Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình dự khai mạc Ngày hội hiến máu cứu người hành Bồ Tát đạo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhát biểu khai mạc, Thượng toạ Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nhấn mạnh: Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân hiến máu” của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội kết hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức “Ngày hội Hiến máu cứu người-Hành Bồ Tát đạo” và đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo. Đây là chương trình có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp và nhân văn cao cả; đây là đại thuận duyên để thực hiện hạnh Bồ Tát của mình bằng việc làm thiết thực.
|
Theo Thượng toạ Thích Thanh Quyết, dù khoa học y học có những tiến bộ vĩ đại nhưng hằng ngày, hằng giờ, chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh đau lòng, vì không có đủ máu hay những bộ phận của cơ thể người để kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu để giành lại sự sống cho bệnh nhân hay nạn nhân. Tại các trung tâm hiến máu có câu “Máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu”, thôi thúc lương tâm chúng ta hãy hành động.
“Cuộc sống thật hạnh phúc và ý nghĩa biết bao khi biết chắc chắn rằng đâu đó trên cuộc đời này, một phần cơ thể hay dòng máu của ta đang hòa chung vào sinh mệnh, vào nhịp thở của ai đó đã từng được ta cứu sống”, Thượng toạ Thích Thanh Quyết chia sẻ.
|
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, đây là sự kiện mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc; đồng thời nêu rõ: Máu là một loại thuốc đặc biệt không có chế phẩm nào thay thế được. Máu cần cho nhiều chuyên khoa, cả khoa điều trị hằng ngày cũng như cho cấp cứu ngoại khoa, sản khoa, nội khoa… và cũng cần thiết để sẵn sàng dự trữ cho thảm hoạ an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, với diễn biến ngày càng nguy hiểm của bệnh tật, hiện nay số người cần được cấy ghép mô tạng ngày càng gia tăng, trở thành nhu cầu thực tế hiện hữu. Hàng ngày, hàng giờ ở Việt Nam có hàng ngàn người bệnh đang mòn mỏi chờ ghép tạng những rất ít người trong số họ có cơ may đó vì số người hiến rất khan hiếm.
|
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tiếp tục duy trì và nhân rộng hoạt động rất có ý nghĩa này ở tất cả các cơ sở phật giáo trên cả nước.
Theo Thượng toạ Thích Quảng Tùng, Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội-Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam: Năm 2018 Phật giáo toàn quốc đã huy động được gần 525 tỷ đồng đầu tư cho hoạt động nhân đạo, ích đời lợi đạo.
“Việc chia sẻ tấm áo, đồng tiền, bát gạo… với những cảnh đời bất hạnh là vô cùng trân quý, nhưng bố thí nội tài-tức là sẵn sàng hoan hỉ hiến từ giọt máu hồng đến bộ phận cơ thể của mình để đem lại sự sống cho người khác, là việc làm với tâm vô ngã vị tha cao cả nhất”.
|
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong 4 Học viện Phật giáo triển khai việc hiến máu nhân đạo. “Hiến máu cứu người-Hành Bồ Tát đạo” bao hàm ý nghĩa sâu sắc cả đạo lẫn đời. “Tôi cũng tin tưởng chủ trương coi đây là một nội dung quan trọng trong Chương trình giáo dục-đào tạo, của Thượng tọa Viện trưởng Học viện, sẽ trở thành hiện thực. Bởi vì, các vị tăng ni sinh cũng đồng thời là những vị trụ trì hoặc làm Phật sự hoằng pháp ở khắp mọi miền của đất nước, có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng Phật tử.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại