Thứ sáu 22/11/2024 13:40

Nữ trưởng thôn hòa giải thành nhiều vụ việc phức tạp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chị Lưu Thị Phương, Trưởng thôn Kiều Mộc, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì không chỉ làm tốt công tác xã hội mà còn là người hòa giải viên giỏi, hóa giải nhiều mâu thuẫn trong thôn, giúp gắn kết tình làng nghĩa xóm, được chính quyền ghi nhận và người dân trong thôn nể trọng.
Chị Lưu Thị Phương, Trưởng thôn Kiều Mộc, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì làm tốt công tác hòa giải
Chị Lưu Thị Phương, Trưởng thôn Kiều Mộc, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì làm tốt công tác hòa giải

Người làm hòa giải phải thấu đáo mọi việc

Chị Phương cho biết, thôn Kiều Mộc có hơn 400 hộ dân với 1.700 nhân khẩu, cuộc sống nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Người dân ở Kiều Mộc hiền lành, chất phác và chăm chỉ làm ăn. Tuy nhiên, cũng như bao làng quê, phố thị khác, việc mâu thuẫn, tranh chấp giữa hàng xóm, giữa anh em họ hàng và mâu thuẫn tình cảm vợ chồng trong gia đình là điều không thể tránh khỏi.

Để đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn xóm làng bình yên và ngày càng phát triển, chị Phương luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức trong công tác hòa giải. Nhờ đó mà nhiều vụ việc mâu thuẫn phức tạp đều được chị hòa giải thành công và được người dân Kiều Mộc tin yêu, dành cho chị một tình cảm đặc biệt.

Chị Phương chia sẻ, để làm tốt công tác hòa giải và hòa giải thành là cả một quá trình mà người làm hòa giải luôn phải thấu đáo mọi việc, lời nói và hành động phải có uy tín đối với người dân thì mới đạt hiệu quả cao. Để hòa giải thành công, người làm công tác hòa giải phải có những kỹ năng như: Phải am hiểu pháp luật, nhất là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật liên quan đến thừa kế. Đồng thời, phải gần gũi với Nhân dân và phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

“Điều quan trọng nữa là, mỗi người trình độ hiểu biết khác nhau, nhìn nhận cũng khác nhau. Chính vì vậy mà mỗi vụ việc mình đều phải có những cách hòa giải khác nhau, không được chủ quan, không thể áp dụng từ vụ việc này tới vụ việc khác. Quá trình hòa giải, người hòa giải viên phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc, nhiều vụ việc phức tạp thì phải hòa giải từng phần, phần nào cần làm trước thì làm trước, phần nào cần làm sau thì làm sau”, chị Phương nhấn mạnh.

Nhiều vụ việc phức tạp được hòa giải thành

Từ suy nghĩ đến hành động, nhiều năm qua, nhiều vụ việc đã được chị Phương hòa giải thành công, đem lại cuộc sống bình yên, hòa thuận cho nhiều gia đình trong thôn. Trong đó, phải kể đến mâu thuẫn giữa gia đình ông N và gia đình ông T. Nhà ông N chăn nuôi nhưng lại không áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường ảnh hưởng đến gia đình ông T.

Sau khi có ý kiến của gia đình ông T, chị Phương đã xuống trực tiếp gặp gỡ hai gia đình, tìm hiểu và thấy đúng là việc chăn nuôi của gia đình ông N đã ảnh hưởng đến gia đình ông T. Chị Phương đã khuyên ông N nên tách việc chăn nuôi xa khu dân cư, phải xử lý tốt việc chăn nuôi, nhất là phân, nước thải, nếu quá tải thì ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và mọi người...

Từ những lời phân tích, chia sẻ của chị Phương, ông N hiểu ra được việc làm của mình không chỉ ảnh hưởng hàng xóm mà ảnh hưởng đến chính sức khỏe của gia đình mình và môi trường xung quanh. Sau đó, ông N đã quyết định chăn nuôi xa khu dân cư, khu vực trang trại của gia đình ngoài đồng đã được quy hoạch chung và từ đó hai gia đình không có mâu thuẫn xảy ra. Gia đình ông N chuyên tâm tăng gia sản xuất.

Một vụ việc rất phức tạp khác mà chị Phương đã hòa giải thành, đó là việc mâu thuẫn trong gia đình. Do gia đình ông A làm ăn thất bát nên phải bán đất, người em đã chuộc lại nhưng vẫn cho người anh ở trên mảnh đất đó. Sau một thời gian chăm chỉ làm ăn, gia đình ông A khấm khá lên. Lúc này, người em muốn bán đất để làm nhà cho anh nhưng người anh là ông A lại muốn tự mình bán đất và làm nhà.

Tuy nhiên, người em không đồng ý, bởi sợ là gia đình anh không thực hiện đúng lời hứa. Hai bên không tháo gỡ được khúc mắc nên mâu thuẫn kéo dài. Sau khi nắm bắt tình hình như vậy, chị Phương đã gặp gỡ và khuyên ông A nên làm theo lời người em. Bởi thực ra miếng đất đó hiện thuộc quyền sở hữu của người em. Tuy nhiên, người em không có ý chiếm đoạt mà chỉ bán phần nhỏ để lấy tiền xây nhà.

Chị Phương cũng chia sẻ với ông A rằng, không có gì quý bằng tình cảm anh em ruột thịt, gia đình là điều quan trọng nhất. Lúc ông A khó khăn thì em của ông là người đứng ra chuộc lại đất và giúp đỡ nhà ông A có được ngày hôm nay. Ông A nên quý trọng và thấu hiểu hơn về người em của mình… Trước những lời đủ lý, đủ tình của chị Phương, ông A đã xuôi lòng và làm theo ý của người em. Từ đó, 2 gia đình hòa thuận, anh em ông A nối lại tình cảm như xưa.

Vụ việc nữa rất tế nhị liên quan đến nhu cầu sinh lý của người chồng, trong khi đó người vợ lại không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy mà 2 vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Trước tình hình đó, chị Phương đã lựa chọn thời điểm thích hợp, gặp gỡ, sẻ chia để người chồng hiểu vợ của mình hơn, quan tâm đến đời sống sinh lý, tình cảm, sẻ chia công việc cùng vợ. Nhờ những phân tích của chị Phương, 2 vợ chồng hiểu nhau hơn và gia đình đã yên ấm.

Quá trình làm đường giao thông ở Kiều Mộc, chị Phương cũng đã vận động thành công các hộ dân di dời các ngôi mộ trong thôn đến khu nghĩa trang. Còn rất nhiều vụ việc mà chị Phương đã hòa giải thành công ở thôn Kiều Mộc, góp phần xây dựng thôn xóm bình yên.
Người dân hiểu về Luật Đất đai nhiều hơn sau khi được hòa giải
Bí quyết hòa giải thành công là kết nối được đa chiều
Tổ trưởng tổ hòa giải nhiệt tình kết hợp dân vận khéo
Quận Ba Đình: Công tác hòa giải đã xử lý sớm, dứt điểm các mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở
Vai trò của công tác hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động