Thứ ba 03/09/2024 10:08
Người Hà Nội thượng tôn pháp luật

Kỳ 3: Hòa giải ở cơ sở là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với phương châm giải quyết “thấu tình, đạt lý”, công tác hòa giải ở cơ sở tại Hà Nội là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Kỳ 3: Hòa giải ở cơ sở là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực
Ảnh 1: Cảnh trong 1 tiểu phẩm của đội thi Hà Nội trong hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, khu vực miền Bắc. Ảnh: Khánh Huy

Nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân qua từng câu chuyện

Hơn 20 năm làm công tác hòa giải, bà Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1960), tổ hòa giải tổ dân phố số 1, Miêu Nha, phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, cái quan trọng nhất của công tác hoà giải, có lẽ là cách vận dụng cái tình để khiến cái lý thêm “có lý” hơn. Qua những câu chuyện, mâu thuẫn cụ thể, người dân sẽ nhận thức sâu sắc hơn về pháp luật.

“Những tư duy cũ không còn phù hợp, nhiều khi người ta hồn nhiên vi phạm như quan niệm về việc “dạy vợ”, “dạy con” bằng bạo lực, hoặc việc cho rằng con phải theo cha… nên tranh chấp con cái trong các mâu thuẫn hôn nhân. Hoặc người ta cho rằng, đất nhà mình mình xây thế nào thì xây, chẳng cần quan tâm đến các quy định trong xây dựng… Trong những sự vụ như thế này, hoà giải viên là những người gần nhất, dễ trò chuyện, phân tích để người ta vừa biết tình, vừa hiểu rõ hơn về các quy định về luật pháp…” – bà Nguyễn Thị Nguyệt quan điểm.

Tây Mỗ vốn là một mảnh đất ven đê, người dân sống và gắn bó với nhau bằng tình nghĩa làng xóm, láng giềng sớm tối lửa tắt đèn có nhau, nên những câu chuyện mâu thuẫn cần hòa giải không quá phức tạp. Bà Nguyễn Thị Nguyệt kể, có chăng là chỉ là từ khi huyện trở thành quận, làng quê bỗng mang tên phố cùng với những thay đổi, phát triển hạ tầng, cùng với sự biến động về dân số mới có thêm những mâu thuẫn phức tạp… Ấy thế nhưng có lẽ bởi đã quen với nếp sống tình nghĩa xa xưa, những cuộc hòa giải của hoà giải viên vẫn cứ nặng chữ tình hơn chữ lý.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, trong công tác hòa giải, đôi khi không phải chỉ là chuyện của người khác, mà đó chính là những mâu thuẫn nội tại của chính gia đình mình, giữa gia đình mình và hàng xóm vốn tối lửa tắt đèn có nhau.

Vậy nên một sự việc, ngoài việc tìm hiểu căn nguyên của nó, còn là chuyện hòa giài viên phải tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức về pháp luật. Ngoài việc tự trang bị cho mình, còn là kiến thức để phân tích, lý lẽ cho người khác. “Mình làm công tác hoà giải, từ những câu chuyện giải quyết hàng ngày, chính những người trong gia đình mình cũng được “thơm” bởi qua đó tự nhận thức được kiến thức pháp luật mà không cần phải giảng dạy, giáo điều”.

Còn với ông Nguyễn Mạnh Hải (sinh năm 1957), tổ dân phố số 6 phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội), cái để tránh cho người dân mâu thuẫn, tranh chấp là mỗi người phải tự nhìn nhận và sống thượng tôn pháp luật.

Theo ông, các vụ việc mâu thuẫn lớn nhỏ, ngoài sự ích kỷ của cá nhân, nó còn là hạn chế về nhận thức pháp luật. Chính vậy, hoà giải viên là “cánh tay nối dài” của các cấp chính quyền về công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Thông qua những câu chuyện, dần nâng cao cho người dân nhận thức về pháp luật để mỗi người dân khi hành xử đều có 1 thước đo, như thế sẽ giảm thiểu được những va chạm không cần thiết.

Ông Lê Quang Nhuận, tổ phó tổ dân phố Z179, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội cùng thừa nhận hoà giải viên góp phần phổ biến pháp luật cho người dân.

Và cũng theo ông, công tác hòa giải không phải lúc nào cũng theo luật này, luật kia mà người hòa giải tại địa phương phải linh hoạt các thông tin cũng như cách khuyên bảo.

Trong công việc của mình, ông cùng các thành viên tổ hòa giải luôn vận dụng, kết hợp nhiều cách khác nhau, từ khuyên bảo, giải thích, phân tích về mặt tình cảm hàng xóm, láng giềng rồi về mặt pháp luật. Nhiều khi ông phải nêu ra nếu xảy ra mâu thuẫn to, dẫn tới vi phạm pháp luật thì sẽ bị khởi tố về tội danh gì và mức hình phạt ra sao...

Theo ông Lê Quang Nhuận, cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian, công sức, nhưng bù lại đó là niềm vui sau mỗi lần hòa giải thành công được các mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu và quý mến của bà con trong tổ dân phố đối với ông nói riêng và thành viên tổ hòa giải nói chung. Công việc “vác tù và hàng tổng” đôi khi thấy mệt mỏi nhưng lại rất vui khi thấy mọi người, từ già đến trẻ đều nhất trí và đồng lòng. Cứ nhìn vào những thành quả đó là tổ hòa giải đã khoẻ cả tinh thần.

Hòa giải ở cơ sở là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực

Kỳ 3: Hòa giải ở cơ sở là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực
Đội thi của Hà Nội giành giải Nhì trong hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, khu vực miền Bắc. Ảnh: Khánh Huy

Theo ông Đỗ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội), công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò quan trọng trong hoạt động truyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở xã. Các tổ hòa giải đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền pháp luật tới các hộ dân, cá nhân trên địa bàn xã qua đó góp phần làm ổn định tình hình, giảm đơn thư khiếu kiện, qua đó giữ được tình cảm đoàn kết trong gia đình, thôn, xóm.

Ngoài ra các tổ hòa giải cũng tích cực cùng UBND xã tổ chức những vụ việc hòa giải phức tạp tranh chấp về thừa kế, đất đai theo quy định của Luật đất đai. Đây cũng là những vụ việc dễ xảy ra nhất. Năm 2023, trong lĩnh vực này, địa phương đã hoà giải được hầu hết các tranh chấp, 02 vụ hướng dẫn công dân liên hệ Tòa án Nhân dân giải quyết theo quy định.

Thế mới thấy, công tác hoà giải được người Hà Nội vận dụng nhuần nhuyễn như thế nào. Bởi lẽ, những mâu thuẫn, tranh chấp từ nhỏ nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để thì “chuyện bé xé ra to”, từ tranh chấp thuần tuý dân sự có thể bùng phát nghiêm trọng thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ Nhân dân.

Xuất phát từ truyền thống văn hóa của dân tộc, cọi trọng tình cảm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái nên hòa giải ở cơ sở được hình thành từ rất sớm, là phương thức giải quyết mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp ở cộng đồng dân cư được củng cố và phát triển từ thời kỳ phong kiến đến ngày nay.

Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể nói đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Bởi hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Do đó, hòa giải ở cơ sở là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vì lẽ đó hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư; hướng tới xây dựng một xã hội đồng thuận, đoàn kết, cùng thực hiện những nhiệm vụ cách mạng do Đảng và Nhà nước đề ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm. Với phương châm giải quyết “thấu tình, đạt lý”, hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng “lấy dân làm gốc”.

Còn nữa

Kỳ 1: Sự chung sức của cộng đồng người dân tộc thiểu số trong công cuộc thực thi pháp luật
Bài 2: Đa dạng nội dung, hình thức thực hiện Ngày Pháp luật
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động