Thông qua Pháp lệnh về đưa người từ 12-18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Pháp lệnh gồm 4 chương, 48 điều quy định trình tự, thủ tục Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Pháp lệnh nhấn mạnh nguyên tắc chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng trên khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, do toà án cấp huyện quyết định.
Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến và được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.
Đặc biệt, Pháp lệnh quy định rõ 3 trường hợp được hoãn chấp hành quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Đó là người đang ốm nặng, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; Gia đình đang có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận; Đủ điều kiện và đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cơ sở giáo dục nơi người đó học tập xác nhận.
Các trường hợp được miễn, gồm: Mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định mà người đó tự nguyện cai nghiện, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không nghiện ma túy; Trong thời gian hoãn chấp hành thì bị Tòa án xử phạt tù nhưng không được hưởng án treo...
Ngoài ra, Pháp lệnh cũng quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Trước khi thông qua, trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và văn bản hướng dẫn thi hành thi hành, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được học văn hóa theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Việc học văn hóa đối với người chưa được phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc. Đối với các bậc học khác thì tùy thuộc khả năng và điều kiện thực tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc để tổ chức dạy và học theo quy định của pháp luật. Cơ sở cai nghiện bắt buộc phải phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo tại địa phương tổ chức thi học kỳ, kết thúc năm học, chuyển cấp và cấp văn bản theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27: Người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong trường hợp đủ điều kiện và đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh. Ảnh: Quochoi.vn |
Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng đại diện Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao,... thể hiện quan điểm đồng tình cao với Dự thảo Pháp lệnh sau khi được chỉnh lý, tiếp thu, hoàn thiện. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 27 thay cụm từ “phải thi tốt nghiệp” bằng cụm từ “đủ điều kiện đăng ký dự thi tốt nghiệp hoặc đang dự thi tốt nghiệp”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại