Thứ hai 29/04/2024 12:49
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Phát triển Thủ đô theo hướng giao thông công cộng (TOD)

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
PGS. TS Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có tham luận góp ý tại Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức.
Phát triển Thủ đô theo hướng giao thông công cộng (TOD)
PGS. TS Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có tham luận góp ý tại Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Khánh Huy

PGS. TS Hoàng Tùng đề xuất, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải bổ sung các điều khoản có tính pháp lý, tạo nền tảng, tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau, thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, thành phố sáng tạo, hòa bình của thế giới, đặc biệt là hỗ trợ cho việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về một số chính sách phát triển đô thị thuộc Thủ đô, bên cạnh các mô hình phát triển đô thị đã thực hiện trong những năm qua, Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung mô hình mới là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Tuy nhiên, theo PGS. TS Hoàng Tùng cần bổ sung các mô hình đô thị:

Mô hình phát triển đô thị theo hướng hành lang xanh dọc sông gắn với cảng hàng hóa, du thuyền trên sông (sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Nhuệ...). Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ cho việc cân bằng với tự nhiên của hệ sinh thái đô thị, giảm bớt mật độ xây dựng, hình thành thêm các không gian mở.

Quy hoạch đô thị không chỉ tập trung cho các đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh mà còn phải hình thành mạng lưới trung tâm cụm xã (thị trấn hay đô thị loại 5) tại các huyện ngoại thành, là các trung tâm dịch vụ tiêu dùng cấp cao, trung tâm thu gom và chế biến sản phẩm nông nghiệp, trung tâm du lịch, hỗ trợ các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Từ đây mới xây dựng và phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề giàu bản sắc văn hóa đặc trưng của Thủ đô và hình thành được mạng lưới trung tâm cụm xã hay trung tâm tiểu vùng của cả Vùng Thủ đô.

Phát triển đô thị không phải chỉ gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD, một dạng điểm nút trên tuyến hay dòng chảy hàng hóa và nhân lực) mà còn phải gắn với các trung tâm kinh tế đặc thù: Khu công nghiệp, khu công nghệ, trung tâm tài chính (điểm nút trên tuyến công nghệ và tài chính); trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp văn hóa (điểm nút trên tuyến tri thức và văn hóa), tạo thành các cụm kinh tế, cụm kinh doanh theo hướng phổ quát của thế giới.

Bên cạnh các chính sách, lộ trình giãn dân ở khu vực quận lõi, khu vực nội đô lịch sử; cơ chế khuyến khích, ưu đãi cải tạo, trùng tu, bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị văn hoá, lịch sử, cần nghiên cứu đưa khu vực nội đô lịch sử trở thành Di sản thế giới của UNESCO (theo tiêu chí ii, iv, v, vi). Có thể là phần mở rộng của Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (được UNESCO công nhận năm 2010 với tiêu chí ii, iii, vi).

Theo PGS. TS Hoàng Tùng, trong 10 lĩnh vực trọng tâm, cần bổ sung thêm 2 nội dung: Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chính 2 nội dung này mới làm rõ vai trò tiên phong, chủ đạo, hình mẫu của Thủ đô hiện đại trong Vùng Thủ đô cũng như vai trò khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Quy định phân quyền cho UBND TP Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài để tạo thành một mạng lưới đô thị, trong đó mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới; kết nối không chỉ các đô thị trong Vùng Thủ đô mà còn với các đô thị đặc biệt tại Việt Nam, thủ đô của các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Á và thế giới.

Ngoài ra, việc phát triển và quản lý Thủ đô theo định hướng giao thông công cộng (TOD) gắn với cơ chế hợp tác công tư (PPP) hiệu quả và quản lý chuỗi cung ứng đô thị trên cơ sở quy hoạch vùng đô thị nên được gắn kết với nhau khi hoạch định chiến lược phát triển Thủ đô và cần được thể hiện xuyên suốt, mạch lạc trong các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Góp phần hoàn thiện về nội dung và chất lượng của Luật Thủ đô (sửa đổi) Góp phần hoàn thiện về nội dung và chất lượng của Luật Thủ đô (sửa đổi)
Cần cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội để thực hiện sứ mệnh là Thủ đô Cần cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội để thực hiện sứ mệnh là Thủ đô
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động