e magazine
05:10 | 20/11/2023
Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

05:10 | 20/11/2023

Từ nhiều năm nay, lớp học tình thương tại chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) của cô giáo Lê Thị Hòa là tổ ấm của hơn 80 trẻ em mắc các hội chứng bệnh đặc biệt đến từ nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội. Những đứa trẻ ấy luôn gọi cô bằng cái tên trìu mến là “Mẹ Hoà”
Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Gần 20 năm nay, những người dân ở thôn Đông Cựu (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã quen với việc mỗi cuối tuần, chùa Hương Lan lại vang lên những tiếng ê a đánh vần, đọc kinh Phật. Đó là từ lớp học và cũng là tổ ấm của hơn 80 em học sinh mắc những hội chứng bệnh đặc biệt đến từ nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội.

Đến lớp học, ngoài các kiến thức văn hóa, các em còn được học về kĩ năng sống, về cách ứng xử, đạo lý làm người. Người trực tiếp đứng lớp là những cô giáo đang giảng dạy và đã về hưu. Tuy còn nhiều khó khăn, các cô giáo ấy vẫn luôn dành trọn 2 ngày cuối tuần để gieo yêu thương nơi các vầng trăng khuyết.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết” Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

16 năm đã qua, lớp học đặc biệt này vẫn là nơi tràn đầy yêu thương và thắp cánh hi vọng cho những đứa trẻ đặc biệt tại Hà Nội. Như một lẽ tự nhiên, những đứa con chậm nói ngày nào dần dần tự đánh vần và tự nói được những chữ đầu tiên. Nghe những từ “Mẹ Hoà” từ chính miệng các con nói ra và viết lên trang giấy, người mẹ của hàng chục đứa con không khỏi xúc động chực trào nước mắt.

16 NĂM GIEO YÊU THƯƠNG, THẮP SÁNG CON CHỮ

Cô Lê Thị Hoà (Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 người con. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng cô Hoà vẫn luôn ghi tâm những lời dặn của người cha đó là “Cho dù các con có làm gì, trước hết hãy là người tử tế và làm những việc có ích cho xã hội”.

Lời răn của cha theo cô suốt những năm tháng tuổi trẻ cho tới khi trưởng thành. Lớn lên trong gia đình đông con, cô hiểu sự khó khăn của những đứa trẻ không có điều kiện đi học, cô đã mở lớp học tình thương đầu tiên tại gian bếp của gia đình với sỹ số lớp ban đầu chỉ có 9 người. Trong một lần lên chùa Hương Lan vãn cảnh, trong cô tự dâng lên một sự cộng hưởng nhất định và đã mạnh dạn thổ lộ với sư trụ trì của nhà chùa khi ấy ngỏ ý muốn mượn gian khách của chùa để mở lớp học.

“Năm 2007, trong một lần lên chùa làm lễ thấy cảnh chùa đẹp và rộng rãi thoáng mát, yên tĩnh tôi mạnh dạn xin sư thầy Thích Đàm Tiền, trụ trì chùa Hương Lan, cho mượn địa điểm để mở lớp tình thương dạy cho trẻ khuyết tật và con em hộ nghèo giúp cho những đứa trẻ thiệt thòi nuôi ước mơ đi học. Ngày 14/9/2007, lớp học tình thương đã chính thức khai giảng.” – cô Lê Thị Hoà chia sẻ.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Sư thầy Thích Thịnh Hậu (Phó trụ trì chùa Hương Lan) chia sẻ: “từ ý tưởng của cô giáo Hòa và các cô giáo, nhà chùa thấy việc dạy học cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt rất có ý nghĩa, tạo nhiều phước lành và có thể giúp người, giúp đời… Tâm nguyện của nhà chùa khi cùng với các cô giáo lập nên lớp học này chỉ mong muốn góp chút sức để hỗ trợ các em được đi học. Sau hơn 16 năm, các em cũng đã như người thân với chùa, cũng rất ngoan, yêu quý các sư thầy”.

Ban đầu các em học sinh học tại phòng khách trong chùa với diện tích khoảng 25m2, học sinh chủ yếu là con em của các gia đình tại xã Đông Sơn. Dần dần tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình ở xã lân cận như Trường Yên, Ðông Phương Yên… xa hơn là ở huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai biết đến lớp học tình thương miễn phí trong chùa cũng đưa con em mình tới học.

Sau một thời gian mở lớp, học sinh đến học ngày càng đông nên nhà chùa đã cho xây dựng phòng học mới rộng khoảng 100m2 khá khang trang, sạch đẹp với đầy đủ bàn ghế, bảng viết, tủ để sách vở. Bên cạnh đó, với sự đồng thuận từ phía Ủy ban nhân dân xã Đông Sơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ cùng các phật tử khắp mọi miền đất nước chung tay ủng hộ mà lớp học dần hoàn thiện và đầy đủ tiện nghi như ngày hôm nay.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Các cô giáo tại "Lớp học tình thương" chủ yếu là giáo viên tại xã Đông Sơn, bên cạnh đó có một số cô ở Trường Yên, Xuân Mai,… Trong số ấy, có các cô vẫn đang giảng dạy, có những cô giáo đã nghỉ hưu. Điểm chung là trong suốt 16 năm qua, gần chục cô giáo thay nhau dành thời gian của mình vào ngày cuối tuần để lên lớp, dạy miễn phí cho các em học sinh.

Tham gia trợ giảng tại "Lớp học tình thương" còn có những bạn sinh viên tình nguyện thuộc các câu lạc bộ, nhóm từ thiện, nhóm thiện nguyện của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Hiện nay, lớp học “đặc biệt” có tất cả hơn 80 em học sinh ở các lứa tuổi khác nhau, em nhỏ nhất 6 tuổi, em lớn nhất gần 40 tuổi.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

TÌNH THƯƠNG LÀ LẼ SỐNG

Từ lớp học chỉ rộng chưa đến 10m2 khi mới bắt đầu luôn rộn ràng tiếng cười với những niềm hi vọng về một tương lai không xa, các em sẽ được đối xử bình đẳng, sống có ích với xã hội như bao người khác. Tấm lòng của cô giáo trẻ dần dần được nhiều người trong vùng biết tới và nhiều cô giáo đã ở lại với các em học sinh đặc biệt nơi đây. Những cô giáo đều theo ngót cả chục năm trời nhưng chưa một ngày bỏ giờ lên lớp.

Cô giáo Đỗ Thị Nhàn, nghỉ hưu đã được 12 năm qua, hàng tuần vẫn đến lớp dạy các em từng con chữ, nét bút. Cô Nhàn đã theo lớp qua đủ 16 mùa khai giảng, tuy nhà xa nhưng hàng tuần cô vẫn dành 2 ngày cuối tuần để ở bên các học sinh đặc biệt. Theo lời nhà giáo già, các em ở đây khác biệt so với học sinh phổ thông, vì thế cũng phải có phương pháp giảng dạy khác chứ không thể áp nguyên lối dạy truyền thống.

“các cháu không đồng đều được, có cháu học đến 10 năm chưa có chữ nào đâu, không tiếp thu được nhưng mà các cô cứ đùa nhau là không nạp được. Cái ắc quy nó yếu không nạp được nhưng mà thực ra là đúng thế. Thật học đến 10 năm mà mà chỉ biết viết vài chữ, còn đọc không đọc được, cũng chỉ biết tên mình viết như thế nào. Vì thế nên là các cô cứ phải để ý, một kèm một chứ không thể chung được” – cô Nhàn chia sẻ.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Trong lớp, độ tuổi các em cũng rất đa dạng từ 6 tới gần 40 tuổi, mức độ tiếp thu cũng khác nhau, vì thế sự quan tâm cũng khác nhau. Hơn 80 em là hơn 80 bản thể với cá tính khác nhau, đòi hỏi các cô giáo phải thật sự yêu thương các em thì mới có thể theo được.

Theo cô Hoà, các học sinh của cô cần thì cần rất nhiều thứ, nhưng thứ các con cần nhất là tình yêu thương. Cũng chính vì thế, các cô giáo ở đây ngoài dạy con chữ còn dạy các em về tình cảm gia đình, tình yêu thương, cách sống như thế nào.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

“Khi mới đến đây, mỗi bạn một trình độ khuyết tật, một cái trình độ nhận thức khác nhau, cho nên là các con đều là kiểu không được tự tin. Thế nhưng khi đến đây các con cùng học tập với nhau thì đến bây giờ các con đã khá tự tin. Tôi chỉ là giáo viên tiểu học thôi. Cho nên chúng tôi cứ dạy các con đến hết tiểu học, sau đó là cho các con nâng cao kiến thức bằng cách cho các con học toán rồi cộng trừ nhân chia.

Có ai hỏi chúng tôi được gì khi dạy các con. Chúng tôi được nhiều chứ, đó là tình cảm mà các con dành cho chúng tôi. Thực sự, các con của tôi cần gì, cần nhất đầu tiên đó là sự yêu thương thực lòng” – cô Lê Thị Hoà chia sẻ.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Nhớ lại những ngày mới đầu lên lớp, cô giáo Trần Thị Thoa (70 tuổi) không thể nào quên những khuôn mặt và những ánh mắt thơ ngây của những học sinh đặc biệt khi ấy. Từ tận tấm lòng, cô vừa giảng dạy tại trường vừa dành thời gian với lớp học tình thương, cô đã gắn bó với lớp từ khi mở cửa và tới nay đã được 16 năm. Trong suốt gần 2 thập kỷ, vẫn những gương mặt học sinh ấy và thêm những học sinh mới nhưng cô vẫn nhớ như in từng câu chuyện và từng tính cách.

“Các con cần yêu thương lắm, phải thực sự yêu thương các con thì mới dạy và ở lại được. Ở đây, chúng tôi dạy các con bằng tình thương chứ không có phương pháp sư phạm nào cả. Có những em bị thần kinh, thỉnh thoảng trong lớp đang ngồi học nhưng sẵn sàng đứng dậy la hét rồi ném sách vở, những lúc đấy thì phải dỗ dành các con bằng sự nhẫn nại chứ không thể đánh mắng được.

Tôi vẫn nhớ trước đây, tôi gọi cháu Độ lên trả lời bài học, đang đánh vần, tự dưng cháu hét lên rồi đấm tôi một cái, dù rất đau nhưng tôi phải cố nén cơn đau để ôm cháu vào lòng, dỗ dành từng chút để cháu bình tĩnh lại. Những trường hợp đó xảy ra rất nhiều, nếu không thực yêu thương các con thì sẽ không thể làm được” – cô Thoa chia sẻ.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Dường như cảm nhận được tình thương của các cô, những học sinh đặc biệt này luôn có sự cộng hưởng đồng cảm, luôn ngoan ngoãn, nghe lời và thực sự yêu thương các cô bằng tình cảm chân thành và thuần khiết nhất. Không phụ lòng các cô, sau nhiều năm, nhiều em đã có sự tiến bộ vượt bậc, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, có những em đã tự có cho mình công việc để tự nuôi bản thân, phụ giúp gia đình.

Bên cạnh các môn văn hóa theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em học sinh ở lớp học tình thương đặc biệt này được học thêm một chương trình giáo lý của nhà Phật.

Theo chia sẻ của các cô giáo Hòa và nhà sư chùa Hương Lan, việc học thêm những lời dạy của Phật giúp các em giảm bớt nghiệp kiếp trước, để kiếp này sớm bình phục và trở thành người bình thường. Các em được học theo một chương trình sáng tạo “giúp các em giải bớt nghiệp kiếp trước” cô giáo Lê Thị Hòa viết và đọc cho cả lớp đọc theo. Cứ như vậy, mỗi cuối tuần các cô giáo nơi đây lại cần mẫn dạy chữ, dạy đọc, dạy văn hóa, dạy làm người cho những em học sinh đặc biệt này.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

NGÔI NHÀ THỨ HAI

Theo học tại đây đã 8 năm, em Bùi Đức Độ (14 tuổi, Đông Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) bị chậm nói và không bình thường. Phụ huynh của em Độ cho biết, Độ là con thứ 2 và là đứa duy nhất bị trong 3 chị em. Sau 8 năm theo học, Độ đã có nhiều tiến bộ, đã có thể viết được cơ bản tên mình và một số bộ chữ khác. Gia đình của em đưa em tới đây học với mong muốn là em được giao lưu, vui chơi với các bạn đồng trang lứa, bớt ngại ngùng và thêm tự tin hơn.

Tham gia lớp học từ những buổi đầu mới thành lập, bạn Cấn Thị Khuê, 30 tuổi, xã Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) nói: “Em học ở đây được hơn 10 năm, mỗi cuối tuần em rất vui và háo hức khi được đến lớp học. Trước đó em không được đi học. Em cảm nhận được các cô rất yêu thương, ân cần, nhẹ nhàng với em và các bạn. Sau khi học tại đây được hơn 1 năm em đã có thể tự viết được rồi. Bây giờ em đang là lớp trưởng”.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết” Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết” Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Bà Đỗ Thị Thực (66 tuổi, Chi Lê, Trung Hoà, Chương Mỹ) ngân ngấn nước mắt kể: “nhà tôi có 2 cháu thì cả hai đều bị chậm nói, không biết chữ, thần kinh có vấn đề, mẹ thì bỏ hai đứa để đi lấy chồng mới rồi. Bố cháu thì đi làm xa, cũng không có con chữ, hàng tháng chỉ có 5 triệu lương. Nghĩ khổ thân quá, cháu lớn năm nay là lớp 8 rồi mà không viết được hết tên mình, đi chơi là không nhớ được đường về, không nhớ được bố và bà nội là ai. Ở đây học, các cháu được học, được ăn, được chơi, các cô rất yêu thương và các cháu luôn mong ngóng được đến lớp”.

Em Đỗ Văn Hùng (2010, cháu bà Thực) trả lời từng câu: “em thích đến lớp. Các cô quý. Các bạn quý. Không ai bắt nạt. Học vui. Em chỉ mong cuối tuần để đến học”.

Em Bùi Minh Khang (13 tuổi) bị hẹp và dính hộp sọ, teo não đã luôn phải dùng thuốc từ năm 5 tuổi cho tới nay. Phụ huynh của Minh Khang cho biết, khi mang bầu cho tới khi sinh vẫn rất bình thường, phải tới tháng thứ 3 thì mới phát hiện bệnh, nhà cũng đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không có hiệu quả.

Gia đình biết được tới lớp học này và cho em theo học tại đây hai năm nay. Hai năm theo học, cứ mỗi cuối tuần là mẹ lại đưa em lên đây học rồi đợi để đón về vì lớp học kéo dài từ 7h30-10h. Được sự quan tâm, yêu thương dạy dỗ của các cô, em Minh Khang đã dần viết được và thi thoảng ở nhà vẫn gọi được từ Bố, Mẹ. Điều quan trọng nhất là cháu rất ngoan, không phá phách, tuy vẫn còn hơi nhát nhưng cũng đã bắt đầu chơi với các bạn.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Bác Trần Quang Điềm, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ hiện có hai con đang theo học ở lớp học tình thương có bày tỏ: “tôi bị bệnh tim, gia đình thuộc diện kinh tế đặc biệt khó khăn vì vậy không có điều kiện cho các con ăn học như các gia đình khác, thế nên cứ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tôi lại đưa hai con của mình tới lớp học tình thương để học. Sau thời gian học tập ở lớp các con tôi về nhà ngoan hơn, đã biết phụ giúp gia đình những công việc nhẹ, sống tình cảm hơn và biết hỏi thăm tôi mỗi khi đau ốm. Các cháu đến đây đa số là nông thôn nghèo khó nhưng không phải đóng góp một đồng nào mà thi thoảng còn có những phần quà mang về”.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Ròng rã 16 năm trời, lớp học tình thương của cô Hoà đã dần trở thành ngôi nhà thứ hai của các em nhỏ khuyết tật. Không một chút gượng ép, các em luôn háo hức đến cuối tuần để được tới lớp. Ở đó, các cô giáo ân cần như mẹ hiền, cầm tay chỉ từng nét bút cho các con tựa như những lớp vỡ lòng đã từng ở trong ký ức nhiều người. Đó như một ngôi nhà nữa dành cho các em nhỏ khuyết tật, như một nơi các em thuộc về, một nơi mà các em có thể thoải mái vui đùa, được học và được yêu thương.

Đến với lớp học, Phóng viên cảm nhận được một không khí tươi vui, các em học sinh thực sự yêu quý lớp học, yêu quý các cô. Lớp học tuy đơn sơ giản dị nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và tình thương của cô trò dành cho nhau.

CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ CHO NHỮNG

"VẦNG TRĂNG KHUYẾT"

Cần mẫn cùng các con đều đặn mỗi cuối tuần suốt 16 năm qua, các cô giáo luôn dạy dỗ các con với tình yêu thương vô bờ bến, vô điều kiện và không bao giờ nhắc tới học phí. Các em tới đây được hỗ trợ hết mức, hoàn toàn miễn phí, thời gian đầu có em còn được cô Hoà đưa đón đi học mỗi ngày. Đến lớp mỗi ngày, bên cạnh những bài học và bệnh tình tiến triển khả quan, những “người mẹ thứ hai” này không khỏi xúc động khi nhận ra các con cũng có những ước mơ rất bình thường như bao người khác.

Cô Trịnh Thị Hà - Giáo viên Trường Tiểu học Xuân Mai A đã giảng dạy lớp học nhiều năm qua cho biết, cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần cô đều từ Xuân Mai tới chùa Hương Lan để dạy các em học sinh, cô đã gắn bó với lớp học gần 10 năm nay. Các em học sinh đến đây đa số đều phụ thuộc vào bố mẹ đưa đón, một số em có khả năng tự đi xe đạp đến lớp.

Tại đây, các em chủ yếu được học Toán và Tiếng Việt, thỉnh thoảng các cô cũng lồng ghép thêm bài học về khoa học, lịch sử vào bài cho các em. Ban đầu khi đến lớp hầu hết các bạn đều chưa biết đọc, biết viết nhưng giờ đã tiến bộ hơn rất nhiều. Hàng tuần, được lên lớp, được nghe các em tập đọc và kể về những ước mơ của mình, tôi cảm thấy rất vui và thoải mái khi bản thân mình đang góp chút sức nhỏ để nâng đỡ những ước mơ của các em”.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

“Ðể duy trì được lớp học tình thương tới ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh, vất vả và tình yêu thương rất lớn của các sư thầy chùa Hương Lan. Nhà chùa đã dành riêng một khoảng đất để xây dựng làm lớp học, sau khi lớp học được dựng lên thì đã có rất nhiều tấm lòng hảo tâm của du khách thập phương và một số cán bộ Trung ương, cơ quan địa phương cung tiến, ủng hộ đồ dùng, công cụ dạy học cho các em như ngày hôm nay.

Đến nay, tôi rất tự hào khi các con tôi, các biết đọc, biết viết viết rất đẹp và con tự tin. Bạn Khuê lớn lên con lớn mơ ước trở thành một cô giáo để trực tiếp giảng dạy lớp học ở đây với mẹ Hoà. Thế còn bạn Xuân và bạn Miền thì hiện tại đã đi làm và có mức thu nhập là 4,5 triệu để đủ nuôi sống. Còn bạn Thái thì trước đó đi làm được 3,7 triệu nhưng mà chê ít nên đang học tiếp và mơ ước sẽ làm lương cao hơn" – cô Lê Thị Hoà chia sẻ.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Em Cấn Thị Khuê mỗi cuối tuần lại đón xe bus xuống chùa Hương Lan để theo học. Là lớp trưởng, Khuê cũng chững chạc hơn các bạn, luôn làm gương và luôn gọi cô Hoà là mẹ Hoà. Bởi đối với Khuê, cô Hoà giống như người mẹ thứ hai. Vừa nắn nót viết từng chữ “Con yêu mẹ Hoà” trên tấm bảng xanh, Khuê vừa kể về ước mơ của mình: “Từ không biết chữ, đến nay em đã viết được thạo rồi. Ước mơ của em bây giờ là học thật giỏi, sau này có thể đủ sức để về đây cùng dạy ở lớp học tình thương với mẹ Hoà. Em muốn các bạn đã từng như em cũng đọc viết được”.

“Ước mơ của các con thì nhiều lắm,mỗi còn có một ước mơ riêng, bạn thì ước mơ trở thành chú bộ đội, bạn thì ước mơ trở thành bác thợ xây có con thì ước mơ sau này lớn lên trồng vườn. Mình chỉ ước mơ các con khỏe mạnh, biết đọc biết viết, biết vệ sinh cá nhân, và được nhiều ban ngành đoàn thể, những mạnh thường quân động viên để các con biết rằng mình vẫn được quan tâm và để các con học tốt hơn” – cô Hoà tâm sự.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết” Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”
Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết” Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Nhờ có lớp học tại chùa Hương Lan và tình yêu thương vô bờ bến của các cô giáo dành cho các bạn học sinh “đặc biệt” mà suốt 16 năm qua nhiều bạn bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ,… tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và một số huyện lân cận đã được biết đến con chữ, có thêm nhiều bạn bè. Với những nghĩa cử cao đẹp, đến từ trong tâm của mình, năm 2019, cô Lê Thị Hòa là một trong mười cá nhân được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Lớp học tình thương tại chùa Hương Lan không chỉ là một nơi học tập, mà còn là một mái ấm tinh thần cho các em học sinh đặc biệt. Nơi đây đã giúp các em vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 xin được gửi lời chúc riêng tới cô Lê Thị Hoà cùng đội ngũ các cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại lớp học tình thương chùa Hương Lan. Những cống hiến thầm lặng của các cô giáo đang ngày ngày thắp lên ước mơ và hi vọng của những “vầng trăng khuyết” nơi đây.

Mẹ Hoà của những “vầng trăng khuyết”

Bài, ảnh, thiết kế và trình bày: Khánh Huy