Thứ sáu 22/11/2024 19:52

90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thống kê, 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an, kết quả điều tra này còn cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).
90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ
Bộ Tư pháp vừa tổ chức thẩm định Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Bộ Tư pháp vừa tổ chức thẩm định Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) (sửa đổi), do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo.

Những bất cập

Theo Tờ trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số địa phương vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) nghiêm trọng. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an, kết quả điều tra này còn cho thấy năm 2019, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).

Trong Luật PCBLGĐ hiện hành, tuy đã giải thích khái niệm BLGĐ nhưng chưa bao quát đủ các dạng BLGĐ, mặt khác, còn một số khái niệm chưa giải thích rõ, dẫn đến nhận diện chưa đầy đủ các hành vi BLGĐ.

Theo đó, trong thời gian qua, người có hành vi BLGĐ bị xử phạt hành chính sau đó vì những lý do khác nhau việc xử phạt không được thực hiện đã dẫn đến “thái độ coi thường pháp luật” từ đó làm suy yếu pháp luật. Luật hiện hành xác định nguyên tắc lấy phòng để chống nhưng chưa thể hiện rõ biện pháp phòng.

Theo cơ quan soạn thảo, BLGĐ có nguyên nhân sâu xa từ bất bình đẳng giới trong gia đình; các yếu tố lạm dụng rượu, bia, xử lý hành vi vi phạm không nghiêm minh, thiếu khả thi… là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến BLGĐ không được kiểm soát, nhiều vụ việc BLGĐ kéo dài. Điều tra quốc gia về BLGĐ với phụ nữ được Tổng Cục thống kê và các cơ quan công bố năm 2020 cho thấy có 93% số vụ bạo lực giới hiện nay là BLGĐ.

Tuy nhiên, Luật hiện hành việc lồng ghép giới trong các quy định chưa được rõ. Vì vậy cần bổ sung những quy định liên quan đến BLGĐ trên cơ sở giới để đảm bảo lồng ghép giới trong thực hiện Luật theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến lạm dụng rượu bia, nâng cao tính khả thi của các biện pháp xử lý BLGĐ.

Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình là biện pháp phòng ngừa mang tính nhân văn nhằm hàn gắn các gia đình khi phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp. Luật hiện hành chưa phân định rõ khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng hòa giải và khi nào thì cần các biện pháp khác.

Luật hiện hành không cấm gia đình, dòng họ thực hiện hòa giải trong trường hợp vụ việc thuộc tội phạm hình sự, hành vi vi phạm bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, trong các trường hợp này, Luật hiện hành quy định tổ hòa giải cơ sở hoặc cơ quan, tổ chức mà người có hành vi BLGĐ không được thực hiện hòa giải. Quy định này làm giảm cơ hội hóa giải mâu thuẫn trong gia đình.

Bên cạnh những bất cập trong việc quy định về hòa giải thì việc chưa có quy định đặc thù cho người thực hiện hòa giải, tư vấn trong PCBLGĐ khiến cho công tác hòa giải chưa đạt kết quả tốt, nhiều vụ việc BLGĐ sau khi hòa giải tình trạng BLGĐ vẫn không có chuyển biến tích cực. Người thực hiện hòa giải ở cơ sở hiện nay cần được bồi dưỡng kiến thức pháp luật và bồi dưỡng chuyên sâu về PCBLGĐ, nhạy cảm giới trong PCBLGĐ.

Kinh nghiệm của các quốc gia khi xây dựng Luật PCBLGĐ, người bị bạo lực được coi là trung tâm để xây dựng chính sách (tiếp cận trên quyền để bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực). Tuy nhiên, trong luật hiện hành, các quy định về việc bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ chưa thể hiện được tính chủ động, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp. Nhiều người bị BLGĐ ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào và bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo. Đây là một trong những lý do trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2020 toàn quốc chỉ áp dụng cấm tiếp xúc được 4.393 trường hợp.

Việc phát hiện, báo tin về BLGĐ quy định tại Điều 18 Luật hiện hành cũng chưa làm rõ nội dung về trách nhiệm xác minh, xử lý tin báo về vụ việc BLGĐ. Thực tiễn cho thấy đây là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng tính kịp thời và hiệu quả của việc ngăn chặn, xử lý vụ việc BLGĐ. Do vậy, cần có quy định cụ thể hơn về phát hiện, báo tin về BLGĐ

Những bất cập trong phối hợp liên ngành và điều kiện đảm bảo để thực hiện PCBLGĐ Công tác PCBLGĐ có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức. Thực tế trong Luật hiện hành cũng đã dành 11 điều để quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ PCBLGĐ. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các cơ quan, tổ chức chưa được đề cập dẫn đến công tác PCBLGĐ còn mang tính manh mún, thiếu đồng bộ.

Mặt khác, ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế cũng có đóng góp quan trọng trong thực hiện Luật nhưng chưa được quy định rõ quyền và trách nhiệm.

Bên cạnh yếu tố nguồn lực thì các điều kiện đảm bảo khác cũng chưa quy định rõ trong Luật hiện hành gây khó khăn trong quá trình thực hiện Luật… Luật cũng quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong PCBLGĐ nhưng lại không quy định về đường dây tiếp nhận thông tin khi tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi bạo lực thì báo tin cho ai, theo số điện thoại nào…

Đề xuất giám sát hỗ trợ cai nghiện rượu, bia với người có hành vi bạo lực gia đình

Để khắc phục các bất cập trên, Luật PCBLGĐ (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ; khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ.

Đáng quan tâm, theo Tờ trình, trong quá trình xây dựng Luật, quy định cai nghiện rượu bia cho người có hành vi BLGĐ còn có ý kiến khác nhau, nên cơ quan chủ trì soạn thảo xin kiến Chính phủ.

Theo đó, xác định một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ BLGĐ là lạm dụng rượu, bia, Dự thảo Luật quy định việc cai nghiện rượu, bia ở 2 cấp độ. Thứ nhất là thực hiện việc tuyên truyền vận động người nghiện rượu, bia nói chung thực hiện cai nghiện rượu, bia. Người có hành vi BLGĐ trong tình trạng say rượu, bia sẽ được giám sát hỗ trợ cai nghiện rượu, bia theo quy định của Bộ Y tế.

Thứ hai, trường hợp người nghiện rượu, bia tiếp tục có hành vi BLGĐ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi BLGĐ, đã được tuyên truyền vận động cai nghiện rượu, bia mà vẫn tiếp tục có hành vi BLGĐ thì đề nghị cai nghiện rượu, bia bắt buộc.

Cơ quan soạn thảo cho rằng cần thiết có quy định cai nghiện rượu, bia bắt buộc trong trường hợp người nghiện rượu thường xuyên có hành vi BLGĐ, các biện pháp xử phạt hành chính không hiệu quả thì cần phải tiếp cận theo hướng hỗ trợ người nghiện rượu, bia như là hỗ trợ đối với người bị bệnh tâm thần…

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động