Thứ tư 19/02/2025 04:46

Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 17/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu khoa học và công nghệ

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đồng thuận với sự cần thiết với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đóng góp ý kiến vào việc bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) nêu quan điểm: cần bổ sung các chính sách, trong đó tập trung vào việc có chính sách để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ trong nước. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, đây là vấn đề rất quan trọng.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đề xuất bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đề xuất bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu nêu ví dụ, như đối với ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, lịch sử phát triển của ngành này cho thấy, nếu không có các chương trình của Nhà nước trong việc tiêu thụ, sử dụng chip bán dẫn vào thập kỷ 1950, 1960, các doanh nghiệp sản xuất chip vào thời điểm đó sẽ không có đủ nguồn lực và động lực để tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển chip bán dẫn tiên tiến như ngày nay. Việc bảo đảm sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các chương trình của Nhà nước còn thể hiện sự niềm tin vào năng lực của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ đã có một số quy định đề cập đến chính sách này nhưng vẫn chưa cụ thể và theo nhiều nghiên cứu cho thấy chưa có tính khả thi trên thực tế. Vì vậy, cần nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nêu ví dụ: “Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã nghiên cứu và tạo ra panel hồng cầu (hệ thống kháng nguyên tìm kiếm sự bất thường để đảm bảo an toàn truyền máu) vừa rẻ hơn so với giá thương mại, vừa phù hợp với đặc điểm hồng cầu của người Việt Nam. Tuy nhiên, để thương mại hóa, cung cấp cho cả nước và thay thế cho panel nước ngoài thì thủ tục rất khó”.

Các đại biểu Quốc hội cũng tán thành việc các cơ quan nghiên cứu được lập doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, từ đó sẽ tránh tình trạng khi nghiên cứu xong “bỏ tủ”.

Tháo gỡ cơ chế cho khoa học công nghệ

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan soạn thảo đề xuất tên gọi mới là: Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng, Nghị quyết thí điểm không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, nhất là khi nghị quyết được chuẩn bị trong một thời gian ngắn mà tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, đánh trúng vào các điểm nghẽn kéo dài, đánh trúng vào các vấn đề cấp bách để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Tại Kỳ họp thứ 9 tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số và tiếp theo sẽ là các luật liên quan khác. Đây sẽ là cơ hội để tiếp tục giải quyết căn cơ hơn các vấn đề thể chế, chính sách và cơ chế cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

“Ý kiến phát biểu của các đại biểu sẽ được chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu khi hoàn thiện các luật này. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ nghiên cứu đưa ra khỏi nghị quyết một số chính sách cần thêm thời gian để nghiên cứu và đánh giá toàn diện các mặt tác động, ví dụ như chính sách về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học, công nghệ” - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện thêm các quy định về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ, giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu, về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết quả cuối cùng; Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài. Dự thảo nghị quyết cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ, quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.

“Với những chính sách, cơ chế đặc biệt đó, với việc phân biệt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để có chính sách, cơ chế quản lý khác nhau, tạo thông thoáng cho cả 2 thì chi ngân sách Nhà nước cho khoa học, công nghệ đang là 1% sẽ tăng lên tối thiểu 2% như quy định của Luật Khoa học, công nghệ và có hiệu quả” - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Người làm nghiên cứu được phép tham gia lập, điều hành doanh nghiệp

Liên quan quy định thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, đây cũng đang là điểm nghẽn lớn và kéo dài. Kết quả nghiên cứu phải được thương mại hóa mới góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết thí điểm việc cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu để chủ động việc thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp.

“Đây là những chính sách rất mạnh mẽ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu của những năm trước, tạo ra ích nước lợi nhà, vì kết quả nghiên cứu được thương mại hóa thì Nhà nước sẽ thu được thuế, tạo ra công ăn việc làm, đất nước có trình độ khoa học, công nghệ cao hơn. Đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước đối với các khoản chi khoa học, công nghệ...” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến về chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia như các quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công lập, quản lý kinh phí ngân sách Nhà nước cấp hàng năm và nhiều năm; khoán chi sản phẩm, quản lý, sử dụng các quỹ, nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ cả từ ngân sách Nhà nước và từ các nguồn lực từ doanh nghiệp, ngoài xã hội... Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện nghị quyết và đã được ghi chép đầy đủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp thu, giải trình đầy đủ, khẩn trương hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định và thông qua tại Kỳ họp này.

Quốc hội quyết định thay "kỳ họp bất thường" bằng "kỳ họp không thường lệ"
Tổng Bí thư yêu cầu "đi sau thì phải đi tắt, đón đầu về khoa học công nghệ"
Đề xuất thí điểm một số chính sách gỡ vướng hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Hồng Thái
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động