Phân luồng, phân tuyến, hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng do Adenovirus
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Số trường hợp bệnh nhi mắc Adenovirus đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: BV Nhi TW |
Không xét nghiệm tràn lan virus Adeno ở trẻ em khi không cần thiết
Ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay. Tuần từ 12-18/9 chỉ ghi nhận 168 ca. Tuần qua (26/9-2/10) ghi nhận gần 1.150 ca. Chỉ trong 3 tuần, viện này ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1-3 tuổi.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi TW cho biết: “Đến sáng 3/10, Bệnh viện Nhi Trung ương còn khoảng 300 ca mắc virus Adeno đang điều trị. Hiện có hơn 40 ca nặng, nguy kịch; trong đó có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi ngoài lồng ngực); 2 ca lọc máu, 35 ca thở oxy”.
So với các năm trước, số bệnh nhân mắc không chỉ gia tăng mà kèm theo đó là tỷ lệ nhập viện cao, trên 50% số ca phát hiện.
"Bệnh nhi nhiễm virus Adeno có triệu chứng sốt cao liên tục từ 3-4 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp", PGS Điển thông tin thêm.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh do Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu, không phải là bệnh mới nổi. Tuy nhiên virus này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ,…. và có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các chất khử khuẩn bề mặt cao so với các loại virus khác như SARS-CoV-2. Cho nên, vấn đề sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.
Còn theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, việc phân luồng phải từ khu vực phòng khám, khi chẩn đoán khẳng định trẻ mắc viurs Adeno phải có buồng điều trị riêng.
Cục quản lý Khám chữa bệnh cùng Hội đồng chuyên môn sẽ xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Adenovirus cho trẻ em, trong đó sẽ có tiêu chuẩn nhập viện và những hướng dẫn về xét nghiệm để tránh xét nghiệm không cần thiết.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, PGS.TS Trần Minh Điển cũng cho rằng cần thống nhất quan điểm cá thể hoá từng bệnh nhân, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, lãng phí, đồng thời đề xuất cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ việc xét nghiệm.
Các biện pháp để phòng tránh bệnh do Adeno virus
Theo Bs. Phạm Thị Kiều Loan, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm – CDC Hà Nội, hiện nay, bệnh do Adenovirus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc xin phòng bệnh hiệu quả, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu, cụ thể như sau:
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, không sử dụng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân với người khác.Vệ sinh mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý.
Đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.
Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các loại vắc xin phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác có trên thị trường để chủ động tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng giúp phòng ngừa bệnh. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh, hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 2 tuổi; có chế độ ăn dặm hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng.
Khi có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm vi rút, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại