Phim Nhà bà Nữ và những câu thoại đắt giá
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPoster phim Nhà bà Nữ |
Nhà bà Nữ là bộ phim tâm lý, tình cảm, khai thác đề tài về gia đình, xoay quanh chuyện đời thường trong cuộc sống của gia đình bà Ngọc Nữ (Lê Giang). Ngoài tình cảm gia đình, phim còn lồng ghép nhiều thông điệp về tình yêu đôi lứa, mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ thời hiện đại.
Phim do chính tay Trấn Thành viết kịch bản và đạo diễn, có sự tham gia của các diễn viên: NSND Ngọc Giàu, Trấn Thành, Lê Giang, Uyển Ân, Khả Như, Song Luân, Lý Hạo Mạnh Quỳnh, Phương Lan... Xuyên suốt bộ phim đã để lại cho người xem không ít các thông điệp cuộc sống rất gần gũi.
Được khán giả yêu mến bởi những phát ngôn đầy tính triết lý nên khi làm phim, Trấn Thành luôn khéo léo cài cắm vào đó những câu thoại vô cùng sâu sắc. Dù là web-drama hay phim điện ảnh, cứ sau mỗi bộ phim của Trấn Thành, khán giả lại nhặt được vô vàn câu hội thoại đáng để suy ngẫm. Lần này, phim Nhà bà Nữ cũng không ngoại lệ.
“Thất bại cũng là quyền của con người” – Ngọc Nhi
Khi phát hiện Ngọc Nhi có thai, không khí cả gia đình bà Nữ đã trở nên căng thẳng. Sau đó chính là màn chất vấn đi vào lịch sử gia đình của bà Nữ và Ngọc Nhi. Khi bà Nữ nói rằng mình làm tất cả cũng chỉ muốn tốt cho con, vì bà đã thất bại nên muốn dùng kinh nghiệm của mình để con không phải mắc những sai lầm đó thì Ngọc Nhi đã lên tiếng phản bác. Cô cho rằng: “Thất bại cũng là quyền của con người.”
Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái thành công mà đôi khi áp đặt lên những đứa trẻ của mình, không cho con làm những điều mà con mong muốn vì sợ rủi ro, hay nói cách khác là sợ con mình sẽ thất bại. Thế nhưng ai cũng có quyền được thất bại. Thà rằng thử rồi thất bại còn hơn luyến tiếc cả một đời. Đặc biệt với người trẻ, chuyện thành bại với họ không quan trọng bằng việc họ có thể thử sức. Bởi vì đôi khi trên hành trình đó, họ có thể học được bài học đắt giá hơn cả thành công.
“Bản tính của con người vốn không dễ thay đổi, nó chỉ thay đổi khi gặp biến cố”
Bản chất con người luôn khó thay đổi chỉ khi gặp biến cố. Chúng ta hoàn toàn không biết khi nào cuộc sống sẽ có những biến cố, và hầu như ta đã không chuẩn bị cho chúng. Vì vậy, việc tìm cho mình kỹ năng để thích nghi với những thay đổi cuộc sống sau đó là một điều cần thiết. Đôi khi bạn cần hiểu được rằng những biến cố mà cuộc đời đem đến thật ra không phải là toàn là điều tồi tệ nhất, mà đôi khi nó là một thử thách cho mỗi người luyện bản lĩnh của bản thân. Khi mà đã can đảm vượt qua rồi, chính bạn sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
“Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ” – Ngọc Nhi
Một trong những quyền cơ bản của con người chỉ đơn giản là được làm những điều mình muốn, nhưng trong suốt từng ấy năm sống cùng bà Nữ, Ngọc Nhi chưa một lần được làm theo ý mình. Đến khi tức nước vỡ bờ, cô phải nói những lời tận đáy lòng ra với mẹ mình. Những gì bà Nữ mong muốn và áp đặt lên Ngọc Nhi chẳng qua là những gì mà trước đó bà chưa thể thực hiện, vậy nên muốn con gái hoàn thành nó. Thế nhưng Ngọc Nhi là Ngọc Nhi, cô cũng có ước mơ và khao khát sống một cuộc đời do mình làm chủ.
Khác với người khác, Ngọc Nhi không mong muốn được thành công, mà ở thời điểm hiện tại, cô chỉ mong được thất bại vì trước giờ cô chưa được nếm trải cảm giác đó. Thất bại trong ước mơ của riêng mình, với Ngọc Nhi là một điều cho thấy cô được sống một cuộc đời tự do.
“Giá trị của một vật nằm ở chỗ nó được đặt ở đâu” – John
Một ly nước cam bình thường ở vỉa hè có giá 10.000 VNĐ, trong một quán cafe tầm trung có giá 40.000 VNĐ nhưng ở một quán cafe có sự đầu tư về không gian và thiết kế hơn thì có thể lên đến 70.000 – 80.000 VNĐ. “Giá trị của một vật nằm ở chỗ nó được đặt ở đâu” là như thế. Đó là nội dung sơ lược của đoạn hội thoại người viết nhớ được khi John và Ngọc Nhi ở một quán cafe có concept mà hai người đều yêu thích.
Không chỉ riêng đồ vật, mà cả con người cũng vậy. Giá trị thật sự của bạn chỉ được công nhận khi bạn ở đúng nơi. Nếu Ngọc Nhi hay John chỉ quanh quẩn mãi trong nhà với sự kìm kẹp của bố mẹ thì chắc chắn sẽ không thể tìm ra điểm mạnh của chính mình được. Chính vì vậy, họ đành chọn cách rời đi để sống một cuộc đời như mình mong muốn.
“Ai cũng có lỗi nhưng ai cũng nghĩ mình là nạn nhân” – Phú Nhuận
Câu tagline của bộ phim Nhà bà Nữ hóa ra chính là một câu nói của Phú Nhuận trước lúc rời đi. Khi Phú Nhuận bộc bạch hết lòng mình thì bị bà Nữ và Ngọc Như nói lại với tâm lý nạn nhân. Và để kết thúc chuỗi sự việc kéo dài không hồi kết đó, Phú Nhuận đã nói rằng: “Ai cũng có lỗi nhưng ai cũng nghĩ mình là nạn nhân” rồi nhanh chóng xách hành lý ra khỏi nhà. Bà Nữ lúc bấy giờ thì bàng hoàng với câu nói đó, còn Ngọc Như chạy theo níu giữ Phú Nhuận nhưng không thể.
Không chỉ riêng trong gia đình, mà còn ở nhiều mối quan hệ khác, đôi khi lỗi lầm đến từ việc tất cả chúng ta đều cố chấp tin vào lý lẽ của mình mà không chịu hiểu cho nhau. Như vậy ai cũng có lỗi nhưng ai cũng nghĩ mình đang là người chịu thiệt thòi. Chỉ khi đứng trước mặt nhau nói ra tất cả, mọi chuyện mới dần sáng tỏ. Theo Tiến sĩ Geshe Michael Roach, thật đúng đắn và sâu sắc là cốt lõi để giải quyết mọi mâu thuẫn trong cuộc sống: "Nếu bạn biết rằng, mọi thứ đều đến từ phía mình thì lời oán trách, phàn nàn sẽ không còn nữa".
“Trường học dạy mình bài học trước rồi mới cho mình thực hành. Trường đời bắt mình thực hành trước rồi mới rút ra bài học” – Ngọc Nhi
Sau khi trải qua thất bại khắc cốt ghi tâm đầu đời, Ngọc Nhi đã rút ra được bài học như thế. Thật ra câu nói đó cũng không quá mới lạ vì nó như một quy luật hiển nhiên mà chúng ta đã truyền tai nhau rất nhiều. Chỉ là trong Nhà bà Nữ, nó được nhắc lại một lần nữa để nói về sự khắc nghiệt của trường đời.
Như Vasanth Gopalan có nói: “Ở trường bạn được dạy một bài học sau đó được làm bài kiểm tra. Trong cuộc đời bạn sẽ được cho một bài kiểm tra và sẽ dạy cho bạn một bài học.”
“Cho người khác cơ hội là cho mình cơ hội” – Ngọc Nhi
Sau đám cưới của mẹ, một người bạn cũ – người đã từng thất bại trong việc theo đuổi Ngọc Nhi mời cô đi chơi, cô đã đồng ý rất nhanh. Lúc đó, quả thật Ngọc Nhi đã trở thành con người khác: Vui vẻ, hoạt bát, tự tin và trưởng thành hơn rất nhiều. Ngọc Nhi đồng ý đi chỉ với một lý do đơn giản: “Cho người khác cơ hội cũng là cho mình cơ hội.” Đó cũng chính là câu nói cuối cùng của Ngọc Nhi trong Nhà bà Nữ.
Trong cuộc sống, khi bị người khác hiểu lầm nếu có thể mỉm cười cho qua, thì đó là một tố chất hàm dưỡng. Khi chịu ấm ức nếu có thể mỉm cười thản nhiên, thì đó là sự độ lượng.
“Hạnh phúc hôm nay mẹ có được đánh đổi từ hạnh phúc của hai con” – bà Nữ
Cuối phim, bà Nữ kết hôn cùng bác Liêm tổ trưởng trong sự chúc phúc của rất nhiều người. Khi phát biểu, bà có nói rằng: “Hạnh phúc hôm nay của mẹ được đánh đổi từ hạnh phúc của hai con”. Câu nói đó chứng minh rằng bà Nữ đã thật sự hiểu ra những sai lầm trong cách cư xử của mình từ trước đến nay.
Mặc dù xuất phát từ tấm lòng yêu thương và muốn bảo vệ con nhưng nhìn nhận một cách thực tế thì bà Nữ chính là người gây ra bi kịch cho hai cô con gái. Cũng vì sự la mắng vô tội vạ với con rể của bà Nữ mà Ngọc Như đã phải tan vỡ hạnh phúc gia đình. Cũng vì trong cơn giận dữ, bà Nữ để Ngọc Nhi đi nên cuối cùng cô mới mất hết tất cả như vậy.
Dù cốt truyện không mới, vẫn xoay quanh những mâu thuẫn trong gia đình nhưng Trấn Thành vẫn biết cách khiến nó trở nên đặc biệt nhờ vào cách truyền tải thông điệp ý nghĩa.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại