Chủ nhật 08/09/2024 22:47

Tại 2 đô thị đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn “khó”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 29/7/2024, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó ngoài các quy định chi tiết “gỡ khó" cho các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cũng được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn cho những người có nhu cầu chính đáng tiếp cận loại hình này.
Tại 2 đô thị đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn “khó”
Khu nhà ở xã hội Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: P.V

Chưa bao giờ phát triển nhà ở xã hội được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ như hiện nay

Nghị định 100 đã quy định chi tiết khoản 2 Điều 83 Luật Nhà ở 2023, hướng dẫn UBND cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội hoặc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, căn cứ quy định của Chính phủ đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai.

Khoản 1 Điều 29, Nghị định 100 quy định, trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của đối tượng đó (nếu có) không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Điều này có nghĩa là, các đối tượng được quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật Nhà ở mà chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội sẽ được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội. Ngoài việc quy định cụ thể tới trường hợp được thụ hưởng chính sách, Luật mới đã tháo gỡ các quy định gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và người dân như thuật ngữ “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình” hay giới hạn quyền sở hữu nhà ở tại địa phương cấp tỉnh nơi có dự án.

Như vậy, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, đang sinh sống cùng gia đình đông thế hệ, sẽ không phải đi tách khẩu để được chính quyền xác nhận là chưa có nhà. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng có cơ sở pháp lý thực hiện và không mất thời gian “lăn tăn”, loại bỏ được tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương trong việc xác nhận về sở hữu nhà của người dân.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định thời hạn thời gian các cơ quan có thẩm quyền phải xác nhận thông tin về sở hữu nhà ở của người đăng ký và điều kiện thu nhập. điều này trả lời cho câu hỏi “bao giờ được xác nhận của người dân".

Cụ thể, trong thời hạn 7 ngày, văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ phải xác nhận thông tin của người đăng ký không sở hữu nhà và không có tên trong sổ đỏ tại tại địa phương, nơi có dự án nhà ở xã hội. Và cũng trong thời hạn 7 ngày, UBND cấp xã sẽ xác nhận điều kiện về thu nhập cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Những chuyển biến tích cực này là nhờ sự nỗ lực quyết tâm cao của Chính phủ, các cơ quan Bộ, ban, ngành vẫn đang nỗ lực quyết tâm thúc đẩy triển khai thực hiện đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Cùng với sự chủ động phối hợp của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp. Có thể nói, chưa bao giờ phát triển nhà ở xã hội được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ như hiện nay.

Số lượng nhà ở xã hội đăng ký mục tiêu phát triển nhà ở năm 2024 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất nhỏ

Tuy nhiên, Hội Môi giới bất động sản (VARS) cho rằng, tại 2 đô thị đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn “khó". Theo đó, số lượng nhà ở xã hội đăng ký mục tiêu phát triển nhà ở năm 2024 tại 2 thành phố này rất nhỏ.

Cụ thể, vào hồi giữa quý 1/2024, tại Hội nghị triển khai đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Bộ trưởng Xây dựng chỉ ra rằng năm 2024, Hà Nội chỉ đăng ký khoảng 1.181 căn, TP Hồ Chí Minh hơn 3.700. Trong khi, dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, trung bình mỗi năm, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thiếu trên 50 nghìn đơn vị nhà ở. Như vậy, dù ngay cả khi kế hoạch phát triển của 2 thành phố này được thực thi tối đa, thì nguồn cung nhà ở xã hội này vẫn không thể áp ứng được nhu cầu cấp thiết về nhà ở của 2 thành phố này.

Do đó, VARS cho rằng, để phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhất là tại 2 đô thị đặc biệt, ngoài việc sớm thông qua gói tín dụng 140 nghìn (có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác cũng đăng ký tham gia với 5.000 tỷ đồng/ngân hàng) đã điều chỉnh theo hướng thực sự ưu đãi hơn. Cơ quan quản lý Nhà nước cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các quy định mới. Tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội đã khởi công tại các thành phố có nhu cầu về nhà ở lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, để ảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chính sách, tránh lợi dụng chính sách, tiêu cực, cần công khai, minh bạch việc mua, bán nhà ở xã hội, giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Tại 2 đô thị đặc biệt, để có quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cần có thêm sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước. Quy hoạch bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu rất lớn của thành phố.

Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, cần phải có thêm chính sách theo hướng ưu đãi cho các nhà đầu tư phát triển loại hình nhà ở thương mại giá bình dân.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam - thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, Tổng giám đốc G-HOME: “Theo Luật mới, các chủ đầu tư nhà ở xã hội không còn phải bắt buộc dành ra 20% phần diện tích để cho thuê, sau 5 năm mới được bán. Điều này giúp “cởi trói” rất lớn do đơn giá cho thuê, hiện được công khai trên các cổng thông tin, nhưng vẫn đắt hơn mặt bằng giá người dân tự cho thuê, chưa kể thủ tục pháp lý rất phức tạp. Việc mua bán hay cho thuê nên để thị trường tự quyết định. Các quy định mới nói trên sẽ giúp các chủ đầu tư thêm tự tin hơn trong phát triển nhà ở xã hội. Tôi mong rằng các thông tư mới ra đời sẽ giúp tháo gỡ toàn bộ khó khăn để các chủ đầu tư yên tâm làm nhà ở xã hội”.

Gỡ vướng cho thị trường bất động sản Gỡ vướng cho thị trường bất động sản
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động