Tội danh đối với hành vi chống người thi hành công vụ?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Đối tượng chống người thi hành công vụ Hoàng Đình Đức, tại cơ quan Công an Ảnh: CQCA |
Mới đây, CA huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hoàng Đình Đức, SN 1982, trú tại xóm Hàng, xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên về tội “Chống người thi hành công vụ”. Trước đó, khoảng 10h30 ngày 13/8 tại Quốc lộ 37 đoạn qua Tổ dân phố Cơ Quan, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông, trật tự CA huyện phát hiện xe ô tô biển số 20C-264.22 kéo theo rơ moóc biển số 20RM-000.44 đang dừng, đỗ không đúng quy định (dừng, đỗ xe ô tô không bật đèn cảnh báo; dừng, đỗ xe trên miệng cống thoát nước).
Tổ công tác yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra và thông báo sơ bộ lỗi vi phạm. Tuy nhiên lái xe không chấp hành mà lên xe, nổ máy cho xe di chuyển theo hướng đi TP Tuyên Quang. Lúc này, đại úy Nguyễn Đức Dũng, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự đang đứng trước đầu xe phải nhảy lên bám vào gương bên lái để tránh không bị xe đâm. Mặc dù đại úy Nguyễn Đức Dũng liên tục dùng gậy ra tín hiệu yêu cầu dừng xe lại nhưng lái xe không chấp hành, tiếp tục điều khiển cho xe ô tô di chuyển khoảng 1,5km. Đến đoạn đường thuộc địa phận Tổ dân phố Tân Phú, thị trấn Sơn Dương, do bị xe ô tô người dân ngăn cản, lái xe mới dừng lại. Tại CQCA, lái xe Hoàng Đình Đức đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi cố ý tông xe vào cảnh sát giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chống người thi hành công vụ”, được quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau: Điều 330, Bộ luật này quy định về tội “Chống người thi hành công vụ” như sau: người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác; cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm... Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Cũng theo luật sư Đinh Thị Nguyên, hành vi trên của tài xế còn có thể bị áp dụng đối với tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Dấu hiệu của tội phạm này được quy định như sau: hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi trái pháp luật, tác động đến thân thể của người khác; hậu quả gây ra bởi hành vi là nguy hiểm cho xã hội, để lại thương tích cho nạn nhân gây suy giảm sức khỏe cho họ được thể hiện ở tỷ lệ thương tật (tỷ lệ %) mất sức lao động của nạn nhân; đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên hậu quả là dấu hiệu chính của định tội. Hậu quả xảy ra gây thiệt hại về sức khỏe của người bị xâm hại, làm cho nạn nhân bị tổn hại cơ thể với mức tổn thương là từ 11% trở lên hoặc dưới 11 % nhưng thỏa mãn một trong các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”. Do đó, luật sư khuyến cáo, người tham gia giao thông hãy chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng. “Chế tài xử phạt đối với những người có hành vi chống người thi hành công vụ thể hiện sự nghiêm khắc. Tuy nhiên, chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng này diễn ra khá phổ biến. Do vậy, cần nghiên cứu, đưa ra hình thức xử lý mạnh tay hơn như khởi tố hình sự để bảo vệ cộng đồng. Cùng với đó, cần xem xét và tước giấy phép lái xe vĩnh viễn để những người có hành vi chống người thi hành công vụ không có cơ hội tái phạm” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.
Thêm tội danh “Chống người thi hành công vụ”? | |
Thế nào là chống người thi hành công vụ? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại