Những điểm chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm |
Những điểm đặc biệt
Việc luật sư kháng cáo bản án không phải chuyện lạ trong tố tụng. Tuy nhiên, kháng cáo trong trường hợp bị cáo vẫn đang bỏ trốn lại là câu chuyện ít thấy. Nó như góp thêm những tiền lệ trong vụ đại án AIC nức danh này. Trước đó, trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Cty AIC và các đơn vị có liên quan đã xuất hiện những điểm đặc biệt, chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng.
Theo đó, trước khi diễn ra phiên xét xử, Bộ Công an cũng như VKS cũng ra thông báo truy nã đối với 8 bị can/bị cáo bỏ trốn. Các đối tượng bỏ trốn bao gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Trần Mạnh Hà; Nguyễn Ðăng Thuyết, nguyên GĐ Cty Thành An Hà Nội; Ðỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Cty Cát Vân Sa; Ngô Thế Vinh, GĐ Cty Việt Tiên; Nguyễn Thị Tích, Tổng GĐ Cty Mopha; Nguyễn Thị Sen, nguyên GĐ Cty Thiết bị Y tế và Môi trường; Ðỗ Văn Sơn, nguyên Kế toán trưởng Cty AIC.
Và mặc dù đang bỏ trốn, nhưng C03 vẫn đề nghị truy tố 8 bị can/bị cáo này. Quyết định truy tố các bị cáo mặc dù đang bỏ trốn là trường hợp hy hữu, chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng. Bởi theo thông lệ, với các trường hợp tương tự - bị can bị truy nã, Cơ quan CSĐT đều tạm đình chỉ điều tra, chờ sau khi bắt được sẽ phục hồi điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Cũng tại diễn biến phiên tòa, ở phần tranh luận, một số luật sư cho rằng cần tạm đình chỉ điều tra đối với những người này, nhưng đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã bác bỏ.
Theo kiểm sát viên, bộ luật Tố tụng hình sự quy định nếu chưa xác định được bị can/bị cáo hoặc không biết rõ bị can/bị cáo đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra, truy tố hoặc chuẩn bị xét xử thì có thể tạm đình chỉ vụ án. Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo, việc tạm đình chỉ phải đảm bảo điều kiện không ảnh hưởng đến tất cả các bị can, bị cáo khác. Ngược lại, nếu lý do tạm đình chỉ ảnh hưởng đến nhiều hoặc tất cả bị can, bị cáo trong vụ án, cơ quan tố tụng có thể không tạm đình chỉ.
Với đại án AIC, bà Nhàn được xác định có vai trò chủ mưu trong hành vi vi phạm quy định đấu thầu, đồng thời là người trực tiếp thực hiện hành vi đưa hối lộ cho các quan chức tỉnh Đồng Nai. Không chỉ bà Nhàn, 7 bị cáo bỏ trốn đều có hành vi phạm tội liên quan đến các bị cáo khác trong vụ án. Chính vì vậy, nếu tạm đình chỉ truy tố đối với 8 bị cáo nêu trên sẽ ảnh hưởng đến vụ án. Cơ quan tố tụng không ra quyết định tạm đình chỉ mà tiếp tục đề nghị truy tố, việc truy tố và xét xử là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Việc này còn nhằm đảm bảo công bằng cho các bị cáo khác trong cùng vụ án.
Tòa án có chấp nhận đơn kháng cáo của luật sư bảo vệ quyền lợi cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn hay không?
Tại phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14 năm tù về tội Đưa hối lộ, 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt chủ tịch Cty AIC phải lĩnh là 30 năm tù.
Cùng với đó, Tòa tuyên cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành 11 năm tù, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái 9 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ; cựu GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ bị phạt mức án 9 năm tù về tội Nhận hối lộ, 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hình phạt buộc bị cáo Vũ chấp hành 19 năm tù; Bồ Ngọc Thu, cựu GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, lĩnh 3 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…
Về câu hỏi luật sư bào chữa cho cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn có quyền kháng cáo hay không, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn Luật sư Hà Nội, căn cứ Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì những người sau đây có quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm; Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa; Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Như vậy, đối với luật sư bào chữa, để đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là người bị hạn chế về năng lực hành vi tố tụng, Luật TTHS Việt Nam quy định người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của bị cáo là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Đây là quyền kháng cáo độc lập của người bào chữa, không phụ thuộc bị cáo có đồng ý hay không. Việc người bào chữa kháng cáo không loại trừ quyền tự bào chữa của bị cáo.
Trong vụ án AIC, theo quan điểm của Luật sư Thơm, đối chiếu quy định người có quyền kháng cáo tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị TAND TP Hà Nội kết án 30 năm tù giam không thuộc chủ thể quyền kháng cáo. Do đó, khả năng việc kháng cáo của luật sư sẽ không được chấp nhận. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại