Thứ sáu 22/11/2024 02:23

Phát triển hạ tầng giao thông: Bệ phóng cho Hà Nội ngày càng bay cao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, sau nhiều năm nỗ lực, đặc biệt từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Hà Nội đã đổi thay mạnh mẽ nhờ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xứng đáng là hạt nhân trung tâm của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước. Ảnh: T. Nam
Hà Nội đã đổi thay mạnh mẽ nhờ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xứng đáng là hạt nhân trung tâm của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước. Ảnh: T. Nam

Phát triển hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả rõ rệt

Theo số liệu của Sở GTVT Hà Nội, hàng năm, TP Hà Nội dành 50% nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, cơ chế chính sách đầu tư cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Kết nối giữa Hà Nội cũ và khu vực mở rộng, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực còn khó khăn hiện nay đã được cải thiện toàn bộ và tương đối phát triển.

Cùng với đó, Hà Nội đều có chương trình phát triển riêng cho giao thông đô thị, các danh mục theo từng nhiệm kỳ, giai đoạn đầu tư càng ngày càng có chất lượng. Đặc biệt, nhiệm kỳ này, Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ rất cao của Chính phủ, chủ động đề xuất, phối hợp cùng các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - tuyến đường liên vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với phát triển kinh tế - xã hội mà còn với an ninh quốc phòng của Vùng Thủ đô.

Trước đây, khu vực phía Bắc sông Hồng tương đối chậm phát triển. Đến nay, với một loạt công trình cầu như: cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Nhật Tân… đã thúc đẩy phát triển một loạt các khu đô thị mới bên bờ Bắc sông Hồng.

Bên cạnh đó, khu vực phía Tây, dọc theo trục Láng - Hòa Lạc cũng phát triển nhiều khu đô thị, đời sống người dân nâng cao rõ rệt. Các huyện phía Tây Thủ đô đã cơ bản hoàn thành nông thôn mới với một trong những tiêu chí bắt buộc là đạt chỉ tiêu về giao thông.

Một số tuyến giao thông khung trước đây còn nhỏ hẹp, hạn chế đã có sự thay đổi rõ rệt như: đường Láng - Hóa Lạc đã đạt quy mô cao tốc; Quốc lộ 32 hướng tâm, Quốc lộ 6 cũng đang có một dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng trị giá hàng nghìn tỷ đồng; hơn 50 cầu yếu vượt sông đã được cải tạo phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia giao thông, từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội đã có một không gian phát triển rất lớn, mạng lưới giao thông vận tải thay đổi rất rõ nét. Về chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông đã đạt 12%, tăng hơn 5% so với năm 2008.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều nội dung liên quan đến phát triển Thủ đô Hà Nội đã được đặt ra với những định hướng mới. Trong đó, phải kể đến các Nghị Quyết quan trọng của Bộ Chính trị liên quan trực tiếp, gián tiếp đến không gian phát triển đô thị của TP.

Theo Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành, các định hướng đối với Hà Nội đã được đặt trong mối quan hệ liên kết vùng, hướng tới mục tiêu khẳng định vị thế, vai trò hạt nhân trung tâm, đầu tầu phát triển của cả Vùng Thủ đô cũng như cả nước.

“Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ cũng như Thành ủy, UBND TP Hà Nội trong việc thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm bệ phóng cho Hà Nội ngày càng bay cao” - ông Phan Trường Thành nhấn mạnh.

Hệ thống giao thông ngày càng được đầu tư có chiều sâu

Theo Sở GTVT Hà Nội, đến nay, cả 7/7 tuyến đường cao tốc hướng tâm (111,32km), 8/8 tuyến quốc lộ hướng tâm (244,58km) đã được đầu tư hình thành, đưa vào khai thác sử dụng. 7 tuyến đường vành đai đã và đang được đầu tư (hoàn thành 132,26/285,46km); đặc biệt, Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6 vừa qua. 4 trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư.

Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc gồm: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.

Ngoài ra, hàng loạt dự án giao thông lớn kết nối nội vùng, liên vùng đang được tập trung triển khai như: cải tạo nâng cấp quốc lộ 6; đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3; cải tạo nâng cấp quốc lộ 21; xây dựng tuyến đường trục phía Nam; đường Bái Đính - Ba Sao - Mỹ Đình... 9/18 cầu vượt sông Hồng đã hình thành, 6 cầu đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, sau nhiều năm nỗ lực, đặc biệt từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương sau khi hợp nhất đã được khai thác, sử dụng có hiệu quả, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng của lĩnh vực giao thông vận tải.

“Những thành tựu và kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tại nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Có thể nói, giao thông vận tải đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô” - ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Phi Thường, một ý nghĩa quan trọng khác là giao thông vận tải đã xóa đi khoảng cách địa lý giữa đô thị trung tâm với nông thôn, ngoại thành; giảm thiểu sự khác biệt về chất lượng sống, giúp nhân dân Thủ đô, dù ở bất kỳ địa phương nào cũng được hưởng chính sách, dịch vụ công cộng và có điều kiện phát triển như nhau.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.

TP Hà Nội đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, để đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao vào năm 2024; tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại.

Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng từ 0,25 - 0,3%
Hà Nội ngày càng đẹp và hiện đại nhìn từ trên cao
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động