Phụ nữ cần làm gì khi bị quấy rối tình dục?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Hành vi quấy rối tình dục lộ liễu ngay chốn đông người qua lại
Em Nguyễn Thị Hương Giang - sinh viên trường Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Một hôm, em đang đứng bắt xe bus trên phố Bà Triệu (Hà Nội) thì nhìn thấy một gã thanh niên mặc đồng phục xe ôm công nghệ có hành vi quấy rối tình dục đối với một em học sinh cấp 3. Em đã nhanh chóng kéo em học sinh về phía mình và hô to để mọi người xung quanh chạy đến. Thấy vậy, gã thanh niên vội vã lên xe máy bỏ đi. Em học sinh rất sợ hãi và bảo: Nếu không có chị, thì em không biết làm thế nào và có lẽ hắn ta đã đạt được mục đích của mình”.
Chị Nguyễn Thị Thu (33 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Dù là đồng nghiệp làm cùng công ty nhưng không ít lần tôi nghe thấy mấy đồng nghiệp nam chỉ trỏ vào đồng nghiệp nữ và nói những lời khiếm nhã. Dù rất bức xúc nhưng chúng tôi không nói ra vì sợ làm to chuyện sẽ ảnh hưởng đến công ty".
Chúng ta có thể bắt gặp hành vi quấy rối tình dục ở rất nhiều nơi công cộng như công viên, bến xe, trên xe bus hay nơi làm việc,...
Theo ủy ban CEDAW (Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ), quấy rối tình dục bao gồm các hành vi có tính chất tình dục, không mong muốn như tiếp xúc thân thể, nhận xét/bình phẩm mang ý nghĩa tình dục, thể hiện, trưng bày hình ảnh tình dục, vật phẩm khiêu dâm; gạ gẫm tình dục bằng lời nói hoặc hành động. Hành vi đó có thể xúc phạm danh dự và ảnh hưởng đến sức khỏe và đe doạ sự an toàn. Hình thức quấy rối rất đa dạng từ cái liếc mắt đưa tình, huýt sáo, nói về bộ phận sinh dục mà bản thân người khác không sẵn sàng lắng nghe.
Đừng sợ hãi, đừng im lặng
Các chuyên gia tham gia talkshow “Hiểu rồi thương” thuộc dự án Song Yến |
Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới năm 2021, mới đây, dự án Song Yến phối hợp cùng các đơn vị tổ chức buổi talkshow “Hiểu rồi thương” nhằm chia sẻ các kiến thức liên quan đến thực trạng quấy rối tình dục và “bạo lực hẹn hò” trong lứa tuổi học đường đến các bạn trẻ.
Bạn Nguyễn Thành Gia quản lý dự án Song Yến cho biết dự án là nơi tập hợp những bạn sinh viên có cùng đam mê tình nguyện, góp sức cho cộng đồng trong việc hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức khoa học tâm lý đến gần hơn với các bạn học sinh THPT, sinh viên.
“Hơn hết, chúng tôi muốn trao quyền cho các bạn trẻ thông qua những kiến thức khoa học về giới và bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, tầm quan trọng của việc nhận dạng hành vi quấy rối và cách phòng chống quấy rối tình dục, từ đó ngăn ngừa những ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tinh thần của các bạn trẻ”, bạn Nguyễn Thành Gia chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm, ThS. Nguyễn Anh Khoa - Giảng viên ngành Tâm lý học, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM cho rằng quấy rối tình dục là hành vi liên quan đến giới tính làm người khác khó chịu, bao gồm lời nói hay không lời nói, bằng hành động và gây ra nhiều ảnh hưởng về sinh lý và tâm lý cho người khác.
ThS. Nguyễn Anh Khoa khuyên các nạn nhân không nên im lặng, bỏ qua mà hãy thể hiện thái độ khó chịu, phản ứng lại hành động đó. “Nếu bỏ mặc cam chịu, nạn nhân càng khiến những kẻ quấy rối tiếp tục thực hiện hành động đó nhiều hơn”, ThS. Nguyễn Anh Khoa chia sẻ.
Theo ThS. Nguyễn Anh Khoa, người thân, bạn bè cần chia sẻ, lắng nghe, trấn an những nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục để người bị hại cảm thấy an toàn, được che chở. Các bạn nữ có thể nhờ sự can thiệp, tư vấn của cô giáo, còn nam giới có thể tìm đến các thầy, hoặc liên hệ phòng tâm lý học đường, các tổ chức hỗ trợ.
Theo BS Nguyễn Đắc Quỳnh Anh, giảng viên khoa Y, ĐH Duy Tân, hành vi quấy rối tình dục xuất hiện ở rất nhiều nơi, nhiều đối tượng. Hình thức quấy rối rất đa dạng từ cái liếc mắt đưa tình, huýt sáo, nói về bộ phận tình dục mà bản thân người khác không sẵn sàng lắng nghe.
BS Nguyễn Đắc Quỳnh Anh cho rằng: “Khi những hành động quấy rối đơn giản như huýt sáo, liếc mắt… mà bỏ qua thì chúng ta sẽ không biết cách xử lý trong những tình huống nghiêm trọng hơn”.
Theo BS Nguyễn Đắc Quỳnh Anh, các bạn trẻ có thể tự bảo vệ bản thân từ việc hiểu về cơ thể mình cũng như những nguy cơ chúng ta dễ gặp phải, đồng thời phải tự nâng cao kiến thức về quấy rối tình dục bằng việc đọc sách, tham gia talkshow về vấn đề này, mạnh dạn chia sẻ để được người khác hỗ trợ.
TS. Nguyễn Văn Tường, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) cho rằng trong bất cứ môi trường nào cũng có thể gặp những người quấy rối tình dục, từ nơi làm việc, nhà vệ sinh công cộng, cơ sở làm đẹp,... Điều quan trọng là chúng ta cần sự chuẩn bị về tâm lý. “Khi một số người không tin mình, chúng ta có thể tìm đến các trung tâm, các dự án để được hỗ trợ. Cần phản ứng lại, phản ứng mạnh mẽ để cảnh cáo, truyền cho các đối tượng xấu thông điệp “tôi biết hành vi của anh, nhưng tôi không muốn làm lớn chuyện, tôi sẽ ngăn cản hành vi của anh”, TS. Nguyễn Văn Tường đưa lời khuyên.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, với những nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục, chuyện họ bị tác động bởi cảm xúc tiêu cực, bị ám ảnh là điều không tránh khỏi. “Để vượt qua nỗi ám ảnh, các nạn nhân đừng sợ hãi, đừng im lặng. Hãy chia sẻ với đồng nghiệp, người thân để tìm kiếm sự giúp đỡ. Từng cá nhân là kẻ yếu nhưng nếu có sự lên tiếng, tố cáo của nhiều người thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được hành vi của kẻ quấy rối sau này”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa đưa ra lời khuyên.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng các bạn trẻ hãy thể hiện thái độ khó chịu, dùng ngôn ngữ cơ thể để phản kháng đồng thời tìm sự hỗ trợ từ xung quanh, không nên đi một mình khi qua chỗ tối, vắng vẻ. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện thì các bạn nữ nên học võ, tập thể thao, sử dụng các dụng cụ như chai nước, nước rửa tay dạng xịt,...để đối phó những kẻ xấu.
Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam (tổ chức phi chính phủ quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc trẻ thơ, bảo vệ trẻ em và cứu trợ thiên tai), quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái xuất phát từ định kiến giới liên quan đến phụ nữ và em gái, cũng như quan niệm về nam tính của nam giới. Tại Việt Nam, quan niệm “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”; đổ lỗi cho trẻ em gái và phụ nữ khi bị quấy rối (do ăn mặc hở hang, đi chơi khuya); thiếu hiểu biết về mặt pháp luật (coi các hành vi động chạm cơ thể người khác là bình thường, không vi phạm gì cả…) đã cổ suý cho các hành vi quấy rối tình dục.
Bà Quỳnh Lan cho biết tổ chức Plan International Việt Nam cùng chính phủ và nhiều cơ quan đã triển khai dự án Thành phố An toàn với em gái tại Hà Nội từ năm 2014, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng, sự tham gia vào cuộc của ngành giao thông trong thúc đẩy sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng...
Tuy nhiên, theo bà Quỳnh Lan, để phụ nữ và trẻ em gái thực sự an toàn tại nơi công cộng cần nhiều nỗ lực thay đổi của cá nhân và cộng đồng. Việc giáo dục giới tính từ trong gia đình là vô cùng cần thiết. Các em học sinh, sinh viên cần được học về bình đẳng giới, được hiểu về giá trị, vị trí, vai trò công bằng trong xã hội giữa nam và nữ.
Các nhà trường nên lồng ghép các tiết học để cung cấp kiến thức về bạo lực giới nơi công cộng và an toàn của phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, các em cần được tạo điều kiện để thực hành các giá trị tôn trọng sự khác biệt về giới tính, không có các hành vi gây tổn thương cho người khác và cả các quy định pháp luật liên quan.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại