Tính đúng đắn của Nghị định 168/2024/NĐ-CP
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông tại nút giao Thái Hà - Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: TA |
Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc
Hiệu quả rõ rệt nhất của việc áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP thể hiện cụ thể, qua những ngày Tết Nguyên đán, khi mà số liệu tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí. Cụ thể, giảm trên 37% số vụ; số người bị thương giảm hơn 38% và đặc biệt là số người tử vong do tai nạn giao thông giảm gần 38%. Những con số này đã minh chứng tính hiệu quả thiết thực của Nghị định 168/2024/NĐ-CP, góp phần thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó một số đối tượng chống đối cực đoan đã lợi dụng, xuyên tạc, đổ lỗi tình trạng tắc đường cục bộ, ùn nghẽn tại một số thành phố trên cả nước. Các đối tượng này cố tình “bẻ cong” dư luận, hướng lái từ việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP đến chỉ trích, tạo sự nghi ngờ, gây mất niềm tin trong Nhân dân với chế độ; kích động chống phá, bôi nhọ Đảng và Nhà nước.
Những đối tượng tuyên truyền xuyên tạc chống phá Nghị định 168/2024/NĐ-CP như trên ngay lập tức bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định để kịp thời răn đe. Cụ thể, ngày 16/1, CATP Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính đối với Đặng Hoàng Hà (SN 1973, trú tại Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) sau khi đối tượng này sử dụng mạng xã hội để đăng tải hình ảnh, video có nội dung sai lệch về Nghị định 168/2024/NĐ-CP nhằm kích động, gây bất ổn xã hội.
Tiếp đó, ngày 23/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Đậu Thị Tâm (SN 1980, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) để điều tra về việc hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đối tượng Đậu Thị Tâm đã sử dụng ngôn từ xuyên tạc, vu khống, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và cơ quan chức năng; kích động, xúi giục người dân chống đối Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
![]() |
Người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông tại nút giao Ô Chợ Dừa - Tôn Đức Thắng đi Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: TA |
Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Liên quan vấn đề những cột đèn tín hiệu giao thông bị lỗi, có hiện tượng “đang xanh bỗng dưng chuyển sang đỏ”, nhiều người lo ngại người đi đường có thể bị phạt oan. Giải đáp thắc mắc trên, đại diện Cục CSGT khẳng định, lỗi vi phạm do “nhảy đèn” sẽ không bị xử phạt. Theo Cục CSGT, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số đèn tín hiệu giao thông thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày.
Để khắc phục tình trạng này, Cục CSGT đã có văn bản chỉ đạo công an các địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát sửa chữa đèn tín hiệu, kiến nghị đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp các đèn đã cũ. Người dân sẽ không bị phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này. Khi lập biên bản xử phạt, lực lượng phụ trách đèn tín hiệu sẽ phối hợp với CSGT tại chốt, trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của người điều khiển xe, cho xem trực tiếp diễn biến hành vi vi phạm và tín hiệu đèn thời điểm đó.
Đối với việc phạt nguội, lực lượng CSGT sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản, đảm bảo người dân “tâm phục, khẩu phục”… Như vậy, không có chuyện đèn hỏng, người dân bị phạt thường cho rằng, lực lượng chức năng cố tình “giăng bẫy” hỏng đèn để xử phạt như luận điệu các thế lực xấu.
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá, thực tế, việc tăng mức xử phạt là một trong những biện pháp để răn đe, phòng ngừa, bảo đảm an toàn giao thông. Những người tham gia giao thông nghiêm túc chấp hành đúng quy định pháp luật về giao thông, chấp hành tín hiệu đèn thì không bị xử phạt, nộp phạt, không chịu tác động gì đối với Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Việc xử phạt chỉ áp dụng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều,…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP đi vào cuộc sống trong thời gian ngắn nhưng tác dụng vượt bậc về mặt thời gian. Ý thức, hành vi của người dân đã sớm hình thành ở giai đoạn tự giác, tự nguyện làm, muốn làm, tự nhắc nhở nhau làm, không cần chịu sự thúc ép của lực lượng chức năng. Đó là một sự chuyển biến về mặt đạo đức xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, vì dù pháp luật có hoàn thiện đến mức nào cũng không thể bao quát, luật hóa hết, không thể kiểm soát, điều chỉnh hết mọi hành vi trong quan hệ xã hội nói chung và trong tham gia giao thông nói riêng.
Điển hình như tại nút giao Ô Chợ Dừa - Tôn Đức Thắng đi Nguyễn Lương Bằng, nút giao cắt giữa nhiều tuyến đường, nên có lưu lượng phương tiện giao thông lớn. Trước kia, tại đây thường xuyên xảy ra lộn xộn, ùn tắc và mất an toàn giao thông bởi người dân vượt đèn đỏ hay đi xe máy tràn lên vỉa hè. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi mà quy định xử phạt mới có hiệu lực, người dân đã tự giác chấp hành.
Cách đó không xa là nút giao cắt đường Thái Hà, Chùa Bộc với Tây Sơn, người dân tham gia giao thông đã tuân thủ nghiêm hiệu lệnh đèn tín hiệu, xếp hàng trật tự, không còn tình trạng điều khiển phương tiện dừng đỗ chen lấn vào các làn đường, chiều đường, tình trạng vượt đèn vàng, đèn đỏ gần như không còn, tình trạng ùn tắc giao thông ít xảy ra.
Dư luận cử tri và Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ việc ban hành và thi hành Nghị định 168/2024/NĐ - CP của Chính phủ nhằm lập lại trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường đầu tư, nâng cấp đồng bộ các kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường kết nối vùng, những điểm “đen” thường xảy ra tai nạn giao thông...
Luật sư Đinh Thị Nguyên đánh giá, Nghị định 168/2024/NĐ-CP ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATT đều xác định, “mục tiêu không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước mà để quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông”.
Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông, đô thị văn minh với bạn bè thế giới, được người dân đồng tình ủng hộ.
TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Nghị định 168/2024/NĐ-CP có những điểm nhân văn. Ví dụ, với những vi phạm ít nghiêm trọng, người vi phạm không bị giữ lại giấy phép lái xe ngay lập tức mà chỉ bị phạt tiền và trừ điểm. Điều này giúp cho người tham gia giao thông có thể sửa đổi hành vi mà không gặp phải những tác động quá nặng nề ngay lập tức. |
Người dân nâng cao ý thức, vi phạm và tai nạn giảm sâu | |
Người điều khiển xe máy dừng xe để nghe điện thoại có bị phạt không? |
![Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại](/modules/frontend/themes/plxh/images/pc/qr-code.jpg?v=2.620250124154516)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại