Thứ năm 21/11/2024 16:13
Chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh

Kỳ 2: Phụ huynh gương mẫu trong chấp hành pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ ngày 1/10/2024, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội ra quân mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh. Đến nay, tình trạng học sinh vi phạm đã giảm và có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc chấp hành của một bộ phận phụ huynh còn hạn chế, đây là vấn đề ý thức, trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ đối với sự an toàn của con em mình.
Kỳ 2: Phụ huynh gương mẫu trong chấp hành pháp luật
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra xử lý phụ huynh chở con đi học không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: CQCA

Ý thức chấp hành pháp luật của học sinh được nâng cao

Nỗ lực giảm thiểu vi phạm giao thông ở lứa tuổi học sinh là vấn đề không mới, nhưng khi bắt đầu năm học 2024-2025, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra phổ biến. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy là các vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây nguy hiểm tới các em học sinh.

Để chấn chỉnh và dần giải quyết dứt điểm vấn đề này, ngay từ đầu năm học mới, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông tại các nhà trường trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, phụ huynh học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trước đây, tại các điểm trường trên địa bàn TP, không khó để thấy học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, đi xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ… khi tham gia giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong một ngày cao điểm xử lý trật tự giao thông đầu tháng 10/2024, tại khu vực ngã tư Phan Đình Phùng - Hùng Vương, quận Ba Đình, Đội CSGT số 2 trong thời gian ngắn đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm giao thông của phụ huynh chở học sinh và học sinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông sai quy định.

Khi bị CSGT xử lý, cả học sinh và phụ huynh đều đưa ra vô vàn các lý do để “bào chữa” cho hành vi vi phạm của mình. Đối với phụ huynh thì lý do phổ biến nhất chính là… vội. Nhiều phụ huynh lấy lý do tiện đi làm về đón con. Nhiều trường hợp cả phụ huynh và học sinh đều đội mũ bảo hiểm sai quy cách, hoặc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Thiếu tá Nguyễn Đức Tuyến, cán bộ Đội CSGT số 2 cho biết, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đối với các phương tiện gắn máy như: xe máy, xe đạp điện là vô cùng quan trọng. Tình trạng học sinh khi đến trường điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm không chỉ nguy hiểm mà còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Và thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc thời gian qua nhưng nhiều phụ huynh, học sinh vẫn chủ quan, chưa chấp hành.

Do đó, cùng với việc xử lý vi phạm, Đội CSGT số 2 cũng đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền tại các điểm trường, nhằm tuyên truyền các thông tin cơ bản của Luật Giao thông đường bộ; hướng dẫn đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng đúng quy cách và độ tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông...

Có thể thấy, đợt ra quân cao điểm bảo đảm TTATGT cho học sinh đến trường, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh trên địa bàn TP đã được nâng lên, các trường hợp vi phạm cũng giảm rõ rệt.

Kỳ 2: Phụ huynh gương mẫu trong chấp hành pháp luật
Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an cơ sở phát tờ rơi tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức, Hà Nội Ảnh: CQCA

Phụ huynh cần gương mẫu trong chấp hành pháp luật

Sau hàng loạt các biện pháp nhằm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh của lực lượng Công an, nhà trường và gia đình, ý thức tham gia giao thông của học sinh đã được nâng cao. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh còn chủ quan, chưa gương mẫu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Các vi phạm chủ yếu là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chở theo con không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm sai quy định không đạt tiêu chuẩn, hoặc giao phương tiện cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển.

Từ lâu, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm TNGT. Đối với lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hoá giao thông càng trở nên quan trọng, bởi không chỉ đơn thuần là việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật mà còn là biểu hiện của ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.

Song, để hình thành và duy trì văn hóa giao thông với học sinh không phải chuyện “một sớm, một chiều”. Cần có sự phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và lực lượng chức năng. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh cần chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, bởi cha mẹ chính là tấm gương cho con cái noi theo, phụ huynh chấp hành tốt, con em sẽ học hỏi và hình thành thói quen tuân thủ luật pháp. Khi phụ huynh hoàn thành tốt vai trò của mình, công tác tuyên truyền, bảo đảm TTATGT cho học sinh sẽ có hiệu quả cao hơn, từ đó giúp bảo vệ các em khỏi các hậu quả của TNGT.

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT và xử lý vi phạm, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết: “Giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông là kết hợp giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu trong chấp hành pháp luật, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, uốn nắn ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm.

Gia đình đừng buông lỏng quản lý hoặc phó mặc cho nhà trường, cho cơ quan chức năng bởi trước hết, sự quan tâm, giáo dục của phụ huynh sẽ đảm bảo được sức khỏe và tính mạng của chính con em mình và cả những người cùng tham gia giao thông”.

(Còn nữa)

Thiếu tá Trần Vũ Hiếu, cán bộ Đội CSGT - Trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm cho hay, thực hiện kế hoạch cao điểm bảo đảm an toàn giao tông cho học sinh đơn vị đã phối hợp với lực lượng Công an các phường; đề nghị làm tốt công tác bảo đảm TTATGT tại khu vực các cổng trường học. Đơn vị cũng kết hợp với Đội CSGT số 1 tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh các cấp học tại nhiều trường học trên địa bàn.
Kỳ 1: Hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh Kỳ 1: Hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh

LTS: Thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều diễn biến phức ...

Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động