Thành tích xuất sắc của nhà khoa học trẻ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTS Trịnh Văn Chiến (thứ hai từ phải sang) cùng các “Quả cầu vàng” 2023. Ảnh: NVCC |
Giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học trẻ (không quá 35 tuổi) trên 5 lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y - dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường; Công nghệ vật liệu mới.
Năm 2023, Hội đồng giải thưởng đã chọn 10 gương mặt tiêu biểu từ 18 ứng viên xuất sắc thuộc 4 lĩnh vực xét giải gồm: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa (3 giải), công nghệ y-dược (3 giải), công nghệ môi trường (2 giải) và công nghệ vật liệu mới (2 giải).
Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa, giải thưởng đã vinh danh TS Trịnh Văn Chiến, SN 1989, giảng viên, Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu Mạng máy tính và Công nghệ truyền thông thế hệ mới, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội.
TS Trịnh Văn Chiến nghiên cứu xem xét việc tích hợp công nghệ cực nhiều ăng ten trong mạng phi tế bào và bề mặt phản xạ thông minh dưới ảnh hưởng của tương quan không gian giữa các phần tử tán xạ. Một phương pháp ước lượng kênh truyền mới tổng hợp các đường tán xạ nhằm cung cấp đủ thông tin để xử lý dữ liệu với lợi ích giảm chi phí cho hệ thống.
Chất lượng hệ thống truyền thông 6G được nghiên cứu bằng cách sử dụng phân tích tiệm cận toán học cho phép số lượng điểm truy nhập và số phần tử tán xạ tiến tới vô cực. Giới hạn dưới của tốc độ dữ liệu với một số lượng hữu hạn các điểm truy cập và các phần tử tán xạ cũng được xem xét. Kết quả thu được chỉ ra tiềm năng ứng dụng của mạng phi tế bào và bề mặt phản xạ thông minh cho mạng truyền thông 6G.
Cùng với đó, TS Trịnh Văn Chiến đã có 68 bài báo công bố trên các tạp chí, hội thảo khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1, Q2, Q4/Scopus; là tác giả chính 1 báo cáo khoa học xuất sắc tại hội thảo quốc tế; tác giả 3 cuốn sách, chương trình thuộc lĩnh vực xét giải (chuẩn ISSN).
Tiêu chí đánh giá của giải thưởng Quả cầu vàng không dựa trên một đề tài khoa học cụ thể mà là cả quá trình nghiên cứu của ứng viên, dựa vào số công bố đề tài nghiên cứu, kinh nghiệm công tác giảng dạy, hướng dẫn sinh viên,…
TS Trịnh Văn Chiến chia sẻ: “Ban đầu, tôi không định nộp hồ sơ xét giải thưởng do nghĩ có nhiều ứng viên sáng giá hơn mình”. Được sự động viên của lãnh đạo khoa, thầy Chiến được tiếp thêm tự tin để nộp hồ sơ. Đến với Quả cầu vàng, anh có cơ hội làm quen nhiều người và được nhiều người biết đến hơn. Đặc biệt, khi nhận giải, anh rất vui vì những cố gắng và cống hiến của anh đã được ghi nhận. Điều TS Chiến thích thú nhất khi tham gia giải thưởng này là được cùng giao lưu, trao đổi và học hỏi từ nhiều nhà khoa học cùng ngành, mở rộng vốn kiến thức vì “nghiên cứu khoa học công nghệ không bó hẹp vào một ngành mà định hướng liên ngành, mở rộng cơ hội giao lưu, hợp tác”.
Là một giảng viên về truyền thông và mạng, anh Chiến tập trung nghiên cứu về mạng 5G, 6G, ứng dụng công nghệ truyền thông IoT và Nhúng. TS. Trịnh Văn Chiến chia sẻ, mạng 5G được triển khai từ năm 2020, đã được ứng dụng nhiều trên thế giới. Cuối năm nay, đầu năm 2024, chúng ta sẽ dịch chuyển qua 5G Advanced để 2030 chuyển dần qua 6G.
Tiêu chí của mạng 5G là tốc độ lớn hơn 4G hiện tại, đảm bảo gọi video không còn giật, chất lượng cao và ổn định hơn, theo đó, trải nghiệm của người dùng cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, các mạng truyền thông này ứng dụng vào robot trong nhà máy, tự động hóa và công nghệ thông tin, hỗ trợ trong chăm sóc sức khỏe, điều khiển robot trong y học, phẫu thuật. Với đặc tính công việc cần sự tỉ mỉ, chính xác cao, độ trễ nhỏ, mạng 5G, 6G sẽ truyền lệnh từ trung tâm điều khiển đến robot với tốc độ nhanh hơn.
Một vấn đề thường gặp ở mạng 4G hiện tại là sự suy hao trong đường truyền mạng khi gặp vật cản. Cụ thể, một số tòa nhà được thiết kế có nhiều khung thép trong quá trình xây dựng, gặp hiện tượng chắn sóng, khiến người dùng không thể truy cập mạng nếu không có Wifi - trạm phát sóng trong nhà. Mạng 5G sẽ được cải tiến và giải quyết các bài toán đó.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại