Thứ năm 25/04/2024 16:41
Lại nóng chuyện bạo lực học đường:

Thiếu những chương trình giáo dục pháp luật gắn với tâm sinh lý học sinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên tiếp hai ngày 10 – 11/10, đã có hai vụ bạo lực học đường xảy ra. Đặc biệt, đã có em học sinh tử vong sau những trận xô xát diễn ra sau giờ tan học đó.
Clip các nam sinh đánh nhau vào sáng 10/10 tại ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Clip các nam sinh đánh nhau vào sáng 10/10 tại ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Nam sinh tử vong khi xô xát với bạn

Sáng 11/10, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip nhóm nam sinh đánh nhau kinh hoàng ngay trước cửa lớp trong sự chứng kiến của rất nhiều sinh viên khác. Theo nội dung chia sẻ, một nhóm sinh viên cầm gậy, chân ghế đánh, đập liên tiếp vào người một nam sinh khác đang nằm lăn trên sàn hành lang. Ở cuối clip, nạn nhân bị đánh nằm bất động, nhóm nam sinh kia bỏ đi. Clip được xác định quay tại trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Xác nhận thông tin trên, Phòng Công tác sinh viên – ĐH Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sáng 10/10, tại trường có 2 nam sinh xảy ra xô xát do mâu thuẫn liên quan đến chuyện tình cảm. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường, chủ nhiệm lớp đã lập tức có mặt và mời CA phường, CATP Hà Nội (đang có chuyên đề giảng dạy về an ninh trường học tại trường) đến để xử lý. Đại diện nhà trường cũng chia sẻ thêm, trong vụ việc, 2 sinh viên nam tham gia đánh bạn và 4, 5 sinh viên khác hùa theo. Nam sinh bị đánh nhưng tình trạng chấn thương không quá nặng đến mức nhập viện như thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Nguyên nhân ban đầu được xác định do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm.

Tiếp đó, chiều 11/10, đại diện UBND xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ án mạng khiến một nam sinh tử vong. Theo đó, khoảng 11h30 trưa cùng ngày, em N.T.Th, học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Chính Thắng (trú tại xã An Hòa Thịnh), trên đường đi học về thì bất ngờ bị em P.Q.M (trú tại xã Sơn Tiến) là học sinh lớp 11 cùng trường đâm. Do vết thương quá nặng, Th tử vong khi đang trên đường đi cấp cứu. Đại diện Trường THPT Lý Chính Thắng cũng xác nhận, sau giờ tan học sáng 11/10, hai học sinh học lớp 11 và 12 của trường xảy ra mâu thuẫn dẫn tới đánh nhau. Trong quá trình xô xát, học sinh lớp 11 đã đâm chết đàn anh học lớp 12.

Cần giáo dục pháp luật gắn với tâm sinh lý học sinh

Bạo lực học đường không phải chuyện mới đây. Những vụ việc tương tự đã xảy ra rất nhiều trên toàn quốc. Câu chuyện đơn giản tưởng chừng như chỉ giải quyết mâu thuẫn cá nhân của các cô, cậu học trò chưa đến tuổi trưởng thành nhiều khi đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Theo các chuyên gia, trong các vụ bạo lực học đường, cả nạn nhân lẫn kẻ thực hiện hành vi bạo lực đều có hậu quả không hay. Trong các vụ bạo lực được nói tới, không ít những vụ bạo lực đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác. Nhẹ nhàng có thể là những vết bầm tím nhưng cũng có thể là những thương tích nặng phải vào BV điều trị. Tồi tệ hơn là bạo lực học đường đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội và đó không phải là duy nhất, cũng có thể không phải cuối cùng. Theo các bác sỹ chuyên khoa Nhi, những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó những kẻ bắt nạt có thể khiến trẻ bị stress. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời.

Có những vụ việc bạo lực học đường biến các em thành tội phạm. Đây cũng là một trong những lý do khiến các đối tượng tội phạm ngày càng trẻ hóa. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, đó là một nỗi đau. Ông cho biết, bản thân ông đã từng tham gia bảo vệ cho bị hại và bào chữa cho bị cáo ở lứa tuổi vị thành niên, những vụ án đó dù thế nào cũng để lại trong những người tham gia những nỗi buồn, day dứt rất lớn. “Kể cả nạn nhân hoặc bị cáo trong những vụ án như vậy đều khiến tôi lẫn lộn thương – giận – trách. Hầu hết các vụ án xảy ra khi mà bị cáo, thậm chí là nạn nhân đều không ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Có nhiều trường hợp khi ra tòa mới nhận thức được hành vi của mình, sau đó ân hận, khóc lóc. Nhưng cũng còn có trường hợp vẫn ngơ ngác, vô cảm…” – luật sư Hùng nói.

Luật sư Hùng cho rằng, cội nguồn của mọi câu chuyện vẫn là vấn đề quản lý và giáo dục từ gia đình, nhà trường và cả xã hội. Thực tế trong xã hội hiện nay, không chỉ giới trẻ, mà cả những người trưởng thành vẫn ngơ ngác, lẫn lộn và hồn nhiên vi phạm pháp luật. Vậy nên, để sửa lại “lỗi” của người lớn, quan trọng nhất hiện nay, theo ông vẫn là vấn đề giáo dục. Khốn nỗi, giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn quá hình thức, không thực tế, chỉ chạy theo kiến thức mà không chú tâm vào giáo dục pháp luật, giáo dục cách làm người cho học sinh.

“Nhìn vào chương trình giáo dục hiện nay, không thấy có bất cứ một chương trình dù là ngoại khóa nào về giáo dục pháp luật gắn liền với tâm sinh lý, độ tuổi của học sinh. Việc giáo dục tâm sinh lý học đường của chúng ta đang quá buông lỏng và xem nhẹ” – luật sư Hùng nhận định. Tham gia nhiều buổi phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, luật sư Hùng vẫn cho rằng, những chương trình đó thực tế có tác động đến các cháu. Tuy nhiên theo ông, những buổi phổ biến ấy chưa là hệ thống và thường xuyên. “Ở các TP lớn việc phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh – sinh viên còn phiến diện, hình thức cả về hình thức, nội dung, thời lượng nói gì đến đến vùng sâu vùng xa” – luật sư Hùng nói.

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, bạo lực học đường cũng được quan tâm và nghiên cứu, đưa ra những kết luận không mấy khả quan. Vậy để làm sao ngăn chặn bạo lực học đường, câu chuyện này không biết đã tốn bao nhiêu giấy mực và đến giờ vẫn chỉ là những khẩu hiệu suông.
Dấu hiệu nào cho thấy con bạn đang bị bạo lực học đường?
Nhận biết trẻ bị bạo lực học đường và những hậu quả khôn lường
Nữ sinh bị lột đồ, đánh đập ngay giữa đường
Nam sinh lớp 12 bị đánh hội đồng ngay trước cổng trường
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động