Thứ bảy 04/05/2024 16:17
Quận Ba Đình, Hà Nội:

Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo ông Vũ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBMTTQ phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội), trong khoảng thời gian từ ngày 07/7/2023 đến ngày 12/7/2023, UBMTTQ phường đã phối hợp với UBND phường triển khai kế hoạch và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân trong phường; đã có 58 ý kiến của cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân trong hệ thống chính trị của phường.
Đã có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổii). Ảnh: Văn Biên
Đã có nhiều ý kiến tâm huyết của Nhân dân trên địa bàn phường Vĩnh Phúc đóng góp vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Văn Biên

Theo ông Vũ Thanh Hải, mới đây, UBMTTQ phường Vĩnh Phúc đã chủ trì tổng hợp ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với các nội dung đóng góp đầy tâm huyết. Sau nghiên cứu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 54 trang 6 chương 54 Điều. Về cơ bản các ý kiến tham gia đều nhất trí cao với các nội dung, Chương, Điều, Khoản trong Dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội và Tờ trình Dự án Luật Thủ đô trình Bộ Tư pháp trong thời gian tới. Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có đề xuất 9 chính sách. Có ý kiến tham gia góp ý một vài nội dung của chính sách 3 là: "Nâng cao năng lực tài chính ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô”

- Phí và lệ phí nằm ngoài Danh mục của Luật Phí và Lệ phí: Chính sách 3 của Dự thảo đề xuất cho phép chính quyền Hà Nội áp dụng những khoản phí chưa được quy định trong Danh mục của Luật Phí và Lệ phí. Việc này có thể giúp chính quyền Hà Nội có thể cung cấp thêm các dịch vụ công phù hợp với đặc điểm của thành phố mà không cần thiết phải sửa đổi văn bản ở cấp luật.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc thống nhất danh mục tại Luật Phí và Lệ phí trước đây là nhằm tránh tình trạng các cơ quan Nhà nước đặt ra các loại phí, lệ phí bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc cho phép chính quyền Hà Nội đặt ra loại phí mới cần được thực hiện một cách thận trọng. Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm hai nguyên tắc để bảo đảm tránh sự tùy tiện khi thực hiện:

+ Thứ nhất, việc đặt thêm các loại phí mới vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc của Luật Phí và Lệ phí, gồm có: Phí phải gắn liền với việc cung cấp dịch vụ công, mức phí nhằm bù đắp chi phí.

+ Thứ hai, việc đề xuất và ban hành loại phí mới phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Bộ thuộc lĩnh vực dịch vụ công liên quan; đồng thời phải tiến hành lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động như người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đại diện.

+ Thứ ba, công tác thẩm định đề xuất chính sách và dự thảo văn bản pháp luật về loại phí mới phải được thực hiện theo hình thức Hội đồng thẩm định với đầy đủ thành phần các bên liên quan, nhất là đại diện của nhóm đối tượng chịu tác động.

- Tăng thuế gián thu điều tiết tiêu dùng: Chính sách 3 của Dự thảo còn đề xuất cho phép chính quyền Hà Nội áp dụng trên địa bàn TP Hà Nội mức phụ thu tăng thêm tối đa 50% trên mức thuế hoặc thuế suất do Quốc hội quy định ở một số sắc thuế gián thu nhằm điều tiết tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc hàng hóa, dịch vụ khác cần điều tiết tiêu dùng.

Quy định này được hiểu là sẽ áp dụng cho các loại hàng hóa, dịch vụ hiện đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu việc đánh thuế những hàng hóa, dịch vụ này khác nhau giữa Hà Nội và các địa phương lân cận thì sẽ gây xáo trộn lớn đối với thị trường đó. Nếu áp dụng với hàng hóa thì sẽ có người mua hàng ở nơi thuế thấp để bán lại ở nơi thuế cao, khi đó Nhà nước lại cần thêm các biện pháp kiểm soát để tránh thất thu thuế.

Nếu áp dụng với dịch vụ thì sẽ khiến người tiêu dùng di chuyển sang các tỉnh xung quanh Hà Nội để sử dụng dịch vụ. Các cơ sở kinh doanh trong Hà Nội sẽ sụt giảm doanh thu và có thể dẫn đến tình trạng dù thuế suất tăng nhưng tổng số tiền thuế Hà Nội thu được lại giảm. Biện pháp này sẽ gây thiệt hại lớn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Hà Nội.Với các lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cho phù hợp chung.

Dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô là một nội dung quan trọng nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Trong khoảng thời gian từ ngày 07/7/2023 đến ngày 12/7/2023, UBMTTQ phường đã phối hợp với UBND phường triển khai kế hoạch và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân trong phường.Ảnh: Văn Biên

- UBND cấp huyện thu thuế: Chính sách 3 đề xuất cho phép UBND cấp huyện tổ chức thu các loại thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (cơ quan thuế phối hợp, giám sát để bảo đảm mức thu đúng quy định pháp luật thuế) trên cơ sở phân chia nguồn thu từ thuế đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phục vụ nhu cầu chi của xã, phường. Hiện không rõ việc chính quyền cấp huyện tổ chức thu thuế sẽ được tiến hành cụ thể như thế nào.

Đối với việc kê khai và xác định nghĩa vụ thuế thì hiện nay chính quyền địa phương đã tham gia vào công tác này theo cơ chế Hội đồng tư vấn thuế do UBND cấp huyện thành lập. Do đó, việc chuyển chức năng nhiệm vụ này từ các Chi cục Thuế về UBND cấp huyện là không thực sự cần thiết.

Ý kiến cho rằng, đã là thuế thì do ngành thuế thu, không nên để cơ quan khác thu. Nếu cơ quan soạn thảo nhận thấy rằng hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế hiện nay còn bất cập, không phù hợp với điều kiện của Hà Nội, thì có thể đề xuất điều chỉnh vấn đề này. Đối với việc phân bổ và sử dụng số tiền thuế thu được thì thuộc phạm vi pháp luật về ngân sách Nhà nước. Nếu cần thiết, có thể điều chỉnh các quy định về ngân sách để số tiền thuế thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được phân bổ trực tiếp cho xã, phường.

Góp ý vào các Chương, Điều, Khoản. Có ý kiến cho rằng, Tại Chương 1: Quy định chung: Điều 2 Quy định về vị trí vai trò của Thủ đô Hà Nội. NếuKhoản 1 và Khoản 2 của Điều 2 nói về vị trí của Thủ đô, thì Khoản 3 của Điều 2 nêu lên vai trò của Thủ đô là gì: Chẳng hạn: Vai trò của thủ đô là: “Thủ đô Hà Nội là đại diện cho hình ảnh Việt Nam, là bộ mặt của nền kinh tế Việt Nam, đại diện cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam...”.

Tại Điều 3: Giải Thích từ ngữ: có ý kiến cho rằng trong Điều này xin đưa Khoản 14, giải thích “Vùng Thủ đô” lên trước Khoản 3, tức là trước mục giải thích: “Chương trình, dự án trọng điểm của Vùng Thủ đô” vì có Vùng Thủ đô trước sau đó mới có chương trình dự án trọng điểm của vùng.

Tại Chương 2: Tổ chức Chính quyền Thủ đô (từ điều 9 cho đến điều 19). Tại Khoản 1 Điều 9 có nêu: “Chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã, TP thuộc TP Hà Nội; xã, thị trấn gồm HĐND và UBND”. Nhưng bắt đầu từ điều 10 cho đến điều 16 của Chương 2 này chỉ quy định cho các tổ chức là: HĐND TP (Điều 10), UBND TP, Chủ tịch UBND TP (Điều 11); HĐND quận, thị xã (Điều 12); UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã (Điều 13); HĐND TP thuộc TP Hà Nội (Điều 14); UBND, Chủ tịch UBND TP thuộc TP Hà Nội (Điều15); UBND, Chủ tịch UBND phường (Điều16).

Sang Điều 17 là quy định về chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội. Tuy nhiên, không thấy quy định nào cho HĐND huyện; UBND, Chủ tịch UBND huyện và cấp xã, thị trấn. Theo người góp ý thì cần phải có quy định cho huyện, xã , thị trấn ở khu vực ngoại thành.

- Điều 10, Chương 2, Khoản a, Điểm 1: Đề nghị theo phương án 1, không nên để phương án 2, vì đã đưa vào Luật không thể nói: “ …và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù…” , nếu nói như vậy cần gì phải nêu cụ thể cơ quan, tổ chức đặc thù. Là cơ quan tổ chức nào, không nói chung chung như dự thảo cho nên chỉ để ở phương án 1.

- Điều 17, chương 2, khoản 3: “ Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP Hà Nội, UBND cấp huyện được tiến cử, giới thiệu….để làm quy trình bổ nhiệm cấp phó và chịu trách nhiệm….”. Đề nghị xem lại khoản này, có trái với quy định 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ chính trị quy định về phân cấp, quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử không? Trong quy trình 5 bước quy định này, bước 1, 2 đều do tập thể lãnh đạo xem xét và người đứng đầu cũng chỉ một phiếu để giới thiệu. ý kiến cho rằng, nên bỏ Khoản 3 này vì trên thực tế khái niệm “ê kíp” của chúng ta thực sự chưa “lành mạnh” nhiều khi trở thành “bè phái” không tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc, Dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô là một nội dung quan trọng nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, đồng thời các dự án luật cũng nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 trong đó Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì có nhiệm vụ phối hợp với UBND TP Hà Nội, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Luật Thủ đô đáp ứng các yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 2050 theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW), trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030: “Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - văn minh - hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Hà Nội tổ chức lấy ý kiến góp ý Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Họp Tổ biên tập góp ý, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động