Quy định về tổ chức chính quyền trong Luật Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHoàng Thành Thăng Long – một điểm đến hấp dẫn với du khách khi đến Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy |
Chủ động trong việc quyết định số biên chế
Về cơ bản, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền TP trong quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế (quy định tại điểm a, điểm b Khoản 1, Điều 9 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho TP thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo.
Việc phân quyền cho HĐND TP được quyết định thành lập, tổ chức lại và giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP, quận, huyện, thị xã sẽ tạo ra được sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện đặt ra để đảm bảo sự cần thiết, thận trọng và chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.
Việc có cơ chế để TP được chủ động quyết định biên chế, bảo đảm khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng là cần thiết. Theo quy định hiện nay, việc quản lý biên chế hành chính do Chính phủ quyết định; biên chế sự nghiệp do chính quyền địa phương quyết định sau khi trình xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
Việc xác định số lượng biên chế căn cứ trên cơ sở đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc giao biên chế chưa thực sự hợp lý vì chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết về biên chế của TP. Tờ trình số 512 về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu, so với tổng biên chế được giao năm 2015, tổng số biên chế hành chính được giao năm 2021 đã giảm 15,65%; biên chế viên chức (hưởng lương ngân sách Nhà nước) được giao năm 2021 giảm 10% so với năm 2015. Biên chế giảm nhưng số lượng công việc không giảm mà còn có xu hướng gia tăng dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ đối với công chức, viên chức TP rất lớn, đặc biệt đối với công chức.
Tính theo số dân/biên chế công chức hiện nay ở Hà Nội là: 1.016 người dân/01 công chức (trong khi trung bình tại 63 tỉnh, TP hiện nay (tính đến tháng 6/2021) là 686 người dân/01 công chức. Chính vì vậy, quy định việc phân quyền cho TP được chủ động trong việc quyết định số biên chế tăng thêm sẽ tạo được cơ sở pháp lý cần thiết giúp bảo đảm nguồn nhân lực công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô.
Đội ngũ đại biểu HĐND chuyên trách phải đủ mạnh
Tuy nhiên, nếu quy định như tại dự thảo là “giao cho HĐND TP đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” là chưa rõ ràng, chưa rõ cơ quan nào có thẩm quyền quyết định, chưa rõ biên chế dự phòng lấy từ nguồn nào. Do đó, nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND TP chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền TP. Quy định như vậy sẽ giúp TP có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ tùy vào nhu cầu thực tiễn của địa phương.
Về số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội, dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% (khoản 2 Điều 9). Đây là một giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND.
Ngoài 38 nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nếu được phân quyền mạnh mẽ như trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), số lượng nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP Hà Nội dự kiến sẽ tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn.
Nếu xét về tỷ lệ, hiện nay tỷ lệ đại biểu HDND TP trên dân số Thủ đô đang ở mức gần 90.000 người dân/01 đại biểu, trong khi bình quân chung của cả nước vào khoảng 26.500 người dân/01 đại biểu. Mặt khác, với việc không tổ chức HĐND phường, số lượng đại biểu HĐND các cấp của TP đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của TP phát triển thành quận.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là, tổ chức, cơ cấu bộ máy của HĐND TP, nhất là đội ngũ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cũng phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
Việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND từ 02 lên 03 Phó Chủ tịch (khoản 3 Điều 9), mở rộng thành phần của thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng hoàn toàn phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nhân lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; bảo đảm sự tương đồng trong hệ thống chính trị và bộ máy thực thi nhiệm vụ của chính quyền Thủ đô hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc của HĐND TP để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế này.
Tăng tính chủ động của địa phương trong việc sử dụng ngân sách | |
Chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại