Quy hoạch phân khu sông Hồng tạo điều kiện phát triển Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCầu Vĩnh Tuy, bắc qua sông Hồng, góp phần tạo nên diện mạo mới cho giao thông Thủ đô. Ảnh: N.M |
Định hướng phát triển hai bên bờ sông Hồng
Tham luận tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức, TS.KTS Đào Ngọc Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội tham luận về phát triển đô thị trung tâm, trục sông Hồng xanh, cảnh quan trung tâm, văn hóa, lịch sử, hiện đại của Thủ đô Hà Nội.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Khiêm, khu vực hai bên bờ sông Hồng đã được chú trọng từ thời phong kiến đến nay. Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030. Tại Nghị quyết này đã xác định sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.
Luật Thủ đô 2012 đã đề cập quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, đã định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo không gian xanh của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Hồng. Đến Luật Thủ đô 2024 đã có nhiều quy định đột phá tại Điều 17, Điều 21, Điều 32.
TS.KTS Đào Ngọc Khiêm cho biết thêm, năm 2022, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, đây là cơ sở pháp lý định hướng cho phát triển TP đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch phân khu này tập trung trong 40km sông Hồng ở trung tâm Hà Nội (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với phạm vi nghiên cứu 11.000 ha ngoài diện tích mặt nước 3.600ha, đất bãi khoảng 5.000ha, còn lại là đất ở, đất dân dụng, cây xanh, an ninh quốc phòng, làng nghề, hạ tầng kỹ thuật và di tích. Đây là khu vực có quy mô đất lớn, tiềm năng, với diện tích gần gấp 2 lần diện tích khu nội đô lịch sử.
Các khu dân cư trong quy hoạch có đột phá mới, gia tăng khả năng dung nạp tới 300.000 người. Trong đó, cải tạo, chỉnh trang khoảng 215.000 người và nhóm nhà xây dựng mới với 85.000 người, vừa để phát triển dân cư vừa để di dời các khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt và hạ tầng xã hội.
Những chính sách đặc thù liên quan đến khu vực sông Hồng
Trong điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch Thủ đô đã đề cập các vấn đề như: trục không gian cảnh quan trung tâm TP hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng, tính thời đại, phục vụ lễ hội, du lịch; ổn định nâng cao cuộc sống người dân hai bên bờ sông; xây dựng an toàn với lũ, chính trị ven sông có kế thừa truyền thống văn hóa, lịch sử,...
Trong quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, cùng với định hướng phát triển có tính đột phá cho từng ngành, lĩnh vực có đề cập đến việc khai thác lợi thế, cảnh quan sông Hồng. Để giải quyết những thách thức trong triển khai, thực hiện, Luật Thủ đô 2024 đã có những chính sách đặc thù liên quan đến khu vực sông Hồng như: UBND TP được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP; cho phép TP xây dựng các tuyến đê mới, phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ.
Các khu vực bãi sông, bãi nổi được phép xây dựng các công trình không gian công cộng, nhưng không tôn cao để bảo đảm không cản trở dòng chảy; UBND TP được quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi, chính sách đặc thù về huy động nguồn lực về khoa học, công nghệ.
TS.KTS Đào Ngọc Khiêm cho rằng, những chính sách đặc thù nêu trên, nhất là về tài chính, ứng dụng thí điểm khoa học, công nghệ sẽ là động lực để hoàn thiện quy hoạch phân khu sông Hồng, tạo điều kiện triển khai trục trung tâm phát triển Thủ đô, hài hòa không gian xanh sinh thái, văn hóa, lịch sử, dịch vụ du lịch, thể thao giải trí, đô thị hiện đại xứng tầm là biểu tượng mới trong phát triển Thủ đô.
"Để khu vực hai bên sông Hồng là trục trung tâm, TP không chỉ quan tâm đến không gian giữa 2 đê tả hữu sông mà còn cần được nghiên cứu gắn kết với không gian trung chuyển tiếp giáp để tạo lập "diện mạo" đô thị hiện đại"- TS.KTS Đào Ngọc Khiêm nhấn mạnh.
Xây dựng đô thị xanh, bền vững | |
Hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại