Thứ sáu 22/11/2024 10:52
Người Hà Nội với sự thượng tôn pháp luật -giữ gìn cơ sở đoàn kết

Kỳ 1: Sự chung sức của cộng đồng người dân tộc thiểu số trong công cuộc thực thi pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Có mặt tại bộ phận một cửa ở xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) anh Bùi Xuân Minh (sinh năm 1994, thôn Trán Voi, xã Phú Mãn) không giấu được nét ngại ngùng khi nhìn người con gái đi cùng anh ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn. Thời gian chờ đợi để lấy tờ hôn thú với anh, nó thực sự để lại nhiều cảm xúc.

LTS: Không “đao to búa lớn”, người Hà Nội bao đời nay tuân thủ, tuyên truyền pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cứ nhẹ nhàng, thanh lịch như cốt cách của họ. Thượng tôn pháp luật tồn tại trong cuộc sống của người Hà Nội tự nhiên như vốn có. Những người Hà Nội cứ thế chấp hành pháp luật nghiêm túc, cùng xây dựng đời sống văn hoá, giữ nếp phố, nếp làng đoàn kết. Từ số này chuyên trang điện tử Pháp luật và Xã hội có loạt bài ghi nhận về công tác này ở cơ sở...

Anh Bùi Xuân Minh vui vẻ đến UBND xã Phú Mãn để đăng ký kết hôn. Ảnh: N.D
Anh Bùi Xuân Minh vui vẻ đến UBND xã Phú Mãn để đăng ký kết hôn. Ảnh: N.D

Pháp luật đi vào đời sống như lẽ tự nhiên vốn có

Anh Bùi Xuân Minh kể, anh là người dân tộc Mường, học hết cấp 3 anh đi làm công nhân cho 1 công ty ở trên địa bàn. Tại đây, anh gặp cô gái anh yêu, cũng là người dân tộc Mường nhưng ở xã khác. Sau một thời gian bên nhau, anh đã đưa bạn gái về giới thiệu với gia đình, được sự đồng ý của hai họ, anh chuẩn bị kết hôn.

Anh Bùi Xuân Minh nói, những thủ tục trước khi tổ chức đám cưới như lên xã để đăng ký kết hôn anh đã biết rất rõ qua sự hướng dẫn của bố mẹ, tộc trưởng cũng như tìm hiểu trên nhóm zalo của thôn. Bởi vì đã chuẩn bị sẵn, nên việc đăng ký kết hôn cũng diễn ra thuận lợi, không phải lùi ngày giờ vì thiếu giấy tờ hay chưa chuẩn bị đủ.

“Kết hôn rồi, có nghĩa chúng tôi là vợ chồng hợp pháp, được pháp luật công nhận. Việc tổ chức tiệc là để mời bà con họ hàng, làng xóm láng giềng đến chung vui, cũng như thực hiện nghi thức cúng tế gia tiên…” – anh Bùi Xuân Minh vui vẻ.

Chia sẻ về tiệc cưới, anh Bùi Xuân Minh cho biết, việc có rượu trong tiệc cưới là chuyện không thể không có. “Nó là nét văn hóa, cũng là tập tục không chỉ riêng của dân tộc Mường chúng tôi. Tuy nhiên khi đi tham dự, gia đình nào đi 2 người sẽ có một người không uống rượu để sau khi tan tiệc, người không uống sẽ đi xe chở người kia về. Còn nếu đi một mình, thường sẽ gọi xe đến để đưa về. Còn nếu không được nữa thì ở lại luôn nhà đám, khi nào hết rượu thì về.” – anh Bùi Xuân Minh nói.

Ngoài việc không uống rượu khi tham gia giao thông, anh còn cho biết, thế hệ các anh cũng đã hiểu rất rõ về bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, cũng như việc phân biệt con trai, con gái là điều không tốt.

Cũng vui vẻ tiếp phóng viên tại Cây đa Bác Hồ, ông Bùi Văn Vững (sinh năm 1961, trú tại thôn 9, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, ở thôn ông, tổ hoà giải hoạt động tốt lắm.

Nếu như trước đây cái việc giải quyết những mâu thuẫn giữa các thành viên trong dòng tộc sẽ “đến tay” các tộc trưởng, già làng thì đến nay, công việc ấy không chỉ do người trong họ “ra tay” dàn xếp nữa.

“Các thành viên trong tổ hoà giải sẽ đến và hoà giải những mâu thuẫn, khúc mắc cho bà con lối xóm. Không giống như việc già làng, trưởng bản trưởng tộc giải quyết việc mâu thuẫn giữa các thành viên trong dòng tộc, tổ hoà giải sẽ hoá giải hết những mâu thuẫn cho tất cả những người trong cùng thôn tổ…” – ông Bùi Văn Vững cho biết.

Cũng theo ông, do thực hiện nghiêm chỉnh nề nếp với tinh thần thượng tôn pháp luật, nhiều năm gần đây, ở thôn, tổ ông không xảy ra những việc liên quan đến pháp luật như trộm cắp, đánh cãi chửi nhau. “Mọi người chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, chú trọng đến mọi mặt đời sống tinh thần mà thôi…” – ông Bùi Văn Vững khẳng định.

Giấy Đăng ký kết hôn được cấp nhanh chóng cho cặp vợ chồng trẻ. Ảnh: N.D
Giấy Đăng ký kết hôn được cấp nhanh chóng cho cặp vợ chồng trẻ. Ảnh: N.D

Sự chung sức của cộng đồng

Chuyện vui về việc thực thi pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn xã, anh Vũ Mạnh Cường, cán bộ Tư pháp xã Ba Trại cho biết, với bà con người dân tộc cũng có nhiều cái đặc thù.

“Hầu hết người dân đã sống theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, cũng như mặt trái của thời buổi công nghệ, cũng có nhiều những vụ việc phát sinh mà buộc cán bộ Tư pháp chúng tôi phải giải quyết. Lúc ấy, sự chung sức của bà con góp phần rất lớn để sự việc diễn ra êm đẹp” – anh Vũ Mạnh Cường nói.

Anh cũng cho biết, với bà con dân tộc có cái thuận lợi vì người ta sống ngoài cộng đồng làng xã, họ còn gắn kết rất chặt chẽ với cộng đồng dòng tộc. Vậy nên, tận dụng mối quan hệ dòng tộc để giáo dục, phổ biến pháp luật với đồng bào rất thuận lợi.

Hiện trên địa bàn xã Ba Trại có 5 dòng họ lớn là họ Đinh, Bạch, Quách, Hoàng và họ Bùi, các dòng họ này cư trú trên địa bàn xã rất lâu đời. Người dân ở các dòng họ này có truyền thống lắng nghe người uy tín trong họ hoặc trưởng họ nên xã Ba Trại đã mời những người có uy tín, trưởng họ vào danh sách những người có uy tín. Từ đó, từng bước tập huấn về kiến thức pháp luật, nâng cao về trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, công tác hòa giải, tuyên truyền vận động. Khi có vấn đề phát sinh ở địa bàn sẽ nhờ những người này phối hợp với chính quyền địa phương để từng bước giải quyết vấn đề tồn đọng, vướng mắc.

Còn anh Bùi Mạnh Cường – cán bộ Tư pháp xã Phú Mãn (Quốc Oai) cho biết: “Người dân tộc bây giờ khi lên xã làm những thủ tục về tư pháp hầu như không cần hướng dẫn. Việc thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến bà con cũng nắm rõ. Đồng thời các quy định cơ bản về Luật Hôn nhân gia đình hay Pháp lệnh Dân số họ cũng nắm được và tuân thủ một cách nghiêm túc.”

Xã Phú Mãn là xã miền núi, thuần nông nằm ở phía Tây huyện Quốc Oai. Với dân số 2.338 nhân khẩu/638 hộ, trong đó dân tộc Mường chiếm 87,6% còn lại là các dân tộc Kinh, Tày, Thái, Dao, Cao Lan. Bởi người dân tộc thiểu số chiếm đa số, nên theo anh Cường, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng có những đặc thù.

Anh Bùi Mạnh Cường tâm sự, khác với những cán bộ tư pháp ở các xã, phường 100% là người Kinh, với những người dân tộc, việc phổ biến giáo dục pháp luật thường gặp những khó khăn hơn. Bởi lẽ, do tập quán, tập tục của người dân tộc thiểu số ngày xưa còn tồn tại, cũng như trước khi, do sự khó khăn về địa hình đồi núi cũng như trắc trở về giao thông, nên trình độ nhận thức của người dân có hạn.

Đã làm công tác tư pháp nhiều năm ở xã, hiểu tường tận ngọn nguồn những tập quán cũng như người dân ở đây. “Khó nhất là khi tổ chức những hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, người dân thường có lý do để không có mặt. Những khi như thế, thường chúng tôi sẽ phải đến nhờ cậy các trưởng thôn, trưởng bản để họ động viên người dân đến. Và chuyện biết vận dụng “sức mạnh của cộng đồng”, việc khó hoá dễ” - anh Bùi Mạnh Cường chia sẻ

Cũng theo anh, “người dân ở đây chất phác, nên khi họ đã tin tưởng cán bộ rồi, thì câu chuyện đối với họ lại rất dễ. Vậy nên ngoài những hội nghị, những câu chuyện phát trên đài phát thanh, những dịp hội họp, những dịp giỗ Tết, cưới xin… là thời điểm khá thuận lợi để tuyên truyền với người dân về pháp luật. Đặc biệt, nếu khéo lồng ghép, những buổi đó còn có những câu chuyện, tình huống cụ thể để nói với họ”.

(Còn nữa)

Mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động