Thứ sáu 26/04/2024 08:06

Tình trạng “gửi tiết kiệm biến thành mua bảo hiểm” sắp chấm dứt?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM, từ tháng 10/2022 đến nay, đơn vị này đã nhận được đơn thư của các cá nhân và tập thể phản ánh một số nội dung liên quan đến Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong việc liên kết bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư “Tâm an đầu tư”.
Tình trạng “gửi tiết kiệm biến thành mua bảo hiểm” sắp chấm dứt?
Theo NHNN chi nhánh TP HCM, từ tháng 10/2022 đến nay, đơn vị này đã nhận được đơn thư của các cá nhân và tập thể phản ánh một số nội dung liên quan đến Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong việc liên kết bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư “Tâm an đầu tư”

Theo đó, các vấn đề phản ánh chủ yếu liên quan đến việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng khiến người mua nhầm tưởng là sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng, đồng thời tự ý khai khống thông tin khách hàng…

Về các thông tin trên, NHNN chi nhánh TP HCM đã chuyển đơn thư phản ánh đến các đơn vị liên quan để xử lý theo quy định. Hiện nay, Công ty Manulife đang tìm hiểu, nắm thông tin để trực tiếp làm việc với khách hàng tham gia sản phẩm dịch vụ này nhằm giải quyết thỏa đáng quyền, lợi ích của khách hàng theo đúng quy định pháp luật. NHNN chi nhánh TP HCM đã ban hành văn bản yêu cầu các chi nhánh tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo của NHNN về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Nhân sự tư vấn bảo hiểm phải có chứng chỉ đào tạo; phải có quy định, quy trình nghiệp vụ cụ thể; bố trí khu vực riêng biệt khi thực hiện nhiệm vụ tư vấn dịch vụ bảo hiểm, tránh chồng chéo vào các nghiệp vụ khác...

Thời gian tới, NHNN chi nhánh TP HCM sẽ đưa nội dung chấp hành các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm vào nội dung thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2023.

Trong thời gian qua, NHNN Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấp hành đúng quy định của pháp luật khi triển khai thực hiện nghiệp vụ này.

Về phía ngành tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ về việc tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp.

Yêu cầu các DNBH nhân thọ rà soát lại quy trình bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm.

Đối với nhóm vấn đề liên quan đến các yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của khách hàng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Cục Quản lý giám sát bảo hiểm xây dựng quy trình xử lý đối với các thông tin phản ánh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp và xử lý các thông tin tiếp nhận qua các kênh thông tin phản ánh trực tiếp, đơn thư, đường dây nóng. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng và nhiệm vụ được giao…

Được biết, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DNBH nhân thọ có doanh thu bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng cao về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Trường hợp phát hiện sai phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngay sau khi nhận được các thông tin và các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, Bộ Tài chính có các công văn chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) của các DNBH và yêu cầu doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Đồng thời, cơ quan quản lý đã tổ chức làm việc trực tiếp với một số DNBH có phản ánh của khách hàng và yêu cầu doanh nghiệp này xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và quy định pháp luật.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng. Kết quả đến ngày 25/4/2023, tổng số kiến nghị, phản ánh nhận được qua điện thoại là 192 kiến nghị, phản ánh và 299 kiến nghị, phản ánh qua email; Phân loại xử lý 350 đơn đề tố cáo liên quan đến bancassurance.

Về công tác thanh tra, kiểm tra đã tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu, phân tích, đánh giá 5 DNBH thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023 theo kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Công tác thanh tra sẽ được đẩy mạnh trong quý II và quý III/2023.

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng phương án phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - NHNN để thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Cũng theo thông tin Bộ Tài chính, trong thời gian qua, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN để phối hợp quản lý, giám sát. Hiện nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát - NHNN xây dựng quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong việc thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA, Bộ Tài chính đã phối hợp làm việc, cung cấp thông tin với các cơ quan của Bộ Công an nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chuyển các đơn thư có nội dung phản ánh các hành vi có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Người dân kỳ vọng, qua các đợt thanh, kiểm tra trong năm 2023, tình trạng tư vấn sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng khiến người mua nhầm tưởng là sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng, đồng thời tự ý khai khống thông tin khách hàng… sẽ chấm dứt.

Hà Nội thanh tra 20 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội
Những đối tượng nào khám chữa bệnh trái tuyến vẫn được BHYT chi trả 100%?
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động