Tổ trưởng tổ hòa giải nhiệt tình kết hợp dân vận khéo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Lê Thị Bích Ngọc - Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 18 là tấm gương hòa giải giỏi của phường Ngọc Thụy. Ảnh: NVCC |
Biến mâu thuẫn to thành nhỏ, nhỏ thành không có
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời cũng như sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ban, ngành, đoàn thể, sự nhiệt tình trách nhiệm của thành viên các tổ hòa giải nên trong nhiều năm qua trên địa bàn phường Ngọc Thụy không có vụ mâu thuẫn nào làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự. Hầu hết các vụ mâu thuẫn đều được phát hiện kịp thời và giải quyết triệt để. Một trong những người góp phần vào thành công chung đó chính là bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 18.
Bà Ngọc từng là Hiệu trưởng Trường mầm non Ngọc Thụy. Năm 2013 bà về nghỉ hưu. Năm 2015, bà được Nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố 18. Năm 2017, bà nghỉ chức vụ tổ trưởng tổ dân phố nhưng vẫn được Nhân dân vẫn tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải cho đến nay. Tính cách gần gũi, chân tình, nói chuyện có tình có lý nên bà luôn nhận được những tình cảm yêu mến của những người xung quanh.
5 năm làm công tác hòa giải, bà Ngọc đã tích cực cùng các hòa giải viên kịp thời hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn, không để xảy ra những vụ đáng tiếc nào trong Nhân dân. Nhờ đó, bà Ngọc cũng như các thành viên của tổ hòa giải trở thành cây cầu nối vững chắc giữa lãnh đạo tổ dân phố và người dân, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết toàn dân trên địa bàn.
Bà Ngọc cho rằng, cuộc sống không thể tránh khỏi có những lúc mâu thuẫn, tranh cãi với người khác. Nhưng nếu như các bên bình tĩnh ứng xử thì sẽ không có những đáng tiếc xảy ra, đặc biệt là người dân cùng một tổ dân phố, là hàng xóm láng giềng, “tắt lửa tối đèn có nhau”. Vì thế, phương châm làm việc của bà Ngọc cũng như các thành viên tổ hòa giải là cố gắng “biến to thành nhỏ, việc nhỏ thành không có gì” để mang cuộc sống bình yên đến mọi người.
Là cán bộ, lãnh đạo trong ngành giáo dục nên bà Ngọc luôn nhận thức một vấn đề với nhiều góc nhìn. Giống như một sự việc xảy ra, mỗi bên liên quan lại có những lý lẽ riêng của mình, cần người hòa giải đứng trên phương diện các bên để nhìn nhận sự việc, từ đó phân tích, giải thích cho những người trong cuộc những đúng, sai, thiếu sót, cần sửa. Bên cạnh đó, bà Ngọc còn luôn tìm tòi kiến thức, nghiên cứu, nâng cao sự hiểu biết về pháp luật để tích lũy cho bản thân kinh nghiệm phục vụ quá trình hòa giải sao cho thấu tình đạt lý, giúp người dân hiểu đúng vấn đề, đi đến hành động đúng.
Bà Ngọc chia sẻ, khi đến giải quyết các vụ mâu thuẫn trong tổ dân phố, bà luôn lắng nghe tâm tư, tình cảm, mong muốn của người trong cuộc. Với sự nhẹ nhàng, ý nhị, vừa cương, vừa nhu, bà Ngọc đã xoa dịu được bầu không khí căng thẳng của các bên. Khi họ bình tĩnh, bà sẽ phân tích từng chút một để họ hiểu ra vấn đề. Khó nhất vẫn là những vụ mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp đất đai, sau đó lời qua tiếng lại về cái hàng rào, bức tường, cái mái nhà chảy nước sang nhà bên cạnh,… cũng khiến cho hàng xóm buông lời cãi nhau.
Không chỉ phân tích cho họ hiểu, bà Ngọc còn đưa ra những giải pháp khắc phục ổn thỏa được lòng đôi bên. Nhờ tinh thần quyết tâm hòa giải thành công đến cùng của bà Ngọc và các thành viên tôt hòa giải, nhiều vụ tưởng chừng như đi vào bế tắc, hàng xóm láng giếng không nhìn mặt nhau đã đi đến cái kết “hậu”. Họ bỏ qua cho nhau và cùng nhau giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp vốn có.
Bà Lê Thị Bích Ngọc (áo họa tiết trắng) là tấm gương hòa giải giỏi của phường Ngọc Thụy |
Hòa giải kết hợp dân vận khéo
Theo bà Ngọc, muốn hòa giải thành công, bên cạnh việc giải quyết sự việc có lý, có tình, am hiểu về pháp luật thì người làm công tác hòa giải phải kịp thời phát hiện các mâu thuẫn ngay từ khi nó vừa phát sinh để tránh sự bức xúc của các bên lên đến đỉnh điểm, rất khó hòa giải. Ngoài ra, vì người dân của tổ dân phố đa phần là người dân địa phương nên trong quá trình hòa giải, bà thường đưa những phong tục tập quán, quy ước của địa phương,…
Hàng ngày, bà Ngọc luôn gần gũi, sát sao cuộc sống của bà con tổ dân phố, thường xuyên thăm hỏi, động viên, lắng nghe tâm tư, tình cảm của họ. Có thể, điều này sẽ khiến bà mất nhiều thời gian nhưng với bà Ngọc, cuộc sống bình yên, vui vẻ của người dân là điều quan trọng nhất. Do đó, bà không nề hà trước bất cứ khó khăn, vất vả nào. Khi nhận được sự tin yêu, ủng hộ của bà con tổ dân phố, bà Ngọc càng có thêm động lực để gắn bó với công việc này.
Ngoài vai trò là một hòa giải viên, bà Ngọc còn là một tấm gương điển hình về tài dân vận khéo. Với uy tín, hiểu biết và sự nhiệt huyết của bản thân, gần 5 năm qua, bà Ngọc đã cùng tổ dân phố, các chi hội đoàn thể vận động, thuyết phục các hộ dân thực hiện đúng các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không lấn chiếm vỉa hè lòng đường, thực hiện tốt các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19,…góp phần giữ gìn bộ mặt đô thị tổ dân phố 18 luôn xanh, sạch, đẹp, giúp tổ dân phố 18 trở thành đơn vị xuất sắc được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nhờ tinh thần trách nhiệm trong công tác hòa giải, Tổ hòa giải của tổ dân phố 18 mà bà Ngọc làm tổ trưởng trong 5 năm đều đạt Tổ hòa giải 5 tốt. Càng tham gia công tác hòa giải, dân vận, bà càng trân trọng công việc của mình. Chỉ cần việc mình làm có ích cho cộng đồng, giúp cuộc sống người dân tốt đẹp hơn thì bà sẽ cố gắng cống hiến hết mình. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại