Thứ sáu 08/11/2024 03:34
Để những người phụ nữ thoát khỏi “bóng ma” bạo lực gia đình:

Kỳ cuối: Đừng im lặng!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Có nhiều trường hợp, “im lặng là vàng” nhưng với bạo lực gia đình, sự im lặng chính là tác nhân khiến cho “vòng lặp” nghiệt ngã bạo lực gia đình ngày càng quay nhiều hơn và người chịu tổn thương nhất chính là những người phụ nữ và cả những đứa trẻ khi chứng kiến cảnh mẹ bị bạo hành.
Một buổi tư vấn về bạo lực gia đình cho người dân
Một buổi tư vấn về bạo lực gia đình cho người dân

“Vòng lặp” nghiệt ngã

Những năm gần đây, cộng đồng mạng từng phẫn nộ trước nhiều video clip chồng bạo lực vợ được đăng tải lên mạng. Bức xúc nhất chính là cảnh người chồng đánh đập vợ một cách dã man trước mặt những đứa con khiến chúng vô cùng sợ hãi. Mặc cho vợ con van xin, nhiều người đàn ông nhảy bổ vào đánh vợ. Họ dùng tất cả sức mạnh của bản thân, với vũ khí là tay, chân, những vật dụng khác,… để tấn công người vợ, miệng thì liên tục chửi rủa, dùng mọi lời lẽ nặng nề để nhục mạ vợ.

Nạn nhân chịu tổn thương nhất chính là những người phụ nữ. Không chỉ đau đớn về thể xác mà họ còn bị tra tấn về tinh thần. Nhiều người bị thương tật từ nhẹ đến nặng, bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết vì nỗi đau quá sức chịu đựng. Xót xa hơn, nhiều vụ bạo lực gia đình, người chồng là thủ phạm cướp đi tính mạng của vợ, gia đình tan nát, con cái mồ côi mẹ, bố vướng cảnh tù tội, có hối hận thì cũng quá muộn.

Theo số liệu của Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo hành đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, có đến 61,4% trẻ em từ 5-12 tuổi từng phải chứng kiến nạn bạo hành diễn ra trong chính ngôi nhà của mình. Các em có nguy cơ cao phải đối mặt với các vấn đề hành vi khi trưởng thành. Những vết sẹo về mặt cảm xúc từ bé có thể dẫn đến sang chấn tâm lý nghiêm trọng nếu không được hàn gắn.

Theo PSG.TS Trần Thành Nam - giảng viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội nhấn mạnh, trẻ em khi sống chung với cảnh bạo lực gia đình sẽ trở nên chống đối xã hội hoặc thu mình vì chứng kiến bạo lực gia đình. Các em luôn sống trong tâm trạng bất an, bị ám ảnh, hoảng loạn với hình ảnh người mẹ bị bố bạo hành. Đáng buồn là những ám ảnh, lo lắng này sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ đến khi trưởng thành, trở thành rối loạn stress sau sang chấn (một dạng rối loạn tâm thần).

Những đứa trẻ chứng kiến bạo hành trong gia đình khi đến tuổi đi học sẽ phát triển những đặc điểm chống đối xã hội, luôn chìm ngập trong tâm trạng tiêu cực, thu mình, không tương tác với bạn bè và càng không hình thành được kỹ năng xã hội, không có năng lực hiểu và kiểm soát cảm xúc, dễ quăng mình vào những tình huống vi phạm pháp luật, sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng,… Nghiêm trọng hơn, bản thân những đứa trẻ lớn lên cũng có xu hướng bạo lực gia đình với chính vợ con mình. Nhiều trẻ em gái khi chứng kiến cảnh mẹ bị bố bạo lực thì ngại lập gia đình khi lớn lên, hoặc nếu rơi vào hoàn cảnh như mẹ sẽ lại lặp lại cảnh chịu đựng,…

Và cứ thế, “vòng lặp” bạo lực gia đình không chỉ xảy ra nhiều lần trong cuộc hôn nhân của bố mẹ mà còn lặp lại trong cuộc đời của chính những người con. Có thể nói, bạo hành gia đình gây ra những hậu quả lâu dài cho các nạn nhân, thậm chí là vĩnh viễn. Việc tránh xa bạo lực gia đình cũng không đủ để bù đắp lại những thiệt hại do việc chứng kiến bạo lực gây ra.

Đẩy lùi bạo lực gia đình - cần những cái “nắm tay” thật chặt

“Bóng ma” bạo lực gia đình có thể đeo đuổi suốt cuộc đời của các nạn nhân. Vì thế, để đẩy lùi bạo lực gia đình rất cần đến những cái “nắm tay” thật chặt của cả xã hội, các cấp, ban ngành, đoàn thể, người dân cùng vào cuộc. Người “nổ” tiếng súng đầu tiên trong cuộc chiến với bạo lực gia đình không ai khác chính là những nạn nhân. Theo các chuyên gia, các nạn nhân không nên giữ thái độ im lặng, cần xua tan tư tưởng “xấu chàng hổ ai”, “vạch áo cho người xem lưng” khi bị bạo lực gia đình, bởi sự im lặng ấy chính là “lưỡi hái tử thần” có thể cướp đi sức khỏe, tính mạng,… của họ bất cứ khi nào, khiến bạo lực gia đình ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ tổn thương.

Các nạn nhân khi bị bạo lực gia đình cần thực hiện các bước quan trọng. Bước 1, bảo vệ bản thân (khi bị bạo hành, hãy tìm cách chạy ra khỏi nhà và tìm đến nơi an toàn như nhà hàng xóm, nhà tạm lánh, báo công an,…). Bước 2, lập kế hoạch chấm dứt mối quan hệ (nhờ sự giúp đỡ và tư vấn của chính quyền địa phương, luật sư, trợ giúp pháp lý,…). Bước 3, thu thập chứng cứ về việc bạo hành (clip đánh đập, hình ảnh về vết thương của bạn và đồ vật bị vỡ trong suốt quá trình bạo hành gia đình, các kết quả xét nghiệm những tổn thương cơ thể, nhật ký, thư xin lỗi từ người bạo hành,…). Bước 4: Báo cho cơ quan có thẩm quyền (đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, yêu cầu xử lý đối với hành vi vi phạm, liên hệ với các tổ chức xã hội để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi).

Khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, những người xung quanh cũng đừng im lặng, có thái độ làm ngơ, coi đó là chuyện riêng của mỗi gia đình, bởi sự thờ ơ ấy chính là tác nhân khiến cho các nạn nhân trở nên lạc lõng, cô đơn trong cuộc chiến với bạo lực gia đình, chịu tổn thương nhiều hơn, số vụ bạo lực gia đình càng tăng lên,… Đôi khi, 5 giây ít ỏi nhưng quý hơn vàng (bấm chuông cửa, hỏi thăm, hỏi đường, xin nước,…) lại trở thành phao cứu sinh cho các nạn nhân, “hạ hỏa” mâu thuẫn, giúp người trong cuộc bình tĩnh hơn. Chúng ta cũng có thể nhờ đến những người xung quanh cùng trợ giúp nạn nhân.

TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh, hành vi bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi bạo lực gia đình sẽ bị áp dụng các biện pháp hành chính, bị cưỡng chế hành chính, bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự về các tội danh xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác.

Theo TS.Luật sư Đặng Văn Cường, gia đình là tế bào của xã hội, nếu không làm tốt công tác phòng chống bạo lực gia đình thì nguy cơ bất ổn trong xã hội ngày càng gia tăng, tội phạm sẽ gia tăng và tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân đều có nguy cơ bị xâm phạm bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy, để bảo vệ tính mạng sức khỏe, danh dự nhân phẩm của các thành viên trong gia đình thì vấn đề phòng ngừa bạo lực gia đình luôn được đề cao, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quản lý Nhà nước, trong đó việc hoàn thiện chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, có tính dự báo, tính khả thi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

TS.Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023 chính là văn bản pháp lý quan trọng để bảo vệ những người yếu thế trong gia đình, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra các hành vi bạo lực gia đình và là cơ sở pháp lý để xử lý với người có hành vi bạo lực gia đình.

Theo đó, Luật này mở rộng đối tượng thực hiện hành vi bạo lực gia đình, trong đó có cả các đối tượng có mối quan hệ ngoài hôn nhân như giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn,…

Bên cạnh đó, Điều 15 của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 cũng quy định hình thức tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình bao gồm: Hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; Phổ biến pháp luật trực tiếp; Phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; Lồng ghép trong chương trình và hoạt động tại cơ sở giáo dục; Tổ chức cuộc thi, chiến dịch truyền thông; Lồng ghép trong hoạt động văn học, nghệ thuật, thể thao, sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng dân cư; mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; Hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật này cũng bổ sung nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình. Cụ thể theo Điều 19 Luật phòng chống bạo lực gia đình thì nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình bao gồm: UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cơ quan Công an; Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là những nội dung mới quan trọng, rất có ý nghĩa trong việc kịp thời phát hiện ra những tình huống bạo lực gia đình, làm cơ sở để cơ quan chức năng kịp thời, khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ phải có những biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình để giảm thiểu đến mức thấp nhất hậu quả của bạo lực gia đình có thể gây ra đối với nạn nhân và xã hội.

Luật phòng chống bạo lực gia đình mới cũng đã bổ sung các biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Khi bạo lực gia đình đã xảy ra, cơ quan chức năng đã tiếp nhận thông tin thì việc xử lý thông tin, thực hiện các biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để thực hiện các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình.

Theo Điều 22 của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định, biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao gồm: Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cấm tiếp xúc; Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình; Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình; Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.

Theo quy định mới của luật phòng chống bạo lực gia đình thì người có hành vi bạo lực gia đình có thể sẽ phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng như các biện pháp cưỡng chế hành chính hành chính: trồng cây, quét đường,…Quy định này giống như một biện pháp cưỡng chế hành chính, lao động công ích để người thực hiện hành vi bạo lực gia đình cải tạo, sửa sai, thể hiện tính "răn đe" khi hành vi bạo lực chưa đến mức xử lý bằng chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự. Danh mục công việc, việc tổ chức thực hiện do Chủ tịch UBND cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nếu hành vi bạo lực gia đình là hành hạ thành viên trong gia đình, làm nhục, cố ý gây thương tích, sát hại thành viên trong gia đình... thì sẽ bị xử lý hình sự. Điều 55 Luật phòng chống Bạo lực gia đình đã sửa đổi, bổ sung Điều 135 của Bộ luật Tố tụng Dân sự như sau: Điều 135, Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 14 Điều 114 của Bộ luật này trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Như vậy, từ ngày 1/7/2023, Tòa án được quyền tự ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Đây là quy định mới để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình có thể tiếp tục xảy ra.

Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 cũng có quy định mới về bổ sung cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình. Theo Điều 35, cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình bao gồm: Địa chỉ tin cậy; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở trợ giúp xã hội; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện nay, cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình bao gồm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở bảo trợ xã hội; Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Kỳ 2: Những nỗi đau bị giấu kín
Kỳ 1: Từ những vụ việc đau lòng...
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động