Thứ hai 25/11/2024 11:03

Đã có hơn 1.400 trẻ nhiễm virus Adeno, 7 trẻ tử vong

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adenovirus dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cao. Tổng số ca nhiễm Adenovirus ghi nhận trong toàn bệnh viện từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh. Trong số các ca bệnh có 811 trường hợp điều trị nội trú (chiếm gần 58%) và có 7 ca tử vong.
Đã có 7 trẻ nhiễm virus Adeno tử vong
Trẻ nhiễm virus Adeno điều trị tại BV Nhi Trung ương (ảnh: BVCC)

58% trẻ nhiễm Adeno phải điều trị nội trú

Theo thông tin từ BV Nhi Trung ương, chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 21/9 tổng số ca bệnh Adenovirus phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú. Tính từ đầu năm 2022 đến nay đã có tổng số 1.406 trẻ nhiễm virus Adeno và có 58% trong số đó phải điều trị nội trú, 7 trẻ tử vong.

PGS-TS. Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô Hấp-BV Nhi Trung ương cho biết: Adenovirus chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hoá (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não màng não,…

Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân – Hè hoặc Thu – Đông.

Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.

Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Để phòng bệnh do virus Adeno cho trẻ cần cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi.

Chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng; Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý.

Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.

Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh; Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

“Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”, PGS-TS. Lê Thị Hồng Hanh khuyến cáo.

Tiêu chuẩn cho trẻ nhập viện

Trước diễn biến các ca mắc Adenovirus tại BV Nhi Trung ương đang có xu hướng tăng cao, BV đã nhanh chóng ban hành các tài liệu, văn bản hướng dẫn về quản lý, phân luồng tiếp nhận, cách ly điều trị và dự phòng lây nhiễm Adenovirus trong bệnh viện như: Quy trình sàng lọc, tiếp nhận và cách ly điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus; Tổ chức phòng cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Adenovirus.

BV đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng. Đồng thời, các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh.

Cùng đó, BV xây dựng tiêu chuẩn nhập viện và chuyển tuyến dưới đối với người bệnh Adenovirus tại các khoa lâm sàng với Tiêu chuẩn nhập viện điều trị trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus kèm theo một trong các tiêu chuẩn sau: Khó thở (thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản); Suy hô hấp hoặc giảm oxy máu (tím, SpO 2 < 94%); Có dấu hiệu toàn thân nặng (nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng); Bệnh nền nặng (bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…); Tổn thương trên X-quang phổi (tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi, abces phổi...).

Tiêu chuẩn chuyển tuyến dưới điều trị trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus điều trị ổn định kèm theo các tiêu chuẩn: Không suy hô hấp: SpO2 từ 94% trở lên, không tím; Giảm khó thở; Hết sốt; Ăn được bằng đường miệng; Các rối loạn nặng đã được kiểm soát.

Cập nhật phác đồ điều trị Adenovirus mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị.

Dựa trên việc tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và các kết quả điều trị thực tế, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động xây dựng và cập nhật phác đồ điều trị theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh, giúp mang lại hiệu quả cao và rút ngắn thời gian điều trị cho trẻ.

Đồng thời, thông báo và cập nhật đầy đủ, nhanh chóng tình hình đến Bộ Y tế; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Y tế dự phòng về tình hình trẻ nhiễm Adenovirus tăng nhanh; Sở Y tế Hà Nội để tăng cường khả năng thu dung người bệnh tại các cơ sở Nhi khoa.

BV tổ chức tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Adenovirus cho các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời phối hợp phân loại, chuyển tuyến dưới điều trị những trường hợp bệnh nhi đủ điều kiện.

Hà Nội: Tăng bất thường trẻ mắc bệnh đường hô hấp, bác sỹ quá tải Hà Nội: Tăng bất thường trẻ mắc bệnh đường hô hấp, bác sỹ quá tải
Thiếu niên tràn dịch màng phổi, tinh hoàn do sốt xuất huyết Thiếu niên tràn dịch màng phổi, tinh hoàn do sốt xuất huyết
Gia tăng đột biến trẻ nhập viện do mắc Adenovirus có thể gây biến chứng nguy hiểm Gia tăng đột biến trẻ nhập viện do mắc Adenovirus có thể gây biến chứng nguy hiểm
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động