Cần cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội để thực hiện sứ mệnh là Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Hà Nội phải tận dụng được các ý kiến, tâm huyết, nhiệt tình của các giới, các ngành, trong đó, đặc biệt là giới trí thức trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)". |
350 đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu, bao gồm: đại diện của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu; Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô.
Đại biểu TP Hà Nội có sự tham dự của đại diện lãnh đạo: Thành ủy, HĐND, UBND TP; các ban Đảng của TP, các Ban của HĐND; Văn phòng (Thành ủy, HĐND và UBND); các sở, ngành, quận, huyện, thị ủy của TP.
Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn TP Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Thành uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, khẳng định, Hội thảo không chỉ dừng lại ở đây, các tham luận khoa học và các ý kiến phát biểu tại hội thảo là căn cứ khoa học quan trọng để các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện Luật Thủ đô, thực hiện thành công mục tiêu nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đưa Hà Nội phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại có chất lượng cuộc sống cao ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Tại Hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn TP Hà Nội. Tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên 9 nhóm chính sách lớn như:
Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, quản lý sử dụng đất đai;
Đồng Chủ trì Hội thảo: Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp Tp Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội |
Đào tạo giáo dục Thủ đô và phát triển văn hóa; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức thông qua kết quả nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học tại các trường đại học, cao đẳng, học viện chuyên ngành trên địa bàn TP Hà Nội. Qua đó, cung cấp, bổ sung các luận cứ khoa học trên nhiều lĩnh vực trọng yếu của Thủ đô, góp phần cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô Hà Nội”.
Ngoài ra, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức còn nhằm tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng, đề xuất các chính sách trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Với mục tiêu đặt ra là các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ về việc hoàn thiện thể chế trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng để phát triển Thủ đô Hà Nội là yêu cầu bức thiết hiện nay. Đồng thời với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu hình thành các đô thị vệ tinh cũng mang tính tất yếu khách quan để phát triển Thủ đô trong tương lai.
TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). |
"Đối với các đô thị vệ tinh, nguyên tắc phân quyền phải được áp dụng!"
TS Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh vấn đề đô thị vệ tinh trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Ông Hùng nêu, điều kiện địa lý - tự nhiên, đặc trưng lịch sử văn hóa quyết định tới đặc trưng chức năng lãnh thổ của đô thị Hà Nội. Theo đó, Hà Nội - đô thị có chức năng trung tâm tổng hợp quốc gia và chức năng chuyên biệt là trung tâm chính trị - hành chính của đất nước, trung tâm lớn về văn hóa.
Vì vậy, Hà Nội chịu tác động của hệ thống quản lý theo trục dọc và trục ngang; đồng thời Thủ đô Hà Nội là điển hình cho sự tương tác giữa Trung ương và địa phương, trung tâm và ngoại vi. Đặc trưng này là cơ sở để Đảng chủ trương và thể chế trong Dự thảo Luật Thủ đô về “Đô thị vệ tinh”.
"Đối với các đô thị vệ tinh, nguyên tắc phân quyền phải được áp dụng. Sở dĩ như vậy là vì các đô thị vệ tinh có tính chất riêng về đặc tính “bên trong, bên ngoài” - ông Hùng nhấn mạnh.
PGS.TS Phạm Trọng Thuật - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá, dự thảo Luật lần này cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, để xây dựng, quy hoạch thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững cần bổ sung thêm các quy định nhằm nâng cao vai trò của cộng đồng tham gia góp ý kiến, giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; quan tâm cải tạo, nâng cấp các khu tập thể cũ mà không làm tăng mật độ dân số.
PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo. |
PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Học viện Hành chính Quốc gia, góp ý về phân quyền về công tác cán bộ, công chức, tổ chức bộ máy biên chế - từ mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội.
Bà Oanh nêu, Chương II Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về Tổ chức chính quyền Thủ đô tại TP Hà Nội (từ Điều 9 đến Điều 18). Chương này tập trung quy định về mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp của thành phố Hà Nội, theo đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các chủ thể nêu trên trong một số lĩnh vực.
Về chính quyền địa phương tại Điều 9 Dự thảo Luật Thủ đô, xác định ở thành phố, quận là cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ có tổng kết về việc thí điểm các thành phố trực thuộc trung ương, có cần phải thống nhất tất cả các mô hình ở thành phố trực thuộc trung ương hay không, vậy có nên quy định mở hơn về vấn đề này trong Luật Thủ đô.
Thẩm quyền cho thành phố thuộc TP Hà Nội phải cao hơn thẩm quyền cấp huyện để tạo tiền đề bứt phá (rút kinh nghiệm từ TP Thủ Đức). Thành phố Thủ Đức, là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên trong cả nước. Tuy nhiên, về mô hình tổ chức và các chức năng nhiệm vụ của TP Thủ Đức về cơ bản vẫn là một đơn vị hành chính cấp quận huyện như bao đơn vị hành chính cùng cấp khác. Nội dung công tác quản lý Nhà nước quan trọng trên địa bàn vẫn theo mô hình các sở, ban, ngành trực thuộc UBND TP HCM trực tiếp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tham mưu UBND TP HCM quyết định các vấn đề quan trọng.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Tận dụng được các ý kiến, tâm huyết, nhiệt tình của các giới, các ngành
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Thủ đô là vấn đề quan trọng và Hà Nội phải tận dụng được các ý kiến, tâm huyết, nhiệt tình của các giới, các ngành, trong đó, đặc biệt là giới trí thức.
Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 15-NQ/TW đặt ra 4 quan điểm, 2 mục tiêu, 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp, xác định đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới...
Do đó, cần hoàn thiện thế chế, chính sách pháp luật về Thủ đô với cơ chế chính sách đặc thủ vượt trội để Thủ đô phát huy hết thế mạnh. Bởi, Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, còn nhiều điểm nghẽn được chỉ ra như vấn đề: Gia tăng dân số cơ học, qúa tải hạ tầng đô thị, giao thông ùn tắc.
Lần làm việc gần nhất của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn Thủ đô, đồng chí Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tháo gỡ hết điểm nghẽn để Hà Nội phát triển đúng thế mạnh.
"Thành phố Hà Nội mong muốn, xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh để thực hiện sứ mệnh là Thủ đô, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học, hội nhập quốc tế…" - ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành uỷ cũng yêu cầu, từ nay đến khi Quốc hội thông qua Dự thảo Luật, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tiếp tục tổ chức các hội thảo, lĩnh hội các ý kiến góp ý trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học về 3 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đang được triển khai cùng lúc: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đồng chí Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, tổng kết các ý kiến đóng góp tại Hội thảo. |
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, tổng kết, tại Hội thảo có 13 tham luận và đặc biệt là ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Hội thảo đã khẳng định, sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế, bất cập hiện nay; tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô;
Kế thừa những cơ chế chính sách đã được thí điểm thực hiện trên địa bàn Thủ đô, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải nằm trong tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam; khắc phục những điểm hạn chế, bất cập, điểm nghẽn trong Luật hiện hành. Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất nhiều nội dung như: Xây dựng phát triển quản lý đô thị, cải tạo chỉnh trang cảnh quan, y tế, khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực tài chính ngân sách, bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống, tổ chức chính quyền Thủ đô, áp dụng Luật Thủ đô…
"Luật Thủ đô là vấn đề khó, nhiều vấn đề phức tạp. Còn ý khác nhau về quy định liên quan đến bảo tôn giá trị văn hoá, y tế… Ban Tổ chức xin lĩnh hội tổng hợp chung vào báo cáo của TP Hà Nội và gửi hồ sơ về Bộ Tư pháp để xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học kịp thời hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền" - ông Ngô Anh Tuấn cho phát biểu.
Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức nhằm tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng, đề xuất các chính sách trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Với mục tiêu đặt ra là các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Có cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phát triển | |
Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát huy giá trị hai bên bờ sông Hồng | |
Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần có cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại