Thứ năm 25/04/2024 14:16
Phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới:

Bài 2: "Tôi nhận ra rằng dù mình có chiến thắng vợ thì cũng không ai trao thưởng"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nắm bắt được nguyên nhân gốc rễ của bạo lực gia đình, một chương trình can thiệp, tác động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người gây bạo lực cũng như người bị bạo lực đã được triển khai. Sau gần 3 năm, những người tham gia chương trình đã có những đổi thay đáng mừng.
Bài 2:
Người đàn ông này sau khi tham gia chương trình đã ngộ ra rằng "mình có thắng vợ cũng không ai trao thưởng". Từ đó, anh đã thay đổi hành vi, hiểu và thông cảm với vợ nhiều hơn (ảnh T.A)

Không biết đánh vợ là sai

Ông Lê Xuân Đồng, điều phối viên Dự án Hagar-đơn vị hỗ trợ cho chương trình phòng chống bạo lực gia đình tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (Quỳnh Thắng và Quỳnh Lương); huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (xã Minh An) cho biết: Từ những bất cập trong việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, Hagar đã có những hoạt động để thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương và của người gây bạo lực, cũng như nạn nhân bạo lực. Dự án hướng đến nâng cao năng lực của chính quyền về hỗ trợ bạo lực gia đình. Nhưng mục tiêu cao nhất là hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực được hàn gắng và trở nên độc lập, tự tin trong các quyết định của mình.

Thực tế hiện nay nhiều chương trình nâng cao bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình hầu như nam giới ít có cơ hội tham gia. Việt Nam hiện nay chưa có chương trình quốc gia nào về bạo lực giới dành riêng cho nam giới. Vì thế, Hagar mong muốn tạo cơ hội cho những người nam giới được nhận sự hỗ trợ qua việc tham gia câu lạc bộ, họ có được không gian an toàn để chia sẻ câu chuyện về những tổn thương trong quá khứ khi còn là trẻ em họ cũng bị bạo lực từ cha mẹ, từ cộng đồng, hoặc thường xuyên chứng kiến bạo lực từ mọi người trong gia đình. Được giải phóng những ẩn ức, tổn thương trong một môi trường an toàn, lắng nghe đồng cảm cũng là một nhu cầu rất lớn của nam giới.

Đối với nam giới, nhiều người quan niệm trong gia đình, đàn ông phải là số một. Họ thậm chí không biết việc đánh vợ là sai mà chỉ hành động theo những điều họ chứng kiến từ nhỏ tới lớn. Vì vậy, thách thức đặt ra là giúp họ nhận diện niềm tin để thay đổi hành vi bạo lực.

"Để thay đổi bản chất là thay đổi niềm tin, quan điểm thúc đẩy hành vi bạo lực của họ. Chính họ mới là người có thể thay đổi được hành vi đó chứ dự án hay vợ, bố, mẹ cũng không thay đổi được. Họ chính là người kiến tạo sự thay đổi. Họ vừa là nguyên nhân, vừa là giải pháp cho nên sự thay đổi phải bắt nguồn từ họ. Vấn đề là làm sao để họ quản lý được niềm tin đó và cần có thời gian dài để thay đổi", ông Lê Xuân Đồng nhấn mạnh.

Với nhóm nữ thì khi tham gia câu lạc bộ "Sức sống mới", họ có được có cơ hội giãi bày những trải nghiệm tổn thương, đồng thời tìm thấy những khoảnh khắc của sự kiên cường, mạnh mẽ mình đã có để từ đó tự tin hơn vào chính mình. Nhóm phụ nữ cũng được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa bạo lực và đảm bảo an toàn cho bản thân và con trẻ.

Đặc biệt, Hagar cũng đã hướng đến sự thay đổi ở chính quyền từ cấp tỉnh đến xã nhằm có huy động sự tham gia vào cuộc của các ban ngành liên quan (công an, tư pháp, hội phụ nữ…) để tạo ra ảnh hưởng tới cả người gây và người bị bạo lực. Các thành viên Đội phản ứng nhanh đã xử lý nhanh, kiên quyết các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn.

Bài 2:
Ông Lê Xuân Đồng, điều phối viên Dự án Hagar cho biết, nam giới ít có cơ hội tham gia các chương trình nâng cao bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình (ảnh T.A)
Bài 1: Người vợ hơn 20 năm hứng chịu đòn roi của chồng Bài 1: Người vợ hơn 20 năm hứng chịu đòn roi của chồng

Trân quý và cố gắng giữ gìn sự thay đổi

Khi tiếp xúc với những người từng nhiều lần bạo hành với vợ nhưng lại cho rằng "chỉ là cái bạt tai", chúng tôi nhận thấy ở họ vẫn thấm đẫm tư tưởng gia trưởng và cả tính cách "bạo lực". Thế nhưng họ lại không hề nhận ra những lời nói xúc phạm vợ, hành vi đánh vợ là sai trái bởi "bao năm nay vẫn chứng kiến từ thế hệ đi trước"; đánh vợ đánh con là quyền của họ, khi đánh người ngoài mới là sai... Chỉ đến khi họ được vận động tham gia vào câu lạc bộ "Nam giới trách nhiệm" thì mới ngộ ra rằng, vợ mình cũng là con người, đánh người ngoài là sai và vi phạm pháp luật thì đánh vợ cũng vậy.

Trải qua 5 lần, 7 lượt các thành viên Câu lạc bộ vận động khéo léo bằng đủ mọi cách thì anh V (SN 1970, ở huyện Văn Chấn, Yên Bái) mới tham gia. Quá trình trò chuyện, gợi mở để anh chia sẻ cũng không dễ dàng bởi tâm lý không bao giờ thừa nhận mình đánh vợ. Kiên trì, bền bỉ, cuối cùng khi nói ra được những lý do của mình, được tư vấn, anh V mới nhận ra rằng: Đánh vợ là vi phạm pháp luật. Từ đó anh đã tiết chế cảm xúc và giảm bạo lực thể chất với vợ.

Khi trò chuyện với PV về những điều học hỏi được sau gần 2 năm trở thành thành viên câu lạc bộ "Nam giới trách nhiệm", anh N (SN 1972, ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bày tỏ: "Tôi cảm ơn chương trình nhiều lắm. Dù rằng chương trình đến hơi muộn nhưng muộn còn hơn không, vì chương trình đã mang đến sự thay đổi trong nhận thức của tôi. Tham gia câu lạc bộ, toà án lương tâm của tôi đã thức tỉnh, tôi tự cảm thấy mình cần thay đổi. Từ đó đến giờ tôi trân quý những gì chương trình mang lại để thay đổi trong ứng xử với vợ con".

Anh N cho biết, anh đã thay đổi nhiều, dù không 100% nhưng cũng tới 90% hạn chế được những xô xát vì cuộc sống không tránh khỏi, nhưng anh đã biết độ dừng, độ giãn trước cơn nóng giận, các trận cãi vã. Trước kia, khi con nhỏ ốm đau thì vợ chồng lục đục, lời qua tiếng lại, cãi cọ nhau, thậm chí có lúc anh đã trót dùng bạo lực với vợ.

Sở dĩ anh N có hành vi như vậy với vợ bởi quan niệm lấy chồng phải theo chồng. "Tôi nghĩ trong gia đình đàn ông làm chủ là điều hiển nhiên nên có tính gia trưởng, trịch thượng. Sau khi tham gia chương trình thì tôi mới ngộ ra rằng mình thắng vợ suốt bao nhiêu năm nay mà đâu có ai trao giải.

Mỗi lúc vợ chồng nặng lời, tôi nóng giận có lia cái bát thì lại thấy các con buồn rầu, ỉu xìu. Lúc đó tôi thấy toà án lương tâm lại tự chất vấn mình nên từ đó trở đi thấy vợ bức xúc khi nhọc nhằn thì mình né đi chỗ khác để cho vợ thắng. Mình đi ra khỏi nhà, ngồi đâu đó uống nước chè để nguội đi rồi về là cũng xong".

Bài 2:
Mọi người khi tham gia Dự án của Hagar đều đã có sự thay đổi, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và bạo lực gia đình (ảnh T.A)

Anh N tâm sự: "Từ ngày tham gia chương trình tôi đã thấu hiểu, chia sẻ, yêu thương vợ nhiều hơn. Vợ chồng cùng tham gia nên thấy thoải mái, rút kinh nghiệm và chia sẻ tâm sự hiểu ý nhau chứ không cần nói nhiều nữa. "Những cái đã qua không thể làm lại nữa nhưng từ khi tham gia tôi cũng không lặp lại các hành vi đó nữa. Đã 2 năm tôi thay đổi và cố gắng giữ gìn sự thay đổi đó".

Đáng nói, những sự thay đổi không chỉ đến từ các nạn nhân bạo lực, người gây bạo lực mà có cả nhiều thay đổi từ đội ngũ cán bộ tại địa phương. Như chia sẻ của ông Hồ Nguyên Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu: "Lâu nay tôi vẫn cho rằng chuyện bạo lực gia đình là tất yếu của xã hội, chuyện riêng tư của mỗi gia đình. Sau khi tiếp cận với Dự án Hagar bản thân tôi đã thay đổi nhận thức. Tôi hiểu rõ rằng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, xâm hại đến danh dự nhân phẩm của mình và đối với người khác. Với nhận thức đó tôi đã thay đổi về cách nhìn, cách đánh giá, cách suy nghĩ, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Trong nhiệm vụ cũng đã dành nhiều thời gian hơn, quan tâm hơn trong việc tuyên truyền, xử lý kịp thời các vụ bạo lực xảy trên địa bàn xã trong thời gian qua".

Ông Hồ Bá Tài, Trưởng thôn 3, xã Quỳnh Lương, thành viên đội phản ứng nhanh chia sẻ: Chưa được nâng cao nhận thức thì không những tôi, bạn tôi mà mọi người đều suy nghĩ việc nhà mình mình tự giải quyết. Có thể lấy quyền làm chồng, làm cha để quyết mọi việc trong gia đình. Sau khi tiếp cận được biết, được học, được tuyên truyền nên đã thay đổi nhận thức, thay đổi bản thân. Sau đó dấy lên phong trào chấm dứt bạo lực cho bản thân và cộng đồng.

90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ
Cách viết đơn kiện chồng đánh vợ chính xác nhất theo quy định pháp luật
Bị chồng đánh 7 lần trong tháng vì mất việc trong đại dịch
Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình
T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động