Thứ sáu 22/11/2024 09:37

Vai trò của công tác hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong 3 năm 2019-2021, trên địa bàn Hà Nội có 387 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần chiếm 37%, bạo lực thân thể chiếm 59,7%. Theo phân tích của các chuyên gia, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau hơn 14 năm thi hành đã có tác động tích cực trong đời sống; nhận thức của xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình được nâng lên. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn
Vai trò của công tác hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình
Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng có rất nhiều phương thức phòng ngừa bạo lực gia đình, trong đó, hòa giải ở cơ sở là một hình thức, một giải pháp phòng ngừa và giải quyết kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội trong thời gian qua đã tham gia giải quyết, lên tiếng trong nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, với vai trò là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm phản biện vào các quy định pháp luật, trong đó có dự thảo Luật.

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ; chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Còn theo báo cáo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021, 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang trong quá trình tiếp thu, sửa đổi và trình các cơ quan thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội trong thời gian tới. Dự thảo được sửa đổi, bổ sung với 6 chương, 62 điều, tăng 6 điều so với luật hiện hành. Việc sửa đổi, bổ sung Luật là rất cần thiết, nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi được soạn thảo dựa trên cách tiếp cận quyền con người, lấy người bị bạo lực là trung tâm, kết hợp kinh nghiệm và khuyến nghị quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực của các thể chế Nhà nước, đồng thời cũng đưa ra những quy định mới về biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng của người có hành vi bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình cũng như sự phối hợp liên ngành của các cơ quan, đoàn thể trong phòng, chống bạo lực gia đình…

Vai trò của công tác hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình
Tập huấn phòng chống bạo lực gia đình tại Ngôi nhà bình yên.

Hiện nay, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang trong quá trình chỉnh lý sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 10/2022.

Cho ý kiến về đề xuất nhằm đảm bảo hiệu quả công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng có rất nhiều phương thức phòng ngừa bạo lực gia đình, trong đó, hòa giải ở cơ sở là một hình thức, một giải pháp phòng ngừa và giải quyết kịp thời, có hiệu quả hành vi bạo lực gia đình. Hàng năm, các tổ hòa giải trong cả nước hòa giải thành bình quân hơn 80% vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải, qua đó tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân.

Để nâng cao chất lượng hòa giải nói chung và hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo các quy định của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có tính khả thi, ông Phan Hồng Nguyên đề nghị rà soát, chỉnh sửa về thẩm quyền cơ quan tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho hòa giải viên của tổ hòa giải ở cơ sở để thống nhất với Luật Hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong phòng, chống bạo lực gia đình cho hòa giải viên; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, sự vào cuộc của luật gia, công an cấp xã trong hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình thuộc phạm vi hòa giải; nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của HĐND các cấp trong phòng, chống bạo lực gia đình (phân bổ kinh phí, giám sát việc thực hiện pháp luật về bạo lực gia đình)…

Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình
Bài 1: Người vợ hơn 20 năm hứng chịu đòn roi của chồng
Bài 2: "Tôi nhận ra rằng dù mình có chiến thắng vợ thì cũng không ai trao thưởng"
Hòa giải ngay từ khi mâu thuẫn mới phát sinh
Sôi nổi đóng góp các giải pháp để công tác hoà giải ở cơ sở thêm hiệu quả
Mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở còn thấp
Quận Ba Đình: Công tác hòa giải đã xử lý sớm, dứt điểm các mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động