Thứ sáu 08/11/2024 22:28

Tại sân chơi vườn rừng khu bờ vở sông Hồng: Tham vấn cho người khuyết tật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12), mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, ECUE và doanh nghiệ xã hội Think Playgrounds – “Nghĩ về sân chơi trong phố” kết hợp với Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư tổ chức hoạt động tham vấn người khuyết tật và trẻ em tự kỷ tại sân chơi vườn rừng khu bờ vở, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Hình ảnh của buổi trải nghiệm và tham vấn người khuyết tật tại sân chơi vườn rừng khu bờ vở sông Hồng. Ảnh: ECUE
Hình ảnh của buổi trải nghiệm và tham vấn người khuyết tật tại sân chơi vườn rừng khu bờ vở sông Hồng. Ảnh: ECUE

Đây là một hoạt động trong dự án thúc đẩy sự “Cải thiện cơ sở hạ tầng để tăng khả năng tiếp cận của người khuyết tật Hà Nội tới không gian cộng đồng xanh” do Đại sứ quán New Zealand hỗ trợ.

Theo ông Lê Quang Bình - điều phối viên Vì một Hà Nội đáng sống thì việc tổ chức cho người khuyết tật và trẻ tự kỷ trải nghiệm sân chơi trực tiếp rất cần thiết và hữu ích. Thứ nhất, đơn vị thiết kế có thông tin để tích hợp ngay vào công trình sân chơi và vườn rừng ở bờ vở. Thứ hai, người khuyết tật có cơ hội tham gia góp ý, thực hiện quyền của họ. Thứ ba, cộng đồng dân cư cũng như các bên liên quan học hỏi về nhu cầu của người khuyết tật để từ đó thúc đẩy việc thực hiện các công trình công cộng trong TP phù hợp hơn.

Ông Bình cũng cho biết: “khi tham gia vào các không gian công cộng như công viên, sân chơi, hay vườn rừng người khuyết tật sẽ có cơ hội bình đẳng để phát triển về thể chất, tinh thần và kết nối xã hội. Từ đó, góp phần cải thiện cơ hội giáo dục, việc làm, và giải trí cũng như khả năng thực hiện các quyền công dân của người khuyết tật”.

Bà Phạm Thị Hiền - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm cho biết: “Đây là lần đầu tiên người khuyết tật được mời tham gia trải nghiệm thực tế để góp ý trực tiếp cho việc thiết kế sân chơi và vườn rừng. Tôi thấy việc làm rất ý nghĩa và cần thiết vì khi sân chơi mà người khuyết tật sử dụng được thì người già hay trẻ em cũng sẽ sử dụng được”.

Bà Hiền cho biết việc cải tạo những không gian công cộng như bờ vở sông Hồng là bằng chứng sống động của việc Đảng ủy, HĐND và UBND quận Hoàn Kiếm hiện thực hóa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật. Việc tham vấn người khuyết tật cũng là cách thực hiện nguyên tắc “các vấn đề của người khuyết tật thì không thể thiếu sự tham gia của người khuyết tật”.

Anh Nguyễn Đức Quyền là một người khuyết tật ở nhà số 23 phố Phúc Tân, phường Phúc Tân đã rất vui khi tham gia hoạt động trải nghiệm sân chơi, vườn rừng và góp ý cho các đơn vị thi công.

Có rất nhiều ý kiến góp ý của người khuyết tật cho các thiết bị thể thao, thiết kế không gian, bảng thông tin hướng dẫn để làm cho sân chơi dung hợp và phù hợp hơn cho người khuyết tật và trẻ tự kỷ. Bà Chu Kim Đức - Giám đốc Think Playgrounds, đơn vị chủ trì thiết kế và hỗ trợ cộng đồng quản lý, duy trì công viên rừng Chương Dương cho biết: “Chúng tôi tin rằng hoạt động này sẽ góp phần tăng cường tính hòa nhập cho các thiết kế sân chơi ở khu bở vở cũng như các công viên của Think playgrounds với các cộng đồng đô thị”.

Bà Tredene Dobson - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho biết: “New Zealand luôn nhất quán trong cam kết hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam, cũng như cam kết phối hợp với các đối tác trong nước nhằm đảm bảo người khuyết tật có thể tham gia vào đời sống xã hội một cách bình đẳng. Quan trọng nhất là làm sao dỡ bỏ các rào cản đối với người khuyết tật và tăng khả năng tiếp cận của họ với các dịch vụ thiết yếu cũng như không gian công cộng.

Chúng tôi rất vui được cộng tác với quận Hoàn Kiếm, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, ECUE và Thinkplaygrounds trong dự án này nhằm giúp người khuyết tật hưởng lợi nhiều hơn từ các không gian công cộng xanh sạch đẹp của Hà Nội. Tôi xin bày tỏ sự hài lòng với việc tham vấn người khuyết tật và trẻ em tự kỷ tại sân chơi vườn rừng ngày hôm nay, cũng như sự tham gia của người khuyết tật vào quá trình thiết kế các dự án. Việc tham gia trực tiếp như vậy sẽ đảm bảo tính bền vững và ý nghĩa thiết thực của các dự án đối với cộng đồng”.

Cô gái khiếm thị Hà Nội đạt giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2023
Ý nghĩa mô hình Nhà trung chuyển đầu tiên tại Hà Nội dành cho người khuyết tật
Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động