Chủ nhật 08/09/2024 10:17

Hoà giải viên, góp phần gắn kết tình đoàn kết trong Nhân dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Đỗ Thị Thu, tham gia công tác hoà giải từ năm 2004 đến nay cho biết, mới đầu dù có bỡ ngỡ nhưng được các thành viên trong tổ hòa giải (THG) chia sẻ, hướng dẫn, bà ngày càng nắm bắt được nhiều thông tin, pháp luật và dần tự tin khi hòa giải mâu thuẫn.
Hoà giải viên, góp phần gắn kết tình đoàn kết trong Nhân dân
Bà Đỗ Thị Thu cho biết: “Tôi thấy công việc hòa giải rất ý nghĩa” ẢNH: Công Phương

Theo bà Đỗ Thị Thu, Phó Trưởng thôn, thành viên THG thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội, THG ở thôn Vĩnh Lộc 1 gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng, phó thôn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh, hội nông dân, hội người cao tuổi… Các thành viên THG sinh sống mỗi khu vực trong thôn nên khi có vụ mâu thuẫn xảy ra thì người hòa giải viên (HGV) ở gần nhất sẽ nắm bắt được và đến tìm hiểu vụ việc.

Mỗi khi có vụ việc mâu thuẫn, HGV nắm được thông tin vụ việc mâu thuẫn trên địa bàn thôn, bà hoặc các thành viên khác trong thôn sẽ đến nghe từng bên trình bày sự việc mâu thuẫn và mong muốn của từng bên. Sau khi tìm hiểu các bên mâu thuẫn, bà và các thành viên THG sẽ thống nhất ngày, giờ, địa điểm tiến hành hòa giải, mời các bên mâu thuẫn ra hòa giải. Với trường hợp không cần tổ chức hòa giải thì, bà hoặc các thành viên THG sẽ thường xuyên, qua lại, khuyên nhủ, động viên các bên để phân tích về tình, lý để các bên hiểu ra và hóa giải mâu thuẫn.

Đối với các vụ việc cần tổ chức buổi hòa giải thì bà cùng các thành viên THG sẽ mời các bên ra hòa giải tại nhà văn hóa thôn. Tại đây, THG sẽ giới thiệu các thành phần, đồng thời trình bày nội dung của việc mâu thuẫn giữa hai bên để mọi người nắm được, rồi cùng nhau phân tích, chia sẻ một cách hài hòa, công tâm nhất để hai bên hiểu ra vấn đề… Với vụ việc phức tạp, THG còn mời thêm người cao tuổi trong thôn, người có uy tín trong cộng đồng dân cư như trưởng họ,... Khi có đầy đủ thành phần, mọi người sẽ góp ý, phân tích về tình và lý, vận dụng những kiến thức pháp luật, sự nhẹ nhàng, khéo léo trong lời ăn tiếng nói để từ mâu thuẫn nhỏ thành không có, từ mâu thuẫn lớn lại thành nhỏ, giúp hai bên xích lại gần nhau, sự việc được hóa giải.

Chia sẻ về câu chuyện hòa giải, bà Đỗ Thị Thu cho biết, trong công tác hòa giải tại địa phương, bà nhớ nhất về trường hợp hai vợ chồng mâu thuẫn nhau, người vợ đến nhờ bà hòa giải cho mâu thuẫn của hai vợ chồng. Người vợ kể nhiều việc hai vợ chồng mâu thuẫn, người vợ muốn hàn gắn nhưng chồng nhiều lúc nóng tính, không nghe xong lại làm theo ý mình khiến cuộc sống vợ chồng luôn căng thẳng. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là chị cãi lại chồng và góp ý cũng như nêu ra cái sai của chồng khiến người này nổi nóng và tát chị, đập đồ trong gia đình.

Nghe được thông tin người vợ chia sẻ, bà Đỗ Thị Thu đã tâm sự với người vợ và khuyên nhủ người vợ nên biết nhẫn nhịn mỗi khi chồng nổi nóng, không nên cãi lại cũng như phản ứng gay gắt khiến chồng càng nóng hơn và hậu quả việc người vợ bị tát, chồng đập đồ trong gia đình cũng một phần do người vợ. Một người vợ khéo léo là khi chồng nổi nóng, tức giận thì không nói lại, tránh đi. Khi chồng vui vẻ trở lại thì người vợ mới nói chuyện, chia sẻ, phân tích cái đúng, cái sai cho người chồng hiểu và lúc này người chồng mới dễ tiếp thu và giải quyết được vấn đề của hai vợ chồng.

"Sau hơn 1 tháng tôi gặp người vợ, người chồng riêng thì thấy hai vợ chồng cũng ôn hòa hơn, không thấy vợ chồng xung đột, cãi vã nữa. Hai vợ chồng cũng đèo nhau đến nhà tôi gửi lời cảm ơn tôi cũng như trình bày mong tôi thông cảm vì người chồng nóng tính khiến tôi và các thành viên THG phải đi lại khuyên nhủ nhiều lần. Hai vợ chồng cũng xin hứa sẽ có ý thức hơn, gắn bó với nhau hơn và không làm ảnh hưởng đến hàng xóm, mọi người trong thôn, xóm. Sau gần 1 năm, hai vợ chồng này lại sinh thêm em bé", bà Đỗ Thị Thu thông tin.

Chia sẻ về gia đình, bà Đỗ Thị Thu cho hay, tham gia công tác thôn 20 năm nay nhưng bà rất may mắn được gia đình ủng hộ, hỗ trợ hết mình. Mỗi lần bà đi hòa giải mà chưa về nấu cơm thì chồng bà lại là người nấu cơm cho gia đình, bà chưa về thì chồng gọi về ăn cơm. Có vụ mâu thuẫn xảy ra đêm khuya, chồng bà còn đèo đi, đợi đón về.

"Tôi thấy công việc hòa giải rất ý nghĩa, giúp hóa giải những mâu thuẫn trong Nhân dân và giữ được hạnh phúc của nhiều gia đình. Tôi thấy mình đã góp một phần nhỏ bé vào công việc giữ gìn hạnh phúc của người dân cũng như tình đoàn kết, gắn kết trong Nhân dân. Mỗi lần ra đường được mọi người chào hỏi, cảm ơn tôi lại thấy công việc của mình càng ý nghĩa và thấy yêu công việc này"- bà Đỗ Thị Thu tâm sự.

Hoà giải viên góp phần phổ biến pháp luật cho người dân
Hà Nội: tỷ lệ hòa giải thành đạt 84,88 %
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động