Thứ năm 20/02/2025 17:54

Tổn thương não, nguy cơ tàn phế vĩnh viễn do lạm dụng bóng cười

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong tháng đầu năm 2025, Khoa Nội thần kinh – Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận liên tiếp 3 bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do lạm dụng “bóng cười”.
Tổn thương não, nguy cơ tàn phế vĩnh viễn do lạm dụng bóng cười
Ảnh minh họa

Cụ thể, bệnh nhân nữ V.M.C, 21 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có tiền sử sử dụng “bóng cười” và các chất kích thích. Gần đây, bệnh nhân lệ thuộc nghiêm trọng vào chất này, sử dụng với tần suất cao và rơi vào trạng thái mất ngôn ngữ, tổn thương não diện rộng. Kết quả chụp MRI ghi nhận tổn thương lan tỏa hai bán cầu và thể chai, dấu hiệu tổn thương thần kinh nặng có thể để lại di chứng lâu dài.

Chỉ một tuần sau, bệnh nhân nam P.H.K, 21 tuổi, nhập viện với triệu chứng tê bì, yếu tứ chi, không thể tự đi lại. Bệnh nhân làm việc tại một cơ sở kinh doanh “bóng cười” và có tiền sử sử dụng với số lượng lên đến 1.000 quả mỗi tháng. Trước đó, bệnh nhân đã từng nhập viện điều trị nhưng vẫn tiếp tục sử dụng do lệ thuộc và áp lực công việc. Gần đây nhất, bệnh nhân nam V.Đ.M, 24 tuổi, cũng nhập viện với triệu chứng tương tự, bao gồm rối loạn vận động và cảm giác. Bệnh nhân có tiền sử sử dụng liên tục trong ba tháng, kết quả chụp MRI tủy sống cho thấy tổn thương nghiêm trọng kèm theo nhiều bất thường trong xét nghiệm máu.

Cả ba bệnh nhân đều được điều trị và có đáp ứng tương đối tốt, nhưng tiên lượng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tổn thương hệ thần kinh và tàn phế vĩnh viễn. Việc tái phát do không thể từ bỏ sự phụ thuộc cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

Theo ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, “bóng cười” (N₂O) vốn là một loại khí được sử dụng trong y tế để gây mê và giảm đau, nhưng hiện đang bị lạm dụng như một chất kích thích, tạo cảm giác hưng phấn và gây cười không kiểm soát.

Cơ chế tác động của “bóng cười” ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, khiến người sử dụng đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng như thiếu hụt vitamin B12, tổn thương tủy sống, rối loạn thần kinh ngoại vi, rối loạn tâm thần và các vấn đề tim mạch.

Theo bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, nhiều bệnh nhân lạm dụng “bóng cười” chỉ với mục đích giải trí, thư giãn nhưng dần trở nên lệ thuộc. Không ít người có trình độ học vấn cao vẫn chủ quan, xem nhẹ tác hại, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Những trường hợp trên là lời cảnh báo về những hệ lụy mà “bóng cười” gây ra đối với sức khỏe cộng đồng. Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa khuyến cáo người dân, đặc biệt là giới trẻ, không nên sử dụng “bóng cười” và các chất kích thích, bởi chúng tiềm ẩn nguy cơ cao gây tổn hại hệ thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, mỗi người nên nâng cao nhận thức, hướng đến lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thể thao, ăn uống và sinh hoạt điều độ, đồng thời thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng tránh những hậu quả không mong muốn.

Hà Nội: liên tiếp xử lý các cơ sở kinh doanh “bóng cười” ở quận Hoàn Kiếm
Thiếu nữ 16 tuổi bị liệt hai chân sau khi hút 15 quả "bóng cười"
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động