Phát triển đô thị theo định hướng kết nối giao thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChương trình của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025 dự kiến cuối nhiệm kỳ hoàn thành 14/19 chỉ tiêu. Hiện Ban Chỉ đạo Chương trình đã phân loại 5/19 chỉ tiêu còn khó khăn vướng mắc để chỉ đạo tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên. Ảnh: Khánh Huy |
Còn 5 chỉ tiêu chậm triển khai
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình 03-Ctr/TU chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Hiện có 5 chỉ tiêu còn chậm triển khai thực hiện như: Đầu tư xây dựng chợ; hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xử lý nước thải đô thị. Hướng tới mục tiêu phát triển giao thông bền vững, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của TP Hà Nội là: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm thiểu thời gian di chuyển; tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; cải thiện sự thoải mái và an toàn trong vận tải hành khách công cộng; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa; áp dụng các công nghệ mới...
Để đạt được mục tiêu đó, giải pháp phát triển giao thông đô thị của TP Hà Nội giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 sẽ tập trung vào các giải pháp như: Phát triển giao thông đường sắt đô thị; thực hiện các chương trình tái thiết đô thị và phát triển các khu công nghiệp; phát triển đô thị theo định hướng kết nối giao thông (TOD); Hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, các đường vành đai và đường xuyên tâm; Tăng công suất của sân bay Nội Bài và hình thành sân bay thứ hai phía Nam hoặc Đông Nam Hà Nội; Loại bỏ các nút thắt cổ chai cục bộ trên mạng lưới đường bộ; Áp dụng các phương pháp tiếp cận mới trong thiết kế các đầu mối giao thông; Mở rộng việc sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông “đoạn cuối”; Khuyến khích sử dụng xe điện, sử dụng năng lượng xanh...
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, chính sách: “Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô” không chỉ cần đặc thù với nội đô lịch sử mà cần cho cả các đô thị khác hiện hữu ở Hà Nội, nên cần bổ sung về nội dung xây dựng mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đối với chính sách “Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đây là chính sách quan trọng liên quan đến quản lý dân số, kết cầu hạ tầng và cấu trúc mô hình Hà Nội. Do đó, Hà Nội cần rà soát lại dự thảo để đảm bảo vai trò của Thủ đô với vùng và cả nước, không chỉ nên giới hạn “vùng Thủ đô”.
Nhiều thách thức đặt ra trong phát triển giao thông xanh
Tại Hà Nội những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2022, việc phát triển giao thông xanh được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra đối với ngành giao thông vận tải Thủ đô trong quá trình phát triển giao thông xanh. Giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường.
Việc người dân sử dụng xe đạp, xe máy điện, ô tô điện, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, tàu điện… chính là tham gia giao thông xanh. TP đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong giai đoạn 2025-2030, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh.
Năm 2022, số lượng phương tiện giao thông tại Hà Nội tiếp tục giữ mức tăng 4-5%/năm, với tổng số hơn 7,78 triệu phương tiện giao thông trên địa bàn TP. Trong đó có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác tham gia giao thông tại Hà Nội. Đi kèm với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí từ khi thải phương tiện cũng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tới môi trường, sức khỏe của người dân Thủ đô. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, từ năm 2008 đến nay, TP Hà Nội liên tục nằm trong trong nhóm 500 TP có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới.
Trước thực trạng này, trong năm 2022, TP Hà Nội đã có những đổi mới trong việc phát triển giao thông xanh. Đầu tiên là việc đưa vào vận hành các tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh, bao gồm xe buýt điện của Vinbus, và xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí nén CNG của Cty Bảo Yến đã tạo sự đột phá trong việc thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Cùng với đó là việc triển khai thí điểm dự án xe đạp đô thị phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan đã cho thấy sự liên kết trong mạng lưới giao thông công cộng, tạo nên môi trường giao thông văn minh, tiện lợi với chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít rào cản trong việc thực hiện lộ trình chuyển đổi giao thông xanh mà Hà Nội đã đặt ra trong đề án tăng cường quản lý quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội. Một trong số đó phải kể đến việc phát triển hạ tầng phục vụ cho hệ thống xe buýt điện dự kiến của TP.
Cùng với đó, TP Hà Nội rất cần những chính sách có tính sáng tạo, đổi mới trong việc vận hành, triển khai các mô hình giao thông xanh, tạo sự thuyết phục để người dân chủ động chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng nói chung và phương tiện giao thông xanh nói riêng. Xu thế phát triển phương tiện công cộng thì cần số lượng xe buýt khá lớn nhưng tuy nhiên, nguồn cung cấp xe buýt điện còn đang hạn chế. Trong nước chỉ có một nhà cung cấp là Vinfast, hiện chưa tiếp cận được nhiều với những nguồn cung cấp khác để có sự cạnh tranh và có lựa chọn hấp dẫn hơn về giá để đơn vị lựa chọn.
Thứ hai là hành lang pháp lý cũng chưa có quy chuẩn quốc gia về xe buýt điện, đơn giá định mức, định hướng trong công tác quản lý sau này thì chúng ta vẫn đang trong quá trình xây dựng cũng chưa được hình thành. Thứ ba là đặc điểm kĩ thuật vốn có của xe điện. Xe điện hiện nay thì thông số các xe đang sử dụng chỉ chạy 220 - 230 km/lần sạc, nó hạn chế năng suất khai thác phương tiện. Những tuyến có năng suất khai thác phương tiện khoảng tầm 300 - 400 km/ngày thì rõ ràng phải có bố trị phương tiện hợp lý hoặc bố trí hạ tầng sạc hợp lý, để giữa ca đầu ngày cuối ngày chúng ta có lượng điện cho hoạt động.
Bên cạnh đó, chúng ta đang vướng về giá. Hiện giá phương tiện khá là cao. Để cho các đơn vị tiếp cận giá này cũng là một thách thức. Rõ ràng cần những chính sách phù hợp để có hỗ trợ tạo điều kiện hơn nữa. Bởi giá thành chính là rào cản đầu tiên với các DN để mua sắm các phương tiện này.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại