Thứ sáu 06/09/2024 11:15
Hòa Bình

Phát hiện hai ca nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang điều trị hai ca bệnh Whitmore (còn gọi là nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người") trong tình trạng nguy kịch. Cả hai bệnh nhân đều nhập viện với các triệu chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, viêm-tràn dịch màng phổi và áp xe ở gan và mô mềm.
Phát hiện hai ca nhiễm
Bệnh nhân T đang trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, lọc máu. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân đầu tiên là ông Hà Ngọc T (43 tuổi) từ Đà Bắc, Hòa Bình. Ông T làm công nhân tại một tỉnh phía Nam hơn 10 năm, chuyên giao hàng đông lạnh. Hơn một tháng trước, ông T sốt cao liên tục và điều trị không khỏi, gia đình đưa ông về quê. Ngay khi về đến Hòa Bình, ông T nhập viện trong tình trạng sốt cao, rét run, suy hô hấp và sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.

Bệnh nhân nhanh chóng được thở máy, lọc máu liên tục, dùng thuốc vận mạch và sử dụng kháng sinh phổ rộng, trong đó có kháng sinh đặc trị bệnh Whitmore. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị viêm-tràn dịch màng phổi 2 bên, áp xe gan, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gây bệnh Whitmore (Burkholderia pseudomalle)- trước đây vẫn thường gọi là vi khuẩn ăn thịt người. Hiện tại bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch, đang được điều trị, chăm sóc tích cực và hội chẩn nhiều chuyên khoa.

Bệnh nhân thứ hai là bà Bùi Thị C (59 tuổi) từ Lạc Sơn, Hòa Bình, có tiền sử đái tháo đường. Bà C nhập viện sau một tuần xuất hiện triệu chứng sốt cao, sưng đau vùng cổ tay phải, ho và khó thở. Khi nhập viện, bà cũng trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải hỗ trợ thở máy không xâm nhập, sốt cao liên tục, rét run, thể trạng nhiễm trùng-nhiễm độc, ho nhiều đờm, có ổ áp xe vùng cổ tay bên phải, chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh đám mờ đông đặc và tràn dịch màng phổi 2 bên.

Phát hiện hai ca nhiễm
Ở áp xe ở tay và kết quả cấy máu của bệnh nhân C. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân nhanh chóng được cấy máu, nội soi phế quản bơm rửa phổi lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm máu và dịch phế quản cho thấy bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore (Burkholderia pseudomalle).

May mắn, sau hơn một tuần điều trị tích cực, tình trạng của bà C đã cải thiện đáng kể và dự kiến sẽ xuất viện trong tuần tới. Tuy nhiên, bệnh nhân tiếp tục phải điều trị bằng thuốc tại nhà từ 3 - 6 tháng.

Bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra, thường sống trong đất và nước bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua các vết thương ở da hoặc niêm mạc. Bệnh phổ biến ở khu vực Đông Nam Á và đang gia tăng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Đáng lo ngại, bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao ở những trường hợp nặng.

TS.BS Hoàng Công Tình - Khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính có nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore. Hiện tại, chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore. Việc điều trị đòi hỏi sử dụng kháng sinh đặc hiệu và kéo dài từ 3 đến 6 tháng để ngăn ngừa tái phát.

Để phòng ngừa bệnh, BS Hoàng Công Tình khuyến cáo người dân nên trang bị các dụng cụ bảo hộ cá nhân như ủng và găng tay không thấm nước khi tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị nhiễm bẩn. Khi có vết thương, cần rửa sạch ngay bằng nước sạch và xà phòng, đồng thời đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc.

Nam thanh niên gãy xương cánh tay khi chơi vật tay
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động