Thứ hai 25/11/2024 17:01

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ được thực hiện thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Điều 50 Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, Nhà nước thu phí sử dụng cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, bao gồm cao tốc do Nhà nước đầu tư và cao tốc được chuyển giao cho Nhà nước quản lý. Phí thu được sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước và đầu tư cho việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các tuyến cao tốc.
Hình ảnh cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ          Ảnh: Khánh Huy
Hình ảnh cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ảnh: Khánh Huy

Theo Ủy ban Quốc phòng An ninh, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư không dẫn đến “phí chồng phí” vì người tham gia giao thông có thể lựa chọn sử dụng đường quốc lộ (QL) song hành miễn phí.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết về điều kiện, thời điểm thu phí sử dụng cao tốc. Các tổ chức nhận nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh cũng sẽ phải nộp tiền thu được vào ngân sách Nhà nước. Riêng tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, trong 10 năm tới nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc lên đến gần 240.000 tỷ đồng, trong khi vốn bảo trì mới đáp ứng được khoảng 40%.

Nhân lực quản lý, vận hành cao tốc cũng đang là bài toán khó, khi đến năm 2030 cần 10.000 công nhân vận hành. nhiều chủ công trình được giao quản lý, vận hành còn hạn chế về chuyên môn và thiếu nhân sự trình độ cao. Việc bố trí nguồn vốn để quản lý, khai thác đường cao tốc chưa kịp thời, đầy đủ.

Nhằm giải quyết vấn đề này, Luật Đường bộ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm huy động nguồn lực xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc, trong đó có quy định cho phép thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, kinh nghiệm một số nước thu phí cao tốc từ nguồn vốn đầu tư công hiện nay, sau khi đưa vào vận hành, đã thu phí để bảo trì, hoàn vốn và tái đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới cao tốc mới.

Trung Quốc thực hiện thu phí khoảng hơn 150.000 km đường bộ cao tốc bằng hình thức thu phí tự động không dừng, áp dụng hình thức chuyển nhượng quyền thu phí cao tốc, sau đó bên nhận sẽ thu phí và vận hành. Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí theo thỏa thuận, thời gian không quá số năm do Nhà nước quy định.

Ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, quan điểm nhất quán của Bộ GTVT là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu mới triển khai thu phí. Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận. Việc thu phí là để có nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.

Về cách thức thu, tới đây, hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ được đầu tư đồng bộ với quá trình xây dựng đường cao tốc. Vì vậy, trên cơ sở hạ tầng hiện nay không phải đầu tư trạm thu phí.

Cách thức thực hiện sẽ lựa chọn giữa 2 hình thức quản lý, khai thác và thu phí cao tốc. Thứ nhất là Nhà nước tự tổ chức thực hiện việc thu phí. Thứ hai là nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác.

Với hình thức thứ nhất, cơ quan quản lý tài sản đường cao tốc là Cục Đường bộ Việt Nam tự tổ chức thu. Qua đấu thầu, Cục Đường bộ sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Phương án này có nhược điểm là thu phí kiểu nhặt dần, sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ nộp ngân sách.

Hình thức thứ 2 là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường. Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định và thu ngay được một khoản tiền. Phương án này có nhiều ưu điểm, song với những tuyến cao tốc có lưu lượng thấp sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong mọi trường hợp Cục Đường bộ Việt Nam đều có phương án. Nếu không có nhà đầu tư tham gia, Nhà nước sẽ đứng ra thực hiện trên tinh thần cung cấp sản phẩm dịch vụ công, đảm bảo tính liên tục cho người sử dụng.

Về mức phí, ông Bùi Quang Thái cho hay, Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu các kịch bản, tính toán, làm sao đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số CPI và chi phí logistics.

Theo dự kiến, từ ngày 1/10 các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ đủ điều kiện để thu phí, song việc áp dụng triển khai như thế nào, mức thu bao nhiêu phải chờ các đơn vị thảo luận và trình Chính phủ thống nhất.

Những tuyến dự kiến sẽ thu phí

Các tuyến cao tốc đang khai thác: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Trung Lương, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu.

Các tuyến đang xây dựng đến năm 2025: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Binh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau.

Thu phí cao tốc đầu tư công qua GPS, bỏ hết barrier: Liệu có khả thi? Thu phí cao tốc đầu tư công qua GPS, bỏ hết barrier: Liệu có khả thi?

Trong buổi làm việc với Cục Đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng giao cơ quan này xây dựng đề ...

Sắp tới sẽ thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư Sắp tới sẽ thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Quan điểm nhất quán của Bộ Giao thông Vận tải là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức ...

Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động