Thứ hai 29/04/2024 04:21
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Phát triển giáo dục – đào tạo là nền tảng, động lực cho Thủ đô văn minh, hiện đại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù, mà cụ thể hóa là Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó, ngoài việc tuân thủ các luật liên quan, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có “không gian” rộng hơn, trong đó có các điều luật về giáo dục - đào tạo thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Phát triển giáo dục – đào tạo là nền tảng, động lực cho Thủ đô văn minh, hiện đại
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có “không gian” rộng hơn, trong đó có các điều luật về giáo dục - đào tạo thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Ảnh: Khánh Huy

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, muốn thực hiện được “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, muốn “Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô”, ngoài các giải pháp về chính trị, kinh tế, cần xác định giáo dục toàn diện là nền tảng, là con đường để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu này. Vì vậy, công tác quy hoạch cần có tầm nhìn và dự báo rất đúng mức.

Bảo đảm điều kiện trường lớp, đội ngũ để “ai ai cũng được học hành”. Cần quyết liệt hơn khi triển khai các khu đô thị phải đồng bộ với nó là trường học; với khu vực nội đô, cần xem lại mô hình trường học đạt chuẩn trong thời đại 4.0.

Coi giáo dục đại trà là an sinh xã hội, là ưu việt và bình đẳng xã hội. TP đặc biệt quan tâm đến diện rộng này, trong đó có các khu công nghiệp, các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc. Với giáo dục mũi nhọn, củng cố và phát triển hệ thống vốn có. Các trường chất lượng cao (không chỉ chất lượng mà còn dịch vụ) nên chăng xã hội hóa và để tư nhân đầu tư. Không nên biến các trường công thành trường chất lượng cao (cơ sở vật chất, mặt bằng do Thành phố đầu tư), điều này vô hình trung tạo nên bất bình đẳng, trong khi những khu vực nội đô đang thiếu phòng học cho học sinh. Cần có chính sách ưu tiên hơn nữa cho các đơn vị đầu tư giáo dục về mặt bằng, về đất đai, về thuế.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), GS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, Hà Nội là TP lớn, lại có nông thôn, có các khu công nghiệp, thậm chí có cả miền núi, có các cộng đồng dân tộc khác nhau. Đây là cơ hội tốt để Hà Nội đi đầu xây dựng các mô hình giáo dục phù hợp và trên cơ sở đó phát triển ở các địa phương khác.

Trong thời đại chuyển đổi số, việc xây dựng mô hình trường học phù hợp với thời đại cần được đặt ra như một giải pháp đột phá. Trường học thông minh là mô hình trường học tiên tiến và thích ứng cao với môi trường công nghệ và sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại. Trường học thông minh vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng tiến bộ công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và sự phát triển của từng học sinh nói riêng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước đối với giáo dục phổ thông trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến đổi.

Mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên hầu hết đều có ở các địa bàn. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại hiệu quả, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Trong đó, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phải được chú trong hơn. Nên chăng hình thức và cách thức tổ chức cần đổi mới để phù hợp với thời đại.

Cần có sự phối hợp giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho người lao động nâng cao tay nghề; có những khóa học đáp ứng nhu cầu dịch chuyển nghề nghiệp. Hình thức không đơn thuần tập trung mà có sự kết hợp giữa tập trung và sử dụng công nghệ và linh hoạt trong thời gian để nhiều người có thể tiếp cận.

GS.TS Nguyễn Văn Minh khẳng định, nhân lực là nhân tố quyết định thành công cho mọi sự đổi mới. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của Hà Nội phải thực sự vượt trội về “chất” thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Lợi thế của Hà Nội là “sức hút” nhân lực nhưng điều đó không phải tất cả mà lợi thế lớn hơn đó là có cả một hệ thống đại học hàng đầu đào tạo ra đội ngũ. Hà Nội cần đặt ra yêu cầu với các tiêu chuẩn cụ thể và đặt ra yêu cầu với các trường.

Hà Nội cũng cần mạnh dạn hơn nữa trong việc cử thầy cô đủ khả năng để học hỏi thực sự một số trường tiên tiến (không phải đi tham quan) để về áp dụng. Hà Nội cũng cần có các cơ chế đặc thù đối với đội ngũ, đó là thu nhập để bảo đảm cuộc sống theo mặt bằng chung của thành phố để thầy cô yên tâm công tác.

Phát triển Thủ đô theo hướng giao thông công cộng (TOD) Phát triển Thủ đô theo hướng giao thông công cộng (TOD)
Góp phần hoàn thiện về nội dung và chất lượng của Luật Thủ đô (sửa đổi) Góp phần hoàn thiện về nội dung và chất lượng của Luật Thủ đô (sửa đổi)
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động