Thứ sáu 29/03/2024 21:36

Bị chồng đánh 7 lần trong tháng vì mất việc trong đại dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
"Đại dịch vợ chồng tôi đều ở nhà, không có việc làm mà mà phải thuê, chi phí tiền sữa, bỉm vẫn phải lo nên áp lực. Chồng tôi mua rượu về uống, uống xong quay ra đánh vợ. Tôi bị đánh tới 7 lần/tháng. Bị đánh nhiều nên tôi phải đến trốn chạy"-nạn nhân bạo lực gia đình đang trú tại Ngôi nhà bình yên chia sẻ.
Bị chồng đánh 7 lần trong tháng vì mất việc trong đại dịch
Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ chương trình UN Women: Có hơn 1/3 phụ nữ bị ít nhất một loại hình bạo lực (ảnh V.H)

Bạo lực với phụ nữ tăng 30 đến 300% trong dịch Covid-19

Câu chuyện của người phụ nữ nói trên không phải hiếm gặp trong đại dịch Covid-19. Một trường hợp khác cũng tìm đến Ngôi nhà bình yên để tạm lánh khỏi những cơn bạo hành của chồng chia sẻ: Đại dịch xảy ra khiến vợ chồng tôi mất việc làm. Giãn cách ở nhà nhiều, nhà thì nhỏ, vợ chồng đi ra đi vào nhìn thấy nhau, thiếu thốn ăn uống nên vợ chồng lời qua tiếng lại. Mỗi lần cãi cọ chồng tôi lại đập phá đồ và đánh vợ. Anh ta cho rằng đàn ông đánh vợ là bình thường. Anh ta đổ lỗi cho vợ "vì mày yếu kém nên mới thế, không vì mày thì dịch Covid bố con tao vẫn sống được".

Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ và trẻ em Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (63%) đã từng chịu một hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Tuy nhiên, hơn 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiểm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực ngày 21/6, bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ-UN Women cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, trên toàn cầu bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trầm trọng hơn, bạo lực với phụ nữ-đặc biệt là bạo lực gia đình tăng từ 30%-300%. Có hơn 1/3 phụ nữ (37,8%) bị ít nhất một loại hình bạo lực, trong đó có bạo lực thể chất, tình dục hoặc hành vi hay kinh tế do chồng/bạn tình gây ra. Đồng thời, bạo lực tình dục và lạm dụng tình dục gia tăng.

"Tại Việt Nam, đường dây nóng và Ngôi nhà bình yên, Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh đều ghi nhận sự gia tăng báo động các cuộc gọi kêu cứu của nạn nhân từ khi Covid-19 xuất hiện. Nạn nhân càng khó tiếp cận tới các dịch vụ thiết yếu do bị giãn cách xã hội và gặp nhiều nguy hiểm hơn khi phải ở chung nhà với người gây bạo lực", bà Lan Phương chia sẻ.

Theo bà Lan Phương, thời gian qua UN Women đã triển khai Chương trình làm việc-Gói dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giai đoạn 3 (2021-2022). Chương trình đã cung cấp dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực, năng lực của các bên cung cấp dịch vụ được tăng cường.

Về kết quả ở cấp độ chính sách, đã có một số tiến bộ trong việc thực hiện luật pháp và chính sách về bạo lực trên cơ sở giới trong lĩnh vực y tế, hành pháp và tư pháp, dịch vụ xã hội quản trị và điều phối thông qua thực hiện gói dịch vụ thiết yếu; Hiểu biết và việc sử dụng các dịch vụ sẵn có ở cộng đồng được tăng lên.

Bị chồng đánh 7 lần trong tháng vì mất việc trong đại dịch
Bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị (ảnh V.H)
Cần trang bị ngôn ngữ giao tiếp với người khuyết tật

Tại hội nghị, có đại biểu nêu vấn đề về việc hỗ trợ cho người khuyết tật bị bạo hành gặp những khó khăn. Cản trở khi tiếp cận, hỗ trợ người khiếm thính là phải thuê phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Vì vậy, nhân viên công tác xã hội, nhân viên y tế cần được học thêm ký hiệu ngôn ngữ cơ bản với người khuyết tật.

Bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: Hiện vấn đề hỗ trợ tạm trú cho thân chủ là người khuyết tật vận động có trở ngại do Ngôi nhà bình yên có địa điểm là căn nhà 4 tầng, việc đi lại của họ sẽ khó khăn. Hoặc với những trường hợp bị khuyết tật về trí tuệ-nhất là trẻ em tự kỷ, nhiều cháu đi cùng mẹ nhưng mẹ không biết con mình bị khuyết tật. Khi đến chúng tôi đánh giá hỗ trợ ở mức độ nhẹ nhưng cũng có nhiều trường hợp phải đưa đi điều trị ở bệnh viện.

Bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, trong luật quy định trụ sở, địa điểm tiếp người khuyết tật phải dễ tiếp cận, ở mặt đường và ở tầng 1. Trong một số trường hợp không có phòng riêng thì phải bố trí địa điểm riêng để đảm bảo bí mật đời tư, danh tính của họ.

"Còn vấn đề phiên dịch với người điếc, khiếm thính thì khó khăn vì trong hệ thống hành pháp, tư pháp không có đội ngũ này nên phải thuê đội ngũ để hỗ trợ. Điều này càng gây nên khó khăn khi khuyến khích họ cởi mở vì bạo lực thể xác còn dễ thấy chứ tinh thần thì phải trò chuyện để chia sẻ...", bà Hường nói.

Ở góc độ hỗ trợ y tế cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bà Nguyễn Thanh Ngọc, Cục Quản lý Khám chữa bệnh-Bộ Y tế kiến nghị: Các tổ chức, bộ ngành, hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế về thăm khám, cung cấp dịch vụ cận lâm sàng đối với chị em, phụ nữ bị hành hạ, ngược đãi và bị xâm hại tình dục. Bởi trên thực tế, khi bệnh nhân bạo lực gia đình vào các cơ sở khám chữa bệnh y tế, dù tại đây có đầy đủ các các chuyên khoa sản khoa, nhi, cấp cứu… nhưng các bác sĩ khám được bệnh nhưng không phát hiện ra bệnh nhân bị bạo lực.

“Ví dụ bệnh nhân bị chấn thương xương đùi, cẳng chân, cẳng tay nhưng chỉ phát hiện ra chấn thương mà không xác định nguyên nhân sâu xa là do bạo lực. Cán bộ y tế rất kém về năng lực phát hiện bệnh nhân bị bạo lực để giải quyết nguyên nhân gốc rễ cho nạn nhân. Vì thế, Cục Quản lý khám chữa bệnh mong muốn có nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên muôn cho đội ngũ cán bộ y tế về vấn đề này hơn”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện cục Quản lý khám chữa bệnh cũng kiến nghị xây dựng quy trình một cửa tại bệnh viện để hỗ trợ tiếp nhận, thăm khám, cung cấp các dịch vụ cận lâm sàng đối với phụ nữ và trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, bị xâm hại tình dục. Theo đó, sau khi điều trị cần có cơ chế phối hợp liên ngành để chuyển gửi các nạn nhân sau khi điều trị ở bệnh viện về địa phương để hội nhập cộng đồng, tránh bị bạo lực ở những lần tiếp theo.

Điều tra vụ bé trai 18 tháng tuổi tử vong, nghi bị bạo hành
Tìm người đàn ông nghi bạo hành với bé gái 4 tuổi ở khu vui chơi
Chế tài xử lý những vụ việc đánh đập, bạo hành trẻ em vẫn còn chưa đủ sức răn đe?!
90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động