trường Tiểu học Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội) đã có hành động dũng cảm cứu một bạn nhỏ bị đuối nước ở biển tại xã Duy Hải, huyện Duyên Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Việc làm của em đã khiến nhiều người khâm phục, cảm động. Ghi nhận hành động đẹp của em Huỳnh Triệu Điền, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tặng em danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2024.

Em Huỳnh Triệu Điền chia sẻ: “Hồi tháng 7 vừa rồi, con cùng gia đình đi du lịch biển ở xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Khi con đi chơi cùng gia đình, con nhìn ngoài phao cảnh giới (khu vực an toàn) khoảng 100 mét có người đang gục xuống mặt nước, có dấu hiệu của đuối nước. Con cũng không biết đó là người lớn hay trẻ em, cũng không kịp suy nghĩ gì, con chỉ biết lao ra kiểm tra xem người đó đang bị làm sao để giúp đỡ. Lúc đó, con không cảm thấy sợ hãi gì cả mà cố gắng hết sức, nhanh nhất có thể để bơi ra cứu bạn. Ra đến nơi, con thấy bạn đã ngất, người mềm, đầu bạn cúi xuống dưới. Con cố gắng nâng đầu bạn hướng lên trên rồi dùng tay đẩy bạn vào bờ. Con cảm thấy rất vui khi đã cứu được bạn”.

Được biết, thời điểm em Huỳnh Triệu Điền bơi ra biển cứu bạn là em mới học bơi được một khoảng thời gian. Khi được hỏi có sợ hãi hay lo lắng về việc bố mẹ không đồng ý vì bơi ra biển lúc sóng mạnh là rất nguy hiểm, Huỳnh Triệu Điền bày tỏ: “Con không kịp suy nghĩ nguy hiểm hay là bố mẹ không đồng ý mà chỉ nghĩ cách nhanh cứu người. Con tin là bố mẹ cũng ủng hộ việc làm của mình. Lúc đó cứu người là quan trọng nhất”.

Khi biết bạn Phạm Hoàng Hữu Vinh – người mà mình đã cứu có hoàn cảnh khó khăn, em Huỳnh Triệu Điền đã gửi món quà là một chiếc xe đạp, ba lô và những vật dụng khác tặng bạn trước thềm năm học mới. Chia sẻ về động lực truyền cảm hứng cho mình làm những việc tốt, em Huỳnh Triệu Điền cho biết: “Động lực để con giúp đỡ mọi người chính là gia đình. Con học theo tấm gương của bà nội và bố mẹ. Mọi người rất hay tham gia các chương trình từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, từ đó con noi theo, giúp đỡ mọi người. Khi con giúp đỡ ai đó, con cảm thấy trong lòng mình rất vui và hạnh phúc”.

Ngoài ra, cuộc Tọa đàm còn có Công nhân giỏi Thủ đô Trần Văn Thanh, Công ty Cổ phần FOMACH -thợ hàn điện bậc 7/7 của Công ty cổ phần Formach, có nhiều sáng kiến sáng tạo, đóng góp cho doanh nghiệp và cộng đồng. Anh Trần Văn Thanh chuyên đảm nhận các mối hàn đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và khó cũng như hướng dẫn anh em trong Công ty về kỹ thuật thực hành hàn điện.

Tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt
Công nhân giỏi Thủ đô Trần Văn Thanh chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Khánh Huy

“Với công trình Thuỷ điện Nậm Công - Sơn La, cả đoàn chúng tôi được cử đi lắp cầu trục nhà máy. Theo như quy trình kỹ thuật thông thường thì phải lắp đặt thiết bị nâng hạ (lắp cầu trục dưới đất rồi cẩu lên). Tuy nhiên, do địa hình phức tạp toàn đồi núi hiểm trở, nước sông suối dâng cao nên toàn đội công tác không thể lắp cầu trục ở dưới đất sau đó thuê cẩu bánh xích nhấc toàn bộ lên mà phải thao tác tưng chi tiết của cầu trục để vận chuyển và cẩu lên trên cao để lắp ghép tại chỗ. Để bảo đảm an toàn và đúng kỹ thuật, chất lượng cũng như tiến độ đề ra anh em của đội công tác cố gắng, nỗ lực hết mình, không quản ngại khó khăn, nắng mưa... và đã hoàn thành xuất sắc dự án công trình Thuỷ điện Nậm Công mà ban lãnh đạo Công ty giao cho. Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng trước 20 ngày so với tiến độ yêu cầu. Trong buổi bàn giao công trình, đội chúng tôi đã được chủ đầu tư tuyên dương trước các nhà thầu thi công. Đó là niềm vinh dự và là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt 28 gắn bó với năm làm trong nghề, gắn bó với công ty”, anh Trần Văn Thanh cho biết.

Tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt

Điển hình giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng là nhà giáo Nguyễn Thị Hiếu công tác tại Trường Tiểu học Tảo Dương Văn (huyện Ứng Hòa). Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu là một nhà giáo luôn nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Cô đã có thời gian dài tình nguyện dạy học tại Lai Châu và sau này công tác tại Hà Nội. Cùng với truyền tải kiến thức, cô đã giúp đỡ và kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống cũng như việc học, để các em vơi bớt nhọc nhằn. Ghi nhận những hành động, việc làm trên, cô đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

“Tôi luôn đau đáu muốn giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt lên chính mình, rất nhiều con có hoàn cảnh thương tâm như bố mẹ mất, bỏ nhau, hoặc bản thân bị thiểu năng trí tuệ… nên không đi học được. Có những con không được đi học, đứng ngoài cửa lớp, tôi đã xin nhà trường cho vào lớp học, kiên trì dạy con, rất lâu con mới viết được…Khi còn công tác trên vùng cao, chồng là bộ đội trên đường công tác bị hy sinh, tôi xin chuyển về xuôi, bản thân lại bị ung thư, khi chồng mất con lớn mới học lớp 2, con bé học mầm non. Tôi có hoàn cảnh như vậy nhưng thấy nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hơn, bản thân đã được nhiều người giúp đỡ nên rất trân trọng, thấy mình cần làm nhiều việc tốt hơn nữa, thông cảm với các em có hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn, luôn muốn giúp đỡ các con về vật chất và tinh thần. Tôi luôn cố gắng động viên các con biết vượt lên hoàn cảnh, số phận, để có thể tự lực vươn lên, biết chăm sóc bản thân và những người xung quanh”, cô Nguyễn Thị Hiếu chia sẻ.

Tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt

Điển hình hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tích cực tham gia công tác xã hội, hoạt động vì cộng đồng là bà Đào Thị Thạc - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, cán bộ hội tiêu biểu trong triển khai, thực hiện các phong trào tại địa phương, hoạt động thiện nguyện, góp phần lan tỏa, phát triển các địa bàn dân cư tại Hà Nội ngày càng sạch đẹp, văn minh. Bà Đào Thị Thạc cũng là người giúp đỡ nhiều người trẻ từng mắc vào tệ nạn xã hội tiến bộ, có việc làm ổn định... Để ghi nhận những cống hiến của bà, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã 2 lần trao tặng bà danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

“17 năm làm Tổ trưởng dân phố, tôi đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào ở khu dân cư, tổ dân phố. Để thực hiện các nhiệm vụ, trước tiên phải vận động những người thân trong gia đình mình đi đầu, tiên phong trong các phong trào, hoạt động. Đặc biệt trong công tác vệ sinh môi trường, khi quận Thanh Xuân, phường Kim Giang phát động mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” (năm 2019), tổ dân phố chúng tôi là tổ đầu tiên của của phường thí điểm thực hiện mô hình này với các tiêu chí trên địa bàn không có rác thải; không phát sinh mới về tệ nạn xã hội; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng; không còn hộ nghèo. Để thực hiện được các tiêu chí, tôi phải dựa vào cộng đồng, Nhân dân, phối hợp với các đoàn thể để công việc trôi chảy.

Mô hình “5 không” được người dân hưởng ứng sau đó đã lan rộng sang các tổ dân phố khác trên địa bàn phường. Ngoài ra, hưởng ứng mô hình “5 không, 3 sạch” của Hội phụ nữ, chúng tôi đã tuyên truyền đến các hội viên phụ nữ. Sáng thứ 7 hàng tuần, chúng tôi đều tích cực tham gia vệ sinh môi trường, các tuyến phố, ngõ, ngách được quét dọn thu gom sạch sẽ, tạo cảnh quan sạch đẹp, không để tồn đọng rác thải. Đến nay, phường Kim Giang đã sáng, xanh, sạch, đẹp”, bà Đào Thị Thạc cho biết.

Tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt
Anh Vũ Văn Bình, công dân Tổ dân phố Đông Ba 2, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện nhiều chuyến xe miễn phí 0 đồng đưa bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo từ các bệnh viện tại Hà Nội về quê. Ảnh: Khánh Huy

Điển hình tích cực tham gia các công tác thiện nguyện, hoạt động về cộng đồng là anh Vũ Văn Bình, công dân Tổ dân phố Đông Ba 2, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện nhiều chuyến xe miễn phí 0 đồng đưa bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo từ các bệnh viện tại Hà Nội về quê; gây quỹ từ thiện ủng hộ học sinh nghèo… Những việc làm thiết thực của anh Bình đã góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái, tương trợ tới những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Ghi nhận những việc làm ý nghĩa trên, anh đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

“Việc tôi và bạn bè tôi đã và đang làm cũng không suy nghĩ gì nhiều. Tôi nghĩ mình làm được việc gì có ích cho cộng đồng thì làm, chứ không phải làm để được vinh danh hay mọi người biết đến. Cơ duyên tôi đồng hành cùng với những chuyến xe “0 đồng” đó là năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhìn thấy mọi người đi lại, di chuyển hạn chế. Đặc biệt là những bệnh nhân nghèo di chuyển rất khó khăn khi không có điều kiện để về quê.Cũng trong thời gian ấy, tôi thấy bạn bè, đồng nghiệp tập hợp thành hội nhóm để làm những việc làm ý nghĩa đưa những chuyến xe “0 đồng” giúp bệnh nhân nghèo về quê. Thấy vậy, tôi ngỏ lời xin vào nhóm, để đồng hành, chia sẻ những khó khăn cùng các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân”, anh Vũ Văn Bình chia sẻ.

Với anh Vũ Văn Bình, mỗi chuyến đi là một câu chuyện khác nhau và để lại trong anh nhiều cảm xúc đặc biệt. “Lúc đầu tôi tham gia nhóm với mong muốn đồng hành, chia sẻ cùng các bệnh nhân nghèo để giúp họ di chuyển về nhà, về với gia đình thật nhanh sau những ngày tháng điều trị mệt mỏi. Nhưng lúc đi cùng bệnh nhân, được bệnh nhân tâm sự, chia sẻ những câu chuyện về hoàn cảnh, bệnh tật, tôi lại càng đồng cảm với các bệnh nhân nghèo hơn, đã có những lúc tôi không cầm lòng được, đã khóc, bệnh nhân khóc. Tôi nhớ có một gia đình có em bé mới 6 tuổi (Hải Phòng) mắc bệnh hiểm nghèo chữa tại Viện Huyết học truyền máu trung ương. Vì chạy chữa bệnh cho con, gia đình đã phải bán hết đất cát, chỉ bớt lại vỏn vẹn 10m2 đất để ở. Tôi thực sự thấy rất thương. Chính nhìn thấy những hoàn cảnh như vậy, tôi đã tự nhủ và quyết tâm với bạn bè sẽ đồng hành nhiều hơn những “chuyến xe 0 đồng” để phần nào giúp những bệnh nhân nghèo bớt đi những khó khăn, bệnh tật”, anh Vũ Văn Bình kể.

Qua tọa đàm, độc giả của Báo Kinh tế & Đô thị đã được nghe các nhân vật chia sẻ nhiều câu chuyện ý nghĩa, sâu sắc về những công việc mình đang làm, để thấy rằng, xung quanh chúng ta, ngay trên địa bàn TP, có rất nhiều người tốt, việc tốt, hành động đẹp, câu chuyện tử tế… Việc làm của các cá nhân đều xuất phát từ sự nỗ lực, thực tâm, mang đậm tính nhân văn, giàu lòng nhân ái và thể hiện trách nhiệm cao với sự phát triển của thành phố, đời sống xã hội, cộng đồng.
Tọa đàm ''Xu hướng đào tạo nghề - Góc nhìn đa chiều'' Tọa đàm ''Xu hướng đào tạo nghề - Góc nhìn đa chiều''
Tọa đàm: Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: câu chuyện không phải dễ hay khó Tọa đàm: Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: câu chuyện không phải dễ hay khó
Nhóm PV
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động